Chuyên mục
Giải mật những cải tiến giúp SAM-2 ‘vít cổ’ B-52
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Giải mật những cải tiến giúp SAM-2 ‘vít cổ’ B-52

Thứ ba 18/12/2012 12:18 GMT + 7
Cùng một vóc dáng, kích thước nhưng bộ khí tài SAM-2 của tháng 12/1972 khác rất nhiều so với lần đầu triển khai trực chiến bảo vệ bầu trời miền Bắc hồi năm 1965.

Ẩn sau cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa bộ đội tên lửa Việt Nam và Không quân Mỹ là cuộc chạy đua cải tiến vũ khí được tiến hành trong điều kiện tối mật. Thậm chí, nhiều nội dung chưa thể công bố khi cuộc chiến đã lùi xa hơn 40 năm.

Trong điều kiện tài liệu cho phép, Đất Việt xin giới thiệu với quý độc giả một số nội dung liên quan đến việc cải tiến khí tài, giúp bộ đội tên lửa Việt Nam trừng trị giặc cách đây vừa tròn 40 năm.

Leo thang công nghệ và thủ đoạn


Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, “Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. lực lượng phòng không Việt Nam đã tích cực chuẩn bị đối phó với sức mạnh hủy diệt tối tân của Không quân chiến lược Hoa Kỳ, nhất là “con bài tẩy”  B-52.

Từ tháng 7/1965, Việt Nam đưa tên lửa phòng không SAM-2 vào trực chiến. Thời gian đầu, trang bị mới của chúng ta đã khiến máy bay Mỹ chịu nhiều thiết hại. Không quân Mỹ bị bất ngờ, mất tinh thần và lúng túng đối phó. Có trận, các chiến sĩ Việt Nam chỉ bằng 1 quả tên lửa đã bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ (ngày 7/3/1966, Tiểu đoàn tên lửa 61 dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Hồ Sỹ Hưu đã phóng 1 tên lửa diệt cả tốp 2 máy bay trinh sát RF-101…).

Sau đó, địch nhanh chóng dùng nhiều biện pháp đối phó về cả chiến thuật và kỹ thuật, đặc biệt là thủ đoạn gây nhiễu điện tử với hàng chục loại nhiễu công suất từ nhỏ đến lớn, trên mọi dải tần nhằm vào các thiết bị điện tử tên lửa, radar, thông tin liên lạc của ta, điển hình phải kể tới loại nhiễu rãnh đạn ALQ-71 xuất hiện cuối năm 1967… khiến tên lửa của ta “bất lực” nhìn máy bay Mỹ hoành hành trên bầu trời.

Để đối phó, ta đã nghiên cứu và áp dụng nhiều biện pháp mới làm thất bại hoặc hạn chế tác hại thủ đoạn của địch. Các chuyên gia Liên Xô đã tận tình giúp đỡ và trực tiếp cùng với các cán bộ kỹ thuật quân sự Việt Nam thực hiện nhiều lần cải tiến khí tài tên lửa để nâng cao tính năng và hiệu quả chiến đấu. 

Phải nói rõ rằng, Liên Xô đã rất kịp thời giúp ta trong việc này và cử đầy đủ chuyên gia kỹ thuật cùng toàn bộ máy móc, vật tư, linh kiện cần thiết sang Việt Nam. Thậm chí, phía bạn còn cử đồng chí Phó Tổng công trình sư Thiết kế tên lửa đi cùng để trực tiếp giải quyết các khó khăn nảy sinh.


Một tài liệu tổng hợp các cải tiến giai đoạn 3 đối với bộ khí tài tên lửa SAM-2.

3 giai đoạn, hàng chục nội dung cải tiến


Do vẫn phải duy trì lực lượng chiến đấu thường xuyên với không quân địch nên việc cải tiến phải làm theo kiểu “cuốn chiếu”. Đồng thời, việc cải tiến phải chia thành nhiều đợt, nhưng tựu chung lại, có tất cả 3 giai đoạn.

Tổng cộng có 5 đoàn chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam cải tiến khí tài tên lửa, đều do Kỹ sư trưởng I.P.Savkun dẫn đầu (đây là chuyên gia Liên Xô được Chính phủ Việt Nam đánh giá công trạng rất cao và tặng thưởng đủ bộ 3 huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba).

Giai đoạn 1 (1968)


Trong năm 1968, khi gặp phải những khó khăn khi lần đầu đối phó với tác chiến điện tử của Mỹ, Việt Nam và Liên Xô thực hiện 14 nội dung cải tiến, có thể kể ra ở đây như bổ sung thêm thiết bị APP-75, thêm phương pháp K vào đài điều khiển, làm nổ đầu đạn theo lệnh K3, lắp thiết bị PA-00 trên ăng ten phương vị đài điều khiển tên lửa (chuồng cu), cải tiến chế độ bắn H<1, bắn mục tiêu bay thấp ở độ cao tới 300m…

Trong đó, đài điều khiển có "chuồng cu" lắp trên ăng ten phương vị được xếp là biến thể F của đài Fan Song. Chức năng chính của "chuồng cu" rất đơn giản, cho phép một trắc thủ có thể ngồi trên đó và quan sát mục tiêu bằng mắt thường, thông qua ống nhòm TKZ. 


Một chiến sĩ thuộc một đại đội pháo cao xạ quan sát bằng ống nhóm TZK.

