Chuyên mục
Người giàu Trung Quốc nhắm đến bất động sản Đông Nam Á

Người giàu Trung Quốc nhắm đến bất động sản Đông Nam Á

Chủ nhật 15/01/2023 18:12 GMT + 7

Các công ty môi giới bất động sản và chuyên gia nhập cư đang chứng kiến sự gia tăng nhu cầu tư vấn cho các công dân Trung Quốc về việc lập văn phòng đầu tư gia đình ở Singapore, mua căn hộ cao cấp ở Malaysia và mua nhà định cư ở Thái Lan.


Khách Trung Quốc đến sân bay Suvarnabhumi ở Samut Prakan (Thái Lan) hôm 9-1 sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài. Ảnh: Xinhua.


Sau khi chịu cảnh mắc kẹt ở quê nhà trong 3 năm qua do chính sách “zero Covid”, giới nhà giàu Trung Quốc đang sốt sắng tìm cơ hội di cư đến Đông Nam Á sau khi nước này tái mở cửa biên giới.

Xu hướng tìm mua nhà mới trên khắp châu Á của người dân nước này đột ngột gián đoạn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế biên giới vào đầu tháng 1, giới nhà giàu Trung Quốc bắt đầu khởi động lại các kế hoạch bị trì hoãn từ lâu. Trong đó, có việc đến thăm những bất động sản đã mua ở các nước Đông Nam Á hoặc chuyển sang định cư hẳn ở các nước này.

Sulochana Uthirapathi, người sáng lập Transform Borders, một công ty chuyên tư vấn các vấn đề nhập cư ở Singapore, cho biết trong tháng qua, công ty đã nhận được hàng loạt yêu cầu tư vấn từ những công dân Trung Quốc dự định chuyển đến sinh sống ở đảo quốc Sư tử.

Bà ước tính, số lượng yêu cầu tư vấn tăng tới 30%, phần lớn từ những người Trung Quốc giàu có có ý định thành lập văn phòng đầu tư gia đình ở thành phố này.

“Hầu hết là những cá nhân giàu có muốn chuyển cả gia đình đến đây. Một trong những cách để đưa gia đình họ đến Singapore là thành lập văn phòng đầu tư gia đình nhưng họ cũng muốn đưa con cái đến đây để học hành”, bà nói.

Các chuyên gia cho biết, các đợt phong tỏa kiểm soát dịch bệnh liên tục trong những năm qua đã tác động đến kế hoạch tương lai của giới nhà giàu Trung Quốc. Khi nền kinh tế trong nước trở nên bất ổn và chịu nhiều hạn chế liên quan đến Covid-19, nhiều người trong số này muốn “trốn chạy” khỏi Trung Quốc để tìm kiếm các cơ hội tốt hơn ở Đông Nam Á, nơi chi phí nhà ở, y tế, và học hành có thể thấp hơn.

Chung Ting Fai, một luật sư tư vấn cho các văn phòng đầu tư gia đình ở Singapore, cho biết một trong những động lực thúc đẩy những người giàu của Trung Quốc ra nước ngoài sinh sống là môi trường chính trị ở nước này không thuận lợi. Trong đó, có các quy tắc và chính sách chặt chẽ hơn đối với người giàu và cách giới chức trách xử lý tình hình Covid-19.

Chung Ting Fai dự báo xu hướng công dân Trung Quốc “chạy” sang Singapore tăng tốc trong những tháng tới. Các yếu tố hấp dẫn của Singapore đối với giới nhà giàu Trung Quốc giàu có bao gồm luật pháp, ngôn ngữ và mối quan hệ văn hóa, cũng như khả năng kết nối với phần còn lại của Đông Nam Á.

Với tầng lớp trung lưu Trung Quốc muốn chuyển tiền ra nước ngoài, nơi giá cả bất động sản ổn định hơn, Đông Nam Á cung cấp nhiều cơ hội đầu tư hợp lý hơn.

