Chuyên mục
Hộ chiếu vaccine: Chìa khóa mở cửa phục hồi

Hộ chiếu vaccine: Chìa khóa mở cửa phục hồi

Chủ nhật 01/05/2022 16:38 GMT + 7

Công tác đàm phán, công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine ở mặt trận đối ngoại diễn ra quyết liệt, khẩn trương, nhằm tạo điều kiện đi lại quốc tế, góp phần quan trọng vào chiến lược tổng thể về phục hồi kinh tế của Việt Nam hậu Covid-19.

 

Tiếp tục thúc đẩy chính sách gắn với hộ chiếu vaccine để hỗ trợ công dân ta khi ra nước ngoài.


Việc cấp hộ chiếu vaccine ở Việt Nam được triển khai trên toàn quốc từ ngày 15/4. Các cá nhân có đủ thông tin tiêm chủng, đủ mũi tiêm, sẽ được cấp hộ chiếu vaccine.

Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện việc đi lại kết nối giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đây cũng là điều kiện thúc đẩy phía nước ngoài công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc triển khai chính sách phục hồi kinh tế - xã hội, mở cửa du lịch của đất nước sau đại dịch.

Trao đổi với báo TG&VN, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã nêu bật những đóng góp của công tác đối ngoại nhằm triển khai hộ chiếu vaccine, chiếc chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới sau đại dịch Covid-19.

Thưa ông, hộ chiếu vaccine là khái niệm mới xuất hiện trong bối cảnh đại dịch. Việc học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước trong việc áp dụng hộ chiếu vaccine là rất quan trọng. Đi đến bước triển khai hộ chiếu vaccine ngày hôm nay, hẳn không dễ dàng?

Từ năm 2021, xu hướng chung trên thế giới là điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh, cách ly theo hướng ưu tiên người đã mang hộ chiếu vaccine. Các chính sách này có thể là việc mở cửa riêng đối với người đã được tiêm chủng đến từ vùng dịch, cho phép người nhập cảnh có hộ chiếu vaccine được hưởng ưu đãi về các biện pháp kiểm soát y tế (giảm thời gian hoặc miễn cách ly tập trung, giảm số lần xét nghiệm…).

Xuất phát từ tình hình đó, Bộ Ngoại giao đã tham mưu và được Lãnh đạo Chính phủ đồng ý về việc điều chỉnh chính sách xuất, nhập cảnh và các vấn đề liên quan, trong đó có việc đàm phán, công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và người Việt Nam khi ra nước ngoài.

Từ tháng 6/2021, Bộ Ngoại giao đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về triển khai hộ chiếu vaccine, các tiêu chí, thông tin hiển thị trên loại giấy này, điều kiện để sử dụng cho việc đi lại quốc tế (phải có tiếng Anh, có thông tin cá nhân, loại vaccine…).

Trên cơ sở các nghiên cứu này, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua các tiêu chí về hộ chiếu vaccine của Việt Nam và công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài mang vào Việt Nam để các ban, bộ, ngành cùng triển khai.

Cho đến nay, dù ta đã bỏ tiêu chí về hộ chiếu vaccine trong chính sách xuất, nhập cảnh (không yêu cầu người nhập cảnh phải có hộ chiếu vaccine, biện pháp y tế sau nhập cảnh, không có sự phân biệt giữa người đã tiêm và chưa tiêm vaccine phòng Covid-19) nhưng trên thực tế nhiều nước/vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì chính sách gắn với hộ chiếu vaccine. Do đó, việc tiếp tục thúc đẩy vấn đề này vẫn có ý nghĩa trong việc hỗ trợ công dân khi ra nước ngoài.

Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vaccine với bao nhiêu nước?

Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với 19 quốc gia công nhận chính thức đối với hộ chiếu vaccine (Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia, Iran, Indonesia, Malaysia) và Hong Kong (Trung Quốc) (tổng 20 đối tác).

Vừa qua, trên cơ sở phối hợp cùng các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Ngoại giao cũng đã tiến hành trao đổi và nộp hồ sơ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) công nhận hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam. Nếu được thông qua, hộ chiếu vaccine của Việt Nam (đáp ứng các tiêu chí về vaccine) sẽ được công nhận tại 27 quốc gia thuộc EU và khoảng 33 quốc gia ngoại khối.

Theo thông tin từ các cơ quan đại diện ở nước ngoài, nhiều nước mặc dù không thông báo chính thức nhưng trên thực tế cho phép người có hộ chiếu vaccine Việt Nam (với điều kiện có chữ ký, con dấu, có tiếng Anh) được sử dụng trực tiếp mà không cần hợp pháp hóa lãnh sự/xác nhận như Algeria, Morocco, Hà Lan, Phần Lan, Ba Lan, Israel, Bangladesh, Brunei, Pakistan…

Trong khi đó, một số nước đã gỡ bỏ hạn chế nhập xuất cảnh gần như hoàn toàn, không bắt buộc người nhập cảnh phải có hộ chiếu vaccine (như Venezuela, Colombia, Barbados, Grenada, Saint Vincent và Grenadine, Mông Cổ, Đan Mạch, Slovakia, Nga, Cuba, Mexico, Hungary, Na Uy…). Cũng có những quốc gia/vùng lãnh thổ không công nhận hộ chiếu vaccine của bất kỳ đối tác nào, tiếp tục duy trì chính sách hạn chế nhập xuất cảnh để phòng, chống Covid-19.

