Chuyên mục
Khi chuyến bay 'giải cứu' nhóm du học sinh bị kẹt ở Mỹ vừa đáp xuống Tân Sơn Nhất, một thành viên oà khóc nức nở: 'Về được nhà rồi, về được nhà rồi'

Khi chuyến bay 'giải cứu' nhóm du học sinh bị kẹt ở Mỹ vừa đáp xuống Tân Sơn Nhất, một thành viên oà khóc nức nở: 'Về được nhà rồi, về được nhà rồi'

Thứ sáu 27/03/2020 08:26 GMT + 7

Sau 1 ngày 'vạ vật' tại sân bay, đoàn du học sinh đều mệt mỏi, người bỏ cuộc quay đầu, người quyết tâm bám trụ mong mỏi tia hy vọng.

 

Ngày 23/3, thông tin một nhóm khoảng 40 người Việt Nam, trong đó có các du học sinh, đang bị mắc kẹt tại sân bay Dallas do chuyến bay về Việt Nam quá cảnh ở Narita đột ngột bị hủy. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) sau khi nhận được thông tin đã khẩn trương liên hệ với các du học sinh để tìm hiểu thông tin, chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các hãng hàng không để tìm chuyến bay phù hợp, đưa các du học sinh về nước.

Chúng tôi đã liên hệ với Đoàn Nguyễn Thanh Thảo - 1 trong số 40 du học sinh may mắn trở về Việt Nam an toàn ngày 24/3 và đang được cách ly tại KTX ĐH Quốc gia TP HCM. Thảo hiện là sinh viên năm nhất trường Louisiana State University, ngành Y tá. Cô bạn không nén nổi xúc động, chia sẻ lại hành trình chạy đua với thời gian sau gần 1 ngày bị 'mắc kẹt' tại sân bay. 

Chuyến bay bị hủy

Sau khi biết tiểu bang Louisiana (Mỹ) xác nhận hơn 1388 ca và 46 người chết vì Covid-19, Thanh Thảo thu xếp về nước nhanh nhất có thể dù biết hành trình trở về lần này 'rủi nhiều hơn được'. 

Sáng sớm ngày 22/3 (tức tối ngày 22/3 theo giờ Việt Nam) Thảo bay từ Louisiana đến sân bay Dallas Fort Worth (Texas, Mỹ) lúc 9:18 phút. Sau 15 phút có mặt check-in, Thảo và nhóm bạn có mặt tại sân bay nhận được tin từ American Airlines thông báo chuyến bay AA61 xuất phát từ Mỹ quá cảnh Tokyo Narita (Nhật Bản) bị huỷ bởi Nhật không chấp nhận lệnh nhập cảnh. Đồng thời, tất cả các chuyến bay về Việt Nam của American Airlines cũng sẽ tạm thời hủy vô thời hạn. 

 

Chuyến bay AA61 xuất phát từ Mỹ quá cảnh Tokyo Narita (Nhật Bản) bị huỷ .


Bàng hoàng, hụt hẫng, Thảo cùng hơn 40 du học sinh rơi vào bế tắc: 'American Airlines khuyên tụi mình nên trở về thành phố mình đã ở. Khi đó tụi mình không chấp nhận được thông tin American Airlines đưa ra nên đã lập một nhóm nhỏ chia nhau liên lạc với lãnh sự quán ở Mỹ từ các bang khác nhau.

Tụi mình cũng đã gửi email xin giấy cho phép về Việt Nam và nhận được phản hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, khi đem giấy cho phép đến quầy check-in thì vẫn không được chấp nhận vì phía bên Nhật từ chối. Gọi lên Japan Airline thì được phản hồi là phía họ xác nhận với là Nhật vẫn nhập cảnh bình thường và không có lệnh nào cấm người Việt nhập cảnh cả.

Cãi cự một hồi đến 12h và bọn mình vẫn không được lên máy bay. Tất cả chúng mình dù đã có đủ giấy tờ cần thiết nhưng vẫn phải ngồi nhìn chuyến AA61 cất cánh mà không làm gì được cả'. 


Đoàn du học sinh mệt mỏi trong khi chờ đợi tại sân bay (Ảnh: Violet Rose).


Gần 1 ngày đợi chờ tại sân bay, mệt mỏi, thất vọng, 5 trong số 40 người đã bỏ cuộc, chấp nhập quay về Mỹ. Thảo cùng đoàn du học sinh còn lại quyết bám trụ, động viên nhau phải tỉnh táo tìm cách giải quyết. Một số thay phiên nhau cập nhật với phụ huynh, update tình hình trên mạng xã hội.

Đồng thời cố gắng liên hệ với Lãnh sự quán Houston cùng Lãnh sự quán Việt Nam ở Nhật. Số khác lập một danh sách có tên cùng số passport gửi đến các cơ quan có thể giúp đỡ cụ thể Lãnh sự quán Việt Nam ở Mỹ, Lãnh sự quán Việt Nam ở Nhật cùng Bộ ngoại giao và sàng lọc một số chuyến bay để có thể về Việt Nam. Tất cả đều đồng lòng tin tưởng: càng đông, càng hợp sức sẽ càng có tiếng nói.


Lời cầu cứu của nhóm du học sinh được truyền tay nhau trên MXH (Ảnh: Violet Rose).


