Chuyên mục
Liên Xô thiết kế hệ thống phòng không bảo vệ Moscow như thế nào?

Liên Xô thiết kế hệ thống phòng không bảo vệ Moscow như thế nào?

Thứ tư 18/11/2020 05:30 GMT + 7

S-25 Berkut là hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên được Liên Xô biên chế năm 1955, trở thành lá chắn vững chắc bảo vệ Thủ đô Moscow đến giữa thập niên 1980.

 

Cuối thập niên 1940, trước mối đe dọa từ các phi đội máy bay chiến lược mang bom hạt nhân của Mỹ, Liên Xô lo ngại chúng có thể tiến sâu vào lãnh thổ nước này và đe dọa những mục tiêu trọng yếu ở Thủ đô Moscow cùng nhiều thành phố khác.



Điều này khiến lãnh đạo Liên Xô khi đó là Stalin ra lệnh cho ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô, trong vòng 5 năm, phải phát triển hệ thống phòng không đủ sức bảo vệ Thủ đô Moscow.



Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ngày 9/8/1950 giao nhiệm vụ chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không S-25 Berkut (Đại bàng vàng) cho Viện thiết kế số 1 (KB-1), tiền thân của Tập đoàn quốc phòng Almaz - Antei hiện nay.



Trong quá trình phát triển tên lửa S-25 Berkut, Raspletin, Tổng công trình sư của KB-1, đã đề xuất ý tưởng chưa từng có trên thế giới, đó là sử dụng hệ thống radar dẫn bắn đa kênh, có thể phát hiện và bám bắt máy bay đối phương; đồng thời, theo dõi đường bay và điều khiển tên lửa phòng không tiến công mục tiêu.



Ý tưởng của Raspletin dẫn đến sự ra đời của radar S-200 với tầm theo dõi 150 km và góc quan sát 360º, sử dụng 2 chùm sóng riêng rẽ để bám bắt mục tiêu và điều khiển tên lửa. Nó có thể phát hiện và tự động bám bắt 20 mục tiêu khác nhau, dẫn bắn cho tên lửa tiến công mỗi mục tiêu trong số đó.



Radar S-200 được hỗ trợ bởi radar cảnh giới R-113 Kama, với tầm hoạt động 300km, có nhiệm vụ phát hiện mục tiêu từ xa và chuyển tham số cho hệ thống dẫn bắn. Vũ khí chính của tổ hợp phòng không S-25 Berkut là tên lửa V-300 có tầm bắn 45 km và mang đầu đạn nổ mạnh nặng 250 kg.



Các nhà thiết kế còn đề xuất phương án tích hợp máy bay đánh chặn G-400 (được phát triển từ máy bay chiến lược Tu-4 và trang bị tên lửa đối không G-300), cùng máy bay cảnh báo sớm D-500 vào tổ hợp “Đại bàng vàng”. Tuy nhiên, giải pháp này bị loại bỏ sau nhiều đợt thử nghiệm.



Liên Xô tiến hành tổng cộng 81 đợt bắn thử S-25 trong giai đoạn 1952-1953; trong đó, sử dụng máy bay chiến lược Tu-4 và Il-28 làm mục tiêu. Trận địa S-25 đầu tiên được triển khai năm 1954; tổ hợp đầu tiên được biên chế ngày 7/5/1955 và đưa vào trực sẵn sàng chiến đấu sau đó một năm.



Để xây dựng lá chắn cho Thủ đô Moscow, các hệ thống S-25 được bố trí thành hai vòng tròn quanh thành phố, với nhiệm vụ phòng thủ chống lại đòn tập kích của 1.000 máy bay chiến lược. Vòng tròn nhỏ gồm 22 trận địa nằm cách trung tâm thủ đô 45 đến 50km, vòng tròn lớn gồm 34 trận địa ở khoảng cách từ 85 đến 90km.



Mạng lưới radar cảnh giới Kama được bố trí ở khoảng cách xa hơn, cho phép phát hiện sớm mục tiêu, giúp lực lượng phòng không chuyển trạng thái chiến đấu trước khi máy bay địch vào tầm bắn hiệu quả. Các vành đai được điều phối bởi một trung tâm chỉ huy và 4 đài chỉ huy khu vực.

 

Mỗi trận địa gồm một đài điều khiển với 2 radar S-200 để xác định tầm, hướng và độ cao mục tiêu, cụm 60 bệ phóng tên lửa nằm cách đó 1,5km và khu vực hỗ trợ hậu cần. Toàn bộ các thành phần của hệ thống (trừ bệ phóng), đều đặt trong hầm bê tông kiên cố, có khả năng chịu hàng loạt quả bom tấn của Mỹ. Chúng cũng được ngụy trang hoặc bố trí trong rừng để đối phương khó phát hiện.



S-25 Berkut được coi là hệ thống phòng không uy lực nhất thế giới ở thời điểm đó, nhưng nó cũng tồn tại hàng loạt điểm yếu. Radar và bệ phóng của tên lửa được bố trí cố định, không có khả năng cơ động, kết cấu trận địa dạng xương cá dễ bị phát hiện bởi máy bay trinh sát tầm cao hoặc vệ tinh do thám, có nguy cơ bị đối phương tập kích tiêu diệt.



Thiết kế phức tạp và chi phí vận hành lớn khiến S-25 chỉ có thể bảo vệ Thủ đô Moscow. Điều này thúc đẩy Liên Xô phát triến những hệ thống phòng không đơn giản, có khả năng sống sót cao và rẻ tiền hơn như S-75 Dvina và S-125 Pechora, cho phép triển khai ở nhiều địa điểm hơn.



Tuy nhiên, S-25 vẫn liên tục được Liên Xô nâng cấp để bảo đảm khả năng phòng thủ trước các đòn tiến công hạt nhân. Phiên bản nguyên gốc có khả năng bắn hạ máy bay có tốc độ 1.500 km/h ở độ cao 15km, trong khi dự án hiện đại hóa năm 1966 giúp nó đánh chặn được tên lửa hành trình có tốc độ tới 4.300 km/h ở độ cao 0,5 đến 35km. Tầm bắn của Berkut cũng được nâng lên gần 60km.



Hàng loạt gói nâng cấp giúp Liên Xô duy trì hoạt động của lá chắn S-25 cho đến đầu thập niên 1980, thời điểm hệ thống này đã lạc hậu và không còn khả năng hiện đại hóa để đối phó với những mối đe dọa hiện tại.



Sự xuất hiện của hệ thống phòng không tầm xa S-300P năm 1979 cũng thúc đẩy quá trình loại biên S-25, trong đó những tổ hợp cuối cùng bị loại khỏi biên chế vào năm 1984.



Tuy nhiên, phiên bản S-25M vẫn được Nga sử dụng cho tới năm 2011, trong đó các tên lửa V-300 đóng vai trò mục tiêu tập bắn cho những hệ thống phòng không hiện đại hơn.


Tiến Minh

Nguồn: kienthuc.net.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.