Chuyên mục
Hồ sơ Pandora: Chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp hay bất hợp pháp?

Hồ sơ Pandora: Chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp hay bất hợp pháp?

Thứ sáu 08/10/2021 17:19 GMT + 7

Vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa bí mật, quyền riêng tư và lợi ích công cộng.

 


Điều bất hạnh đối với thế giới là Hồ sơ Pandora bị phanh phui vào giữa đại dịch toàn cầu. (Nguồn: Occrp.org)


Hồ sơ Pandora sẽ có tác động lớn tới thế giới, hơn bất kỳ lần rò rỉ dữ liệu thuế nào trước đây. Bởi thật bất hạnh, vụ việc bị phanh phui vào giữa đại dịch toàn cầu - vốn đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và buộc chính phủ các nước phải vay những khoản tiền lớn chưa từng có nhằm cứu trợ nền kinh tế và người dân, mà tương lai gánh nặng trả nợ lại đè lên vai những người đóng thuế bình thường.


Các thiên đường thuế là bất hợp pháp?


Khi những người giàu có và quyền lực tích trữ tiền của họ trong các thiên đường thuế, về cơ bản họ đang mua sự bí mật. Những người đủ giàu có để tổ chức các vấn đề tài chính của họ ở những nơi như Quần đảo Cayman và Monaco mong đợi được bảo vệ khỏi sự giám sát của công chúng.

Tuy nhiên, "sự giám sát của công chúng" - chính xác đang là điều đang chờ đợi một số khách hàng của 14 nhà cung cấp dịch vụ tài chính ngoại biên, mà câu trả lời nằm trong tập dữ liệu Hồ sơ Pandora.

Những rò rỉ như vậy đặt ra những câu hỏi xác đáng về sự cân bằng giữa bí mật, quyền riêng tư và lợi ích công cộng.

Vậy, chính xác trong hồ sơ Pandora có gì?

Về khối lượng, đây là kho dữ liệu bị rò rỉ lớn nhất trong lịch sử. Nó đến từ các nhà cung cấp dịch vụ ngoại biên (offshore) hoạt động tại Anguilla, Belize, Singapore, Thụy Sĩ, Panama, Barbados, Cyprus, Dubai, Bahamas, British Virgin Islands, Seychelles…

Các tập dữ liệu đã bị rò rỉ cho Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). ICIJ đã cấp cho 600 nhà báo trên khắp thế giới quyền truy cập từ xa vào các tập dữ liệu trên, tạo nên mạng lưới truyền thông lớn nhất trong lịch sử. Họ bao gồm các phóng viên của Guardian, BBC, Le Monde và Washington Post.

Khai thác một lỗ rò rỉ cỡ này là một công việc lớn và phức tạp. Nó bao gồm, hồ sơ ngân hàng, tài liệu thành lập, thư từ và hồ sơ cho thấy quyền sở hữu thực sự của các công ty vỏ bọc. 6,4 triệu tài liệu và 1,2 triệu email được viết bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Quan Thoại, Hàn Quốc, Nga và Hy Lạp.

Các nhà quản lý tờ The Guardian cho biết, khi quyết định xem xét các hồ sơ bị rò rỉ, họ bắt đầu từ quan điểm xuất phát rằng, các thiên đường thuế đáng được giám sát và những vụ rò rỉ kiểu này trong quá khứ đã để lộ ra một ngành dịch vụ công cộng rất lớn.


Chuyển tiền ra nước ngoài không phải là bất hợp pháp và có những lý do chính đáng khiến một số người làm điều đó. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ngoại biên (offshore industry) đã phát triển theo cấp số nhân trong những thập kỷ gần đây và được đẩy mạnh bởi các cá nhân quyền lực và tập đoàn giàu có, nhằm tìm kiếm các cơ chế tinh vi để tránh thuế.

Doanh nghiệp ngoại biên dễ dàng được đăng ký thành lập ở những vùng lãnh thổ mà ở đó họ nhận được mức ưu đãi miễn thuế hoàn toàn, hoặc có mức thuế doanh nghiệp thấp, nếu công ty hoạt động với những khoản lợi nhuận phát sinh ngoài lãnh thổ đó. Những lãnh thổ này vẫn được gọi dưới cái tên hấp dẫn là "thiên đường thuế".

Những kẽ hở của pháp luật là cho phép người ta tránh nộp một số khoản thuế một cách hợp pháp, bằng cách chuyển tiền hoặc thành lập công ty ở các "thiên đường thuế". Ngoài ra, có một số lý do như để bảo vệ tài sản khỏi các cuộc tấn công của tội phạm hay bất ổn chính trị.

Trong khi, có thể phần lớn dịch vụ là hợp pháp, nhưng một số khác thì không. Bởi những khu vực pháp lý bí mật này cũng rất hấp dẫn đối với những kẻ lừa đảo, rửa tiền và trốn thuế.

Mặc dù việc cất giấu tài sản ở nước ngoài là không phạm pháp, song sử dụng mạng lưới phức tạp gồm các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản được coi là một cách để che giấu tiền phạm tội.