Chạy đua với thời gian

Sau gần 1 ngày 'trụ' lại sân bay, 7h tối cùng ngày, Thảo cùng đoàn DHS thở phào vì nhận được tia hy vọng cuối cùng với sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật. 

Đoàn DHS sẽ được hỗ trợ đi Cathay Airways về với lộ trình từ Dallas Fort Worth qua SFO (San Francisco) quá cảnh HKG (Hongkong) để về SGN (Hồ Chí Minh).

'Lúc đấy bọn mình còn 35 người và bạn nào bạn nấy cũng lo chạy đến quầy cả vì chuyến bay bay lúc 8h50 và đóng cửa bay lúc 8h40 cùng ngày. Không may thay, chỉ có 20 người bọn mình lên được chuyến đi SFO (AA 1535) và còn 15 bạn bị mắc kẹt lại do máy bay cùng cơ trưởng từ chối delay 10 phút để cho các bạn còn lại cùng lên. 

Đến SFO lúc 11h10 tối giờ của bang Cali, bọn mình có tầm 45 phút để làm thủ tục đi Hong Kong. Tuy nhiên, lúc này vé của 5 bạn lại bị sai sót cho nên các bạn phải đi sửa vé cấp tốc. Tất cả đều nhanh chóng, khẩn trương nhất có thể vì đây là tia hy vọng cuối cùng' - Thảo chưa hết bồi hồi. 

 


Hạnh phúc khi thấy đường về nhà đang ngày một ngắn lại.


Kết thúc hành trình, 12:05 ngày 22/3 theo giờ Mỹ, Thảo cùng 20 người trong đoàn 40 DHS đều được lên máy bay chuyến CX 893. Đến Hongkong lúc 7h10 sáng ngày 24/3, tất cả đã báo tin cho Lãnh sự quán ở Mỹ để họ tiếp tục làm việc với Lãnh sự quán ở Hongkong và đều được lên máy bay chuyến CX 767 khởi hành lúc 8h25 sáng 24/3 cùng ngày để về Hồ Chí Minh. 

Tuy nhiên, 15 người bạn không may mắn bị bỏ lại phía sau hiện vẫn đang loay hoay tìm cách quay trở về. Bởi 12h sáng ngày 25/3, Hongkong thông báo sẽ ngừng nhập cảnh với người ngoại quốc nên các chuyến bay quá cảnh tại đây rất có khả năng bị hủy. Dù đi hay về, mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng nhưng tất cả vẫn thường xuyên nhắn tin thăm hỏi và update tình hình của nhau. 


Xúc động khi về đến quê hương an toàn.


Đừng trách du học sinh khi muốn về nước

Trở về nước có nghĩa là trở về với quê hương, gia đình, với nơi họ sinh ra và lớn lên. Mục đích của việc này không gì khác ngoài 2 chữ an toàn – an toàn cho chính bản thân họ, an toàn cho người sinh thành và cho những người xung quanh. 

'Mọi người không sai khi nói tụi mình là gánh nặng vào lúc này, nhưng đồng thời mình cũng chỉ hy vọng mọi người có thể hiểu rằng trong tim bọn mình, Việt Nam thân thương lúc nào cũng là nhà và là nơi an toàn nhất. 

Kí túc xá đóng cửa và bọn mình không thể vòng lại được nữa, hơn nữa chi phí nhập viện ở Mỹ quá đắt đỏ và một số bảo hiểm, không hỗ trợ chữa trị Coronavirus và bọn mình phần đông không có khả năng tự cung tự cấp đồ ăn cho bản thân trong quãng thời gian dịch đang chuẩn bị đạt đỉnh điểm ở Mỹ.

Thực tế mà nói dù bọn mình có chuyện gì nơi xứ người thì ba mẹ cũng sẽ không lo được, nên dù mệt mỏi thế nào đi nữa thì chúng mình cũng quyết về cho bằng được'. 


Thư gửi cầu cứu của Thanh Thảo cho các đại sứ quán.


Sau khi gặp sự cố hủy chuyến, Thanh Thảo càng thêm biết ơn sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt ở các Đại sứ quán cùng sự hỗ trợ nhiệt tình từ quê hương. Khi nghe tin 40 du học sinh bị mắc kẹt, nhiều người đã gọi điện khắp đại sứ quán, lãnh sứ quán ở các tiểu bang để nhờ giúp đỡ.

Về nước lại được cách ly trong môi trường vô cùng tốt, điều kiện chăm sóc chu đáo, tất cả đều làm những người con xa xứ cảm thấy ấm lòng. 

 




Được chăm sóc chu đáo tại nơi cách ly.


'Không đâu bằng nhà cả và mình thật sự rất xúc động khi thấy máy bay hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Lúc đấy trong đầu mình cứ nghĩ là "về nhà được rồi về nhà được rồi", vui hơn cả Tết luôn ấy.

Mình sẽ không nói đây là một trải nghiệm quá tệ, vì mình cũng đã học được rất nhiều điều từ chuyến đi này. Về được đến nhà khiến chuyến đi của mình cảm giác như từ địa ngục lên thẳng thiên đường vậy' - nữ sinh chia sẻ.

 

H.Yen
Ảnh: NVCC

Nguồn: Baodatviet.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.