Chuyên mục
Lý do phương Tây lo ngại Trung Quốc xây dựng cảng chiến lược ven Biển Đen

Lý do phương Tây lo ngại Trung Quốc xây dựng cảng chiến lược ven Biển Đen

Thứ ba 04/06/2024 17:37 GMT + 7

Đây là một đòn giáng mạnh vào chiến lược tìm cách phát triển hành lang giao thông của EU sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra.


Các quan chức Trung Quốc và Gruzia ký thỏa thuận đối tác chiến lược ở Bắc Kinh tháng 7/2023. Ảnh: Chính phủ Gruzia.


Khi sự chú ý quốc tế tập trung vào nỗ lực của Gruzia nhằm thông qua luật "các cơ quan đại diện nước ngoài” gây tranh cãi, chính phủ nước này đã thực hiện một động thái khác có thể làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ với phương Tây khi tuyên bố rằng một tập đoàn Trung Quốc sẽ xây dựng một cảng chiến lược trên bờ Biển Đen của Gruzia, Đài phát thanh châu Âu (RFE/RL) ngày 2/6 đưa tin.

Nguồn tin trên dẫn lời Tinatin Khidasheli, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia nói: “Quyết định này được đưa ra một ngày sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Gruzia về 'các cơ quan đại diện nước ngoài' dường như không phải là một sự ngẫu nhiên. Việc Chính phủ Gruzia muốn trao quyền phát triển cảng chiến lược cho Trung Quốc là một bí mật, nhưng sự lựa chọn các công ty này rất đáng lo ngại và thời điểm công bố đã gửi đi một thông điệp nào đó”.

Từng là một thị trấn nghỉ dưỡng ở Biển Đen, Anaklia giờ đây sẽ là nơi có cảng nước sâu đầu tiên của Gruzia, được xây dựng bởi các công ty từ Trung Quốc. Những công ty này đều là các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc. Mặc dù có nhiều kinh nghiệm toàn cầu nhưng họ cũng từng gây tranh cãi quốc tế, từ cáo buộc gian lận ở Philippines đến hối lộ ở Bangladesh. Hai công ty trong liên danh xây dựng cảng ở Gruzia cũng bị cấm tham gia vào các dự án xây dựng do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Việc lựa chọn các công ty Trung Quốc trên cũng có thể làm tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ của nước này với phương Tây và định hình lại cái gọi là Hành lang Giữa, một mạng lưới thương mại toàn cầu vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á, trong đó Gruzia đóng vai trò là "nút chiến lược".

“Anaklia là viên ngọc quý của Hành lang Giữa. Nếu để Trung Quốc xây dựng một điểm quan trọng như vậy, thì Gruzia đang trao cho họ khả năng và cơ hội để kiểm soát tuyến đường thương mại rất quan trọng giữa châu Âu và châu Á”, Romana Vlahutin, thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall của Đức và cựu đại sứ lưu động của EU về kết nối, nói.

Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết về thỏa thuận giữa phía Trung Quốc và Gruzia, nhưng Bộ trưởng Kinh tế và Phát triển bền vững Gruzia Levan Davitashvili cho biết vào cuối tháng 5 vừa qua rằng, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và China Harbor Investment có trụ sở tại Singapore là những nhà thầu duy nhất trong cuộc đấu thầu xây dựng và vận hành cảng nước sâu ở Anaklia, một thị trấn ở ven Biển Đen với khoảng 1.500 dân. Ông Davitashvili nói thêm rằng hai công ty khác của Trung Quốc – Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc và Công ty Cảng Quốc tế Thanh Đảo – sẽ đóng vai trò là nhà thầu phụ cho dự án.

Một cảng nước sâu ở Gruzia - nơi sẽ cho phép các tàu lớn hơn vận chuyển khối lượng lớn hơn với tốc độ hiệu quả hơn - sẽ nâng cao triển vọng của Hành lang Giữa như một tuyến thương mại thay thế đi qua Nga, nhưng 49% cổ phần của Trung Quốc trong dự án cũng có thể là một đòn giáng mạnh vào chiến lược tìm cách phát triển hành lang giao thông của EU sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Chuyên gia Vlahutin nói: “Đây không phải là tin tốt cho EU và tôi nghĩ việc [Trung Quốc xây dựng] cảng cho thấy sự thiếu tư duy chiến lược ở Brussels”.