Ước tính, các "thiên đường thuế" khiến các chính phủ thiệt hại từ 400 tỷ USD đến 800 tỷ USD (khoảng 293 tỷ bảng Anh đến 586 tỷ bảng Anh) mỗi năm, do thất thu thuế từ các tập đoàn và cá nhân. Trong đó có thể có những khoản tiền không thể đong đếm được, nhưng chắc chắn đó là tiền thực, không được chi cho trường học, bệnh viện hoặc quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.

Mạng lưới Tư pháp Thuế xếp hạng Vương quốc Anh là một trong những quốc gia thất thu thuế nhiều nhất từ ngành công nghiệp ngoại biên, nhưng có lẽ lại là quốc gia có quyền lực lớn nhất. Cái gọi là “mạng nhện” của những người phụ thuộc vào vương quốc Anh và các lãnh thổ ở hải ngoại chiếm khoảng một phần ba tổng thất thu thuế toàn cầu mà các quốc gia khác phải gánh chịu.

Các bài báo về Pandora tiếp nối dư âm của hai vụ rò rỉ “gây địa chấn” trước đó, cũng do ICIJ chia sẻ. Các vụ Panama và Paradise, vào năm 2016 và 2017, đã thúc đẩy các cuộc tranh luận toàn cầu về đạo đức của mảng tài chính ngoại biên và giúp mang lại một số cải cách thực sự ở những nơi như Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Họ cũng đã tuân thủ luật pháp và bù đắp các thất thoát công, cho phép các chính phủ thu lại hơn 1,36 tỷ USD tiền thuế và tiền phạt. Các tài liệu bị tiết lộ từ vụ Pandora lần này cũng hứa hẹn những tác động toàn cầu tương tự, nhưng nó cũng có điểm khác với những “tổ chức tiền nhiệm” của nó theo những cách khác.

Không bí mật nào có thể che giấu mãi


Thật bất hạnh khi vụ việc bị phanh phui vào giữa một đại dịch toàn cầu - vốn đang khiến mức vay nợ chính phủ ở mức kỷ lục trong thời bình. Báo hiệu rằng, những người dân thường đóng thuế sẽ phải chịu gánh nặng của việc tăng thuế kéo dài trong nhiều thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, vấn đề đạo đức trong phân tích các dữ liệu bị rò rỉ để điều tra sự bí mật, phức tạp và không công bằng của nền kinh tế ngoại biên dường như lớn hơn bao giờ hết.

The Guardian, tờ báo tham gia vào mạng lưới khai thác những bí mật của Hồ sơ Pandora chia sẻ quan điểm, họ coi việc tránh và trốn thuế là vấn đề luôn được công chúng thực sự quan tâm. Các vấn đề pháp lý, xã hội, tài chính và đạo đức đang được xử lý. Các chính phủ cũng cần phải có trách nhiệm giải trình và vai trò của báo chí là thông tin về các cuộc tranh luận chính trị, xung quanh sự cần thiết phải cải cách luật pháp, quy tắc hoặc thông lệ.

Vài tháng trước, khi nhóm phóng viên Guardian bắt đầu nhiệm vụ khó khăn, nhằm mổ xẻ chi tiết các tài liệu Pandora, họ đã được hướng dẫn về những nguyên tắc này.

Các khám phá về Hồ sơ Pandora sẽ đi xa hơn bất kỳ cuộc điều tra báo chí nào trước đây trong lịch sử, khi làm sáng tỏ các vấn đề tài chính của giới giàu có và quyền lực trên thế giới, bao gồm 35 nguyên thủ quốc gia cũ và đương nhiệm, cùng hơn 300 quan chức cấp cao. Giới quan sát tin rằng, những nhân vật chính trị này và các nhà tài trợ giàu có của họ xứng đáng nhận được sự "quan tâm", đặc biệt là để các cử tri có thể từ đó đưa ra những lựa chọn sáng suốt.

Việc các nhà báo có thể lên tiếng yêu cầu các chính trị gia và những người ủng hộ có giải trình phù hợp về tính đúng đắn trong những lời hứa của họ, đồng thời đặt câu hỏi, liệu các vấn đề tài chính riêng tư đó, có gây xung đột lợi ích, khi bài toán cải cách nền kinh tế ngoại biên được đặt ra hay không?

Theo thông tin từ The Guardian, họ cũng sẽ có báo cáo về vai trò của các quan chức "thích" ở trong bóng tối - các nhà cung cấp nước ngoài, kế toán và luật sư London, những người đã giúp thiết lập và nuôi dưỡng các cấu trúc ngoại biên này.

Điều quan trọng cần lưu ý là, không phải tất cả mọi người có tên trong các giấy tờ Pandora đều bị nghi ngờ có hành vi sai trái.

"Báo chí điều tra không sợ hãi khi việc làm của mình giúp định hình một thế giới công bằng hơn. Chúng tôi làm việc vì mục tiêu làm sáng tỏ nạn tham nhũng, vạch trần sự bất công và kém cỏi, đồng thời mạnh dạn kể những câu chuyện về con người và quyền lực mà thế giới cần được nghe. Điều rõ ràng là tất cả các câu chuyện được lựa chọn cẩn thận vì lý do lợi ích công cộng", đại diện nhóm phóng viên khai thác Hồ sơ Pandora chia sẻ.

 

Minh Anh

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.