Chuyên mục
Kinh tế Trung Quốc: Mở toang cửa chờ đầu tư nước ngoài, cam kết cải cách và chia sẻ cơ hội lớn với thế giới

Kinh tế Trung Quốc: Mở toang cửa chờ đầu tư nước ngoài, cam kết cải cách và chia sẻ cơ hội lớn với thế giới

Thứ năm 27/10/2022 11:03 GMT + 7

Trung Quốc đang nỗ lực triển khai các biện pháp đa hướng nhằm thu hút và hỗ trợ nguồn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế.


Kinh tế Trung Quốc đã mở toang cửa chờ đầu tư nước ngoài, kêu gọi các công ty đa quốc gia đầu tư vào ngành y tế, chất bán dẫn và hóa chất, thiết bị cao cấp, linh kiện cơ bản và các bộ phận quan trọng. (Nguồn: Getty Images).


Ngay sau khi Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của nền kinh tế số 1 châu Á đã ban hành một gói chính sách toàn diện nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

Một loạt biện pháp 'nóng hổi' được đưa ra, bao gồm tạo điều kiện đi lại quốc tế cho các nhân sự chủ chốt và cho phép các công ty nước ngoài huy động vốn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc - một động thái mà các nhà phân tích cho rằng, "cho thấy rõ quyết tâm của Trung Quốc trong việc mở cửa hơn nữa thị trường và chia sẻ các cơ hội tăng trưởng với thế giới".

Đầu tư vào ngành sản xuất của Trung Quốc là đầu tư vào tương lai?

"Sự phát triển ổn định của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc sẽ không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc mà còn tạo ra động lực tích cực cho nền kinh tế thế giới", giới phân tích nhấn mạnh.

Các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và phát triển Quốc gia (NDRC), cùng với 5 bộ khác, vừa chính thức công bố ban hành 15 biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực sản xuất.

Với mục tiêu thu hút nhiều vốn nước ngoài, ổn định vốn đầu tư nước ngoài hiện có và nâng cao chất lượng nguồn vốn từ bên ngoài, "các biện pháp đã nêu rõ phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong việc sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay và sắp tới", theo NDRC,

Bắc Kinh cũng kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất để lĩnh vực này của Trung Quốc có thể hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Ông Bai Ming, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường quốc tế thuộc Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc nhận xét, đây là gói chính sách đầu tiên liên quan đến chính sách mở cửa của đất nước sau khi Đại hội Đảng kết thúc. Động thái này cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc mở cửa thị trường cho các công ty nước ngoài và chia sẻ cơ hội phát triển với ngày càng nhiều doanh nhân quốc tế.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc nhấn mạnh vào sản xuất phản ánh tinh thần của những thay đổi quan trọng, trong đó tập trung cao vào nâng cấp năng lực sản xuất của nền kinh tế Trung Quốc, trong số các biện pháp khác, nhằm mục tiêu phát triển nền kinh tế thực.

Theo chuyên gia nghiên cứu Yao Jingyuan, thuộc Văn phòng Cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, sự phát triển chất lượng cao của ngành sản xuất Trung Quốc cần sự tham gia của các công ty nước ngoài và ở chiều ngược lại, đầu tư vào ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ tạo ra lợi nhuận cao cho các công ty đa quốc gia. "Đầu tư vào ngành sản xuất của Trung Quốc là đầu tư vào tương lai", ông Yao nhấn mạnh.

Dưới áp lực kinh tế phức tạp hiện nay, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng 10,1% trong ba quý đầu năm, cho thấy tiềm năng của nó, nhà nghiên cứu Yao Jingyuan cho biết. "Sản xuất dự kiến sẽ tăng tốc hơn nữa trong quý 4, đồng thời đóng một vai trò quan trọng hơn nữa trong nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2023".

Đồng quan điểm trên, ông Liu Yuanchun, Hiệu trưởng Đại học Tài chính và kinh tế Thượng Hải dẫn báo cáo của CGTN và khẳng định, lĩnh vực sản xuất, đạt mức tăng trưởng 4,1% trong quý thứ ba, sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn.

"Đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực sản xuất cũng sẽ khuếch đại lợi thế về sức mạnh sản xuất ở Trung Quốc và thậm chí tạo ra cơ hội mới giữa bối cảnh lạm phát toàn cầu", ông Liu phân tích lợi thế, trong khi lưu ý rằng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã đạt mức bão hòa tương đối, trong khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục chậm lại.

Về mặt thúc đẩy đầu tư nước ngoài, tài liệu do CGTN công bố, kêu gọi "chuyển đổi chính sách mở cửa thành các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cụ thể và hữu hình", đồng thời thúc đẩy việc "thực hiện nhanh chóng các dự án đã ký kết".