Lĩnh vực bất động sản ở Malaysia đang lạc quan sau khi Trung Quốc tái mở cửa biên giới. Các công ty bất động sản của Malaysia kỳ vọng sự trở lại của các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng.

Theo Fifi Syafiza, nhân viên môi giới bất động sản của của Công ty Keller WilliamMalaysia, động thái dỡ bỏ hạn chế biên giới của Bắc Kinh giúp lượng giao dịch mua nhà ở Malaysia tăng nhanh. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc gấp rút hoàn tất thủ tục mua bất động sản ở Malaysia. Đây là những bất động sản đã được nhắm đến trước khi đại dịch xảy ra.

Người mua từ Trung Quốc đại lục đã mua các động sản với tổng trị giá khoảng 2 tỉ đô la ở Malaysia vào năm 2018. Fifi Syafiza cho biết, phản ứng ngay lập tức từ nhà đầu tư Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài cho thấy mối quan tâm của những khách hàng này sẽ còn tăng mạnh trong những tháng tới.

Malaysia cũng cung cấp thị thực dài hạn cho người nước ngoài muốn đến sinh sống tại Malaysia theo các chương trình Malaysia My Second Home và Silver Hair, cho phép công dân nước ngoài mua bất động sản dân cư trị giá ít nhất 1 triệu ringgit, khoảng 228.700 đô la Mỹ.

Theo dữ liệu của chính phủ Malaysia, hiện có khoảng 50.000 người nước ngoài đang tham gia ở hai chương trình này kể từ tháng 8 năm ngoái.

Ở nước láng giềng Thái Lan, doanh số bán căn hộ cũng được dự đoán sẽ tăng khi người mua từ Trung Quốc quay trở lại. Báo chí Thái Lan gần đây ghi nhận sự gia tăng nhu cầu tìm kiếm thông tin các trường quốc tế và viện dưỡng lão cho người già. Trong khi đó, các nhà hoạch định kinh tế Thái Lan dự báo đà phục hồi nhanh chóng của lượng khách quốc tế có thể thúc đẩy kinh tế đất nước tăng trưởng hơn 4% trong năm 2023.

Một diễn đàn kinh doanh lớn dự kiến được tổ chức tại Bangkok vào tháng 6 tới. Các nhà tổ chức cho biết diễn đàn này sẽ thu hút khoảng 4.000 nhà đầu tư và doanh nhân Trung Quốc.

Tuy nhiên, kế hoạch của định cư ở Thái Lan của giới nhà giàu Trung Quốc có thể bị cản trở do giới chức trách tạm dừng cấp thị thực dài hạn cho công dân Trung Quốc sau một vụ bê bối lớn về ma túy, rửa tiền và tham nhũng liên quan đến các băng nhóm xã hội đen người Trung Quốc và các quan chức Thái Lan.

Một phần của vụ bê bối là cáo buộc sử dụng các tổ chức phi chính phủ trá hình đặt trụ sở tại Thái Lan để cho phép hàng nghìn công dân Trung Quốc vào nước này theo diện thị thực giáo dục và tình nguyện trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Sau đó, nhiều người trong số này bị phát hiện mua bất động sản và làm việc cho các băng nhóm tội phạm tại các điểm giải trí về đêm bất hợp pháp.

Vụ việc trên khiến các môi giới bất động sản Thái Lan gặp khó khăn, vì khó có thể cam kết với khách hàng tiềm năng của Trung Quốc rằng những người này có thể ở lại Thái Lan sau khi thời hạn thị thực du lịch 30 ngày kết thúc.

“Dù người Trung Quốc đang mua tới 25% lượng căn hộ cao cấp ở Thái Lan, vụ bê bối liên qua đến các băng nhóm mafia Trung Quốc hiện gây khó khăn cho việc giúp nhà đầu tư Trung Quốc xin thị thực dài hạn để cư trú tại Thái Lan”, một luật sư di trú Thái Lan cho biết.


Lê Linh (Theo SCMP)

Nguồn: thesaigontimes.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.