Trước tình hình đó, Cục Lãnh sự đã và đang tiếp tục phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác nước ngoài để tổng hợp thông tin cập nhật, liên quan về vấn đề này.

 


Hộ chiếu vaccine, chìa khóa mở cửa phục hồi


Quá trình đàm phán công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam với phía nước ngoài gặp phải những vấn đề gì, thưa ông?

Trước hết, việc mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng của ta cấp trong nước không theo mẫu, không thống nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu triển khai tiêm chủng, gây khó khăn trong việc giới thiệu với các nước. Một số nước bày tỏ quan ngại về việc mẫu giấy này có thể bị làm giả.

Thứ hai, hộ chiếu vaccine (điện tử) được Bộ Y tế chính thức ban hành ngày 20/12/2021, và Bộ Ngoại giao đã giới thiệu ngay mẫu giấy tờ này cho các nước, đề nghị công nhận và cho phép sử dụng khi nhập cảnh. Tuy nhiên từ 15/4, ta mới chính thức triển khai cấp cho người dân.

Trong quá trình đàm phán, trao đổi, một số nước băn khoăn và đặt câu hỏi về tình hình triển khai trên thực tế, về cơ chế xác thực loại giấy tờ điện tử này khi người dân chưa được cấp hộ chiếu vaccine điện tử.

Thứ ba, một số nước chỉ chấp nhận vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.

Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa và nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, công tác lãnh sự đã được chú trọng ra sao nhằm tạo thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam và người nước ngoài?

Từ tháng 3/2020, để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan từ đi lại quốc tế, Việt Nam đã tạm dừng cấp thị thực, giấy miễn thị thực, tạm dừng cho người nước ngoài nhập cảnh, trừ một số trường hợp ngoại lệ như ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia, nhân đạo…); áp dụng cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày đối với các trường hợp nhập cảnh, bao gồm cả công dân và người nước ngoài thuộc diện ngoại lệ.

Từ tháng 8/2021, tiếp nối thành công của chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, Việt Nam dần chuyển đổi chính sách chống dịch sang thích ứng an toàn và đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Chính phủ đã dần có những điều chỉnh về chính sách thị thực cũng như biện pháp y tế theo hướng nới lỏng một số hạn chế như giảm thời gian cách ly y tế tập trung, cho phép cá nhân mang thị thực, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân mang giấy miễn thị thực còn giá trị được nhập cảnh Việt Nam.

Đến ngày 15/3, trên cơ sơ để xuất của các bộ, ngành, Chính phủ đã quyết định việc khôi phục chính sách xuất, nhập cảnh, áp dụng như trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Cùng ngày, Bộ Y tế cũng ban hành Hướng dẫn y tế mới, theo đó người nhập cảnh không cần chứng nhận tiêm chủng, chỉ cần kết quả xét nghiệm Covid-19 (test PCR hoặc test nhanh) và chỉ cần theo dõi sức khỏe 10 ngày, không cần cách ly.

Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao đã thông báo cho các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam cũng như chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khôi phục việc thực hiện chính sách xuất, nhập cảnh như trước khi có dịch. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, và đề xuất chính sách nhập xuất cảnh của người nước ngoài trong tình hình mới.

Thời gian tới, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, và sự vào cuộc của các bộ, ban ngành liên quan, tôi tin tưởng các hoạt động đi lại quốc tế, đặc biệt là du lịch sẽ phục hồi trở lại, góp phần quan trọng vào chiến lược tổng thể về phục hồi kinh tế của chúng ta sau đại dịch.

Hộ chiếu vaccine thực tế là cách gọi khác của Giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine/Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 khi người dân sử dụng Giấy này cho mục đích di chuyển, đảm bảo sự an toàn về y tế trong hoạt động đi lại.

Người mang hộ chiếu vaccine được hiểu là đã tiêm chủng đầy đủ và đang trong thời gian vaccine phát huy hiệu quả từ 14 ngày đến 12 tháng sau khi tiêm vaccine mũi cuối cùng.

Việt Nam đang duy trì hai mẫu chứng nhận. Một là, giấy chứng nhận tiêm chủng do các cơ sở tiêm chủng cấp, mẫu này thường không đồng nhất do các cơ sở tiêm chủng thường tự thêm logo, ký hiệu riêng của mình. Hai là, mẫu hộ chiếu vaccine (điện tử), ban hành kèm theo Công văn số 5772/BYT-YTDP ngày 20/12/2020 của Bộ Y tế.

Thu Trang

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.