Các biện pháp khác bao gồm, giải quyết các vướng mắc, từng khiến các nhà đầu tư nước ngoài "bận lòng", đảm bảo cung cấp các yếu tố thị trường như đất đai, dòng vốn và tạo thuận lợi cho trao đổi kinh doanh. Bắc Kinh cũng kêu gọi các công ty đa quốc gia đầu tư vào ngành y tế, chất bán dẫn và hóa chất, thu hút đầu tư nước ngoài vào thiết bị cao cấp, linh kiện cơ bản và các bộ phận quan trọng; các dịch vụ hiện đại, công nghệ xanh và sáng tạo sẽ được ưu tiên.

Các công ty nước ngoài đủ điều kiện sẽ được phép niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, bao gồm cả thị trường chứng khoán chính (Main board), sàn giao dịch dành cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học và sáng tạo công nghệ (the Sci-tech innovation board), sàn ChiNext board.

Tiếp tục kiên định với mục tiêu phòng chống Covid-19 và kiểm soát chặt dịch bệnh, Bắc Kinh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại quốc tế, đặc biệt đối với các giám đốc điều hành công ty nước ngoài, ban giám đốc, nhân sự chủ chốt và người thân của họ; kêu gọi các địa phương sử dụng đầy đủ các kênh du lịch nhanh hiện có, bao gồm cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chuẩn và thủ tục dựa trên tình hình địa phương.

Đầu tư nước ngoài nhắm vào các khu vực miền Trung và miền Tây của Trung Quốc cũng được khuyến khích, theo báo cáo của NDRC và 5 bộ đưa ra, gồm Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin, Bộ Tài nguyên, Bộ Sinh thái và môi trường và Bộ Giao thông vận tải.

Các biện pháp trên được quyết liệt triển khai trong bối cảnh đầu tư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đối phó với tình hình kinh tế phức tạp, trong đó dịch bệnh kéo dài và nhu cầu từ thị trường nước ngoài suy yếu do lạm phát đình trệ ở Mỹ và EU. Theo dữ liệu kinh tế được công bố đầu tuần này, đầu tư đóng góp 26,7% vào tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc trong ba quý đầu năm 2022.

Niềm tin vẫn rất mạnh mẽ

Kinh tế gia trưởng Lian Ping và cũng là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đầu tư Zhixin cho biết, niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ, bằng chứng là việc sử dụng vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc trên thực tế vẫn duy trì tăng trưởng ở mức hai con số.

Ông Eric Zheng, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải chia sẻ với Reuters rằng, họ "được khuyến khích" bằng cam kết cải cách sâu rộng và mở cửa, được thể hiện cụ thể trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20.

Trung Quốc cũng đã công bố mức tăng trưởng quý III tốt hơn dự kiến là 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, với sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cơ sở hạ tầng, cũng như sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng. Trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 3%.

Zhao Chenxin, một quan chức cấp cao của NDRC, tiết lộ trong cuộc họp báo tuần trước, Trung Quốc đã sử dụng 892,74 tỷ Nhân dân tệ (124 tỷ USD) vốn nước ngoài trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các khoản đầu tư này, vốn nước ngoài vào các ngành công nghệ cao tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước và ở các khu vực miền Đông, miền Trung và miền Tây, lần lượt tăng 14,3%, 27,6% và 43%. Cơ cấu công nghiệp và phân bổ đầu tư nước ngoài theo khu vực tiếp tục được cải thiện.

Kinh tế gia trưởng Lian Ping nhận định, việc tiếp tục mở toang cửa của Trung Quốc trong bối cảnh làn sóng chống toàn cầu hóa ở một số nước phương Tây sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu và tiếp thêm sức sống cho thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2013 đến năm 2021, đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 38,6%, nhiều hơn mức đóng góp cộng lại của tất cả các thành viên Nhóm G7. FDI là dòng vốn trung và dài hạn không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngắn hạn và phản ánh niềm tin vào nền kinh tế dài hạn của Trung Quốc.

Với việc đưa ra các chính sách tốt, cùng với sự phục hồi hơn nữa của nền kinh tế Trung Quốc và các biện pháp hợp lý hơn trong việc chống lại dịch bệnh, kỳ vọng về FDI vẫn tích cực, chuyên gia Lian tin tưởng.

Mới đây, một số hãng hàng không ở Trung Quốc cũng đã thông báo nối lại và tăng cường các đường bay quốc tế cho mùa Đông Xuân. Tổng số chuyến bay dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với giai đoạn mùa Hè và Thu, với đầy đủ các điểm đến ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ.


Minh Anh (theo Global Times)

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.