Các công ty tham gia đấu thầu là ai?

Trong một cuộc họp báo gần đây, ông Davitashvili cho biết, qua nhiều tháng tham vấn, một tập đoàn Thụy Sĩ-Luxembourg do Terminal Investment Limited Holding dẫn đầu, công ty điều hành các cảng vận chuyển trên khắp châu Âu và châu Á, cũng đã tham gia.

Nhưng Bộ trưởng Davitashvili nói rằng chỉ có các công ty nhà nước Trung Quốc mới đưa ra hồ sơ dự thầu cuối cùng và mặc dù một số thủ tục kỹ thuật vẫn phải được thực hiện, nhưng các tập đoàn Trung Quốc “đã hoàn tất đơn đăng ký và các bảo lãnh từ những ngân hàng liên quan đã được đưa ra”. Terminal Investment Limited Holding đã không trả lời yêu cầu bình luận của RFE/RL về lý do tại sao họ không gửi hồ sơ dự thầu cuối cùng.

Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, là nhân tố chủ chốt trong dự án chính sách đối ngoại đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đại sứ Trung Quốc tại Gruzia, Chou Qian, nói với các nhà báo hôm 30/5 rằng công ty này là “một trong những công ty xây dựng nổi tiếng nhất và mạnh nhất trên thế giới” và đã thực hiện các dự án tại hơn 153 quốc gia.

Tuy nhiên, công ty cũng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về cách thức tiến hành kinh doanh ở nước ngoài, tại các khu vực từ Malaysia đến Guinea. Từ năm 2011 đến 2017, Ngân hàng Thế giới đã cấm công ty này và các công ty liên kết tham gia vào các dự án xây dựng do Ngân hàng Thế giới tài trợ do bê bối gian lận trong một dự án đường bộ ở Philippines năm 2009. Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc cũng bị chấm dứt hợp đồng xây dựng cảng ở Tanzania vào năm 2014 sau khi có cáo buộc cho rằng các quan chức Tanzania đã thổi phồng chi phí dự án để đáp ứng nhu cầu của công ty Trung Quốc.

China Harbour Investment có trụ sở tại Singapore và là chi nhánh đầu tư ra nước ngoài của Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc, là nhà thầu kỹ thuật và là công ty con của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc.

Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc đã vướng vào một vụ án tham nhũng lớn vào năm 2018, khi công ty này bị Chính phủ Bangladesh đưa vào danh sách đen vì tìm cách “hối lộ” một quan chức cấp cao liên quan đến một hợp đồng lớn để mở rộng một đường cao tốc.

Phản ứng của phương Tây

Phản ứng trước thông báo của Chính phủ Gruzia về cảng Anaklia còn hạn chế, nhưng một quan chức NATO đã nêu lên mối lo ngại về vai trò của Trung Quốc trong thỏa thuận này: “Ai cũng biết rằng Trung Quốc từ lâu đã tìm cách gây ảnh hưởng trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở nước ngoài. Biển Đen vẫn là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với NATO”.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ với RFE/RL rằng Washington “tôn trọng các quyết định có chủ quyền của các quốc gia liên quan đến bên mà họ muốn hợp tác hoặc kinh doanh cùng”, nhưng nói thêm rằng khi làm ăn với các thực thể Trung Quốc, “điều quan trọng là phải [thực hiện] sự thẩm định, hiểu những tác động tiềm tàng đối với cơ sở hạ tầng và chủ quyền quan trọng, đồng thời đảm bảo mối quan hệ kinh tế công bằng, minh bạch và mang lại lợi ích cho Gruzia”.

Gruzia không lạ gì với việc trao các hợp đồng cơ sở hạ tầng quan trọng cho các công ty Trung Quốc. Ngoài cảng nước sâu ở Anaklia, các công ty Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp Gruzia, bao gồm một đoạn đường cao tốc lớn xuyên qua vùng nông thôn miền núi của nước này, một dự án có mức đầu tư ngày càng tăng lên tới gần 1 tỷ USD.


Vũ Thanh (Theo rferl.org)

Nguồn: baotintuc.vn/
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.