Giai đoạn 2 (1969-1970)


Những năm sau đó (giai đoạn 1969-1970), khí tài tiếp tục được nâng cấp giai đoạn 2 với nhiều nội dung quan trọng để đối phó với các loại máy bay Mỹ vừa được cải tiến (F-4E/H thay F-4B/C, A-7D/E thay A-7A/B, F-105G thay F-105D, 147SRE, F-111 mới ra lò…) và điều kiện nhiễu điện tử ngày càng phức tạp với nhiều loại máy gây nhiễu mới (như ALQ-87 đến ALQ-101 của Không quân, ALQ-51 đến ALQ-100 của Hải quân…) có cường độ mạnh hơn trước 2-3 lần. 


Một hình vẽ trong tài liệu cải tiến khí tài tên lửa.

Giai đoạn 3 (1971)


Đợt cải tiến quan trọng tiếp theo vào cuối năm 1971. Trong giai đoạn này, có tất cả 42  chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam thực hiện cải tiến. 

Trong giai đoạn 3, có 9 nội dung như tăng tính chống nhiễu xung ở rãnh tên lửa, chống nhiễu tạp tích cực, tăng hiệu quả bắn đuổi, tăng độ chính xác điều khiển tên lửa tới mục tiêu cơ động, tạo và phát lệnh điều khiển giả, cải tiến đạn tên lửa và bệ phóng… Đồng thời tiến hành sửa chữa, kiểm chuẩn toàn bộ máy đo và các xe kiểm tra tên lửa cơ động (xe KIPS). 

Nhờ sự giúp đỡ tận tình từ phía Liên Xô, trong thời gian ngắn từ tháng 11/1971 đến tháng 4/1972, khi chiến sự còn tiếp diễn, các chuyên gia Liên Xô và cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã cùng nhau hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn: cải tiến xong 53 bộ khí tài tên lửa đồng bộ, 7 xe khí tài lẻ, gần 300 bệ phóng và hơn 330 đạn tên lửa, khôi phục hơn 2.700 khối máy và hơn 600 máy đo các loại bị hư hỏng từ nhiều năm trước. 


Học viên Học viện Phòng không Không quân trong giờ học về tên lửa SAM-2.

Riêng giai đoạn này, trong 1 bộ khí tài tên lửa đã tiến hành cải tiến 17 tủ máy và 66 khối máy, thay thế 6 khối máy và thêm mới 1 tủ máy cùng 18 khối máy khác…

Nhờ vậy, khả năng chống nhiễu điện tử và đánh các loại mục tiêu cơ động (nhất là loại bay thấp) cũng như tính làm việc chắc chắn của khí tài tên lửa được nâng lên rõ rệt.

Kết quả, trước chiến dịch phòng không bảo vệ bầu trời Hà Nội tháng 12/1972, các bộ khí tài tên lửa của ta đã được cải tiến xong giai đoạn 3 và có thể sẵn sàng đối phó tốt nhất với B-52 cũng như các loại máy bay khác của Không quân Mỹ. 


Tên lửa SAM-2 và đài điều khiển Fan Song.

Đây là yếu tố rất quan trọng giúp cho bộ đội tên lửa Việt Nam giành được lợi thế trong cuộc đối đầu ác liệt với B-52 cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội.

Một điểm nữa mà chính các chuyên gia Liên Xô đã nhấn mạnh nhiều lần trong hồi ký của mình là các chiến sĩ tên lửa Việt Nam với trình độ điêu luyện và kinh nghiệm chiến đấu cao đã nhanh chóng nắm bắt được các tính năng mới của khí tài tên lửa cải tiến, sau đó vận dụng thành thạo và rất sáng tạo khi đối đầu với các tình huống hết sức phức tạp do Không quân Mỹ gây ra (nhiều kiểu loại máy bay hiện đại nhất cùng ồ ạt đánh phá, đủ loại nhiễu tiêu cực và nhiễu tích cực công suất lớn cùng các loại vũ khí mới nhất như tên lửa chống radar Sơrai (Shrike) và Standard, bom laser, tên lửa và bom có điều khiển chính xác cao…).

Chiến thắng độc nhất

Sau năm 1972, nhiều cuộc chiến vẫn tiếp tục xảy ra trên thế giới nhưng cho đến tận ngày nay, Việt Nam vẫn là nước duy nhất bắn rơi tại chỗ nhiều siêu pháo đài bay B-52 chỉ với lực lượng ít ỏi và 1 loại tên lửa SAM-2 được coi là “cổ lỗ”.

Riêng ở Hà Nội, có không quá 13 tiểu đoàn tên lửa Việt Nam trực tiếp chống lại gần 200 chiếc B-52 (48% lực lượng Không quân chiến lược Mỹ) và đã bắn hạ 25 chiếc (có 16 chiếc rơi tại chỗ) trong thời gian rất ngắn: 12 ngày đêm.

Nhiều kíp trắc thủ tên lửa Việt Nam lần đầu đối mặt với B-52 đã nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, rút kinh nghiệm sau một vài lần chiến đấu và chỉ sau 2 đêm 18, 19/12 đã lập công xuất sắc vào đêm 20/12/1972 khi phóng 36 tên lửa bắn rơi 7 chiếc B-52 (hiệu suất chiến đấu rất cao, trung bình 5,2 tên lửa hạ 1 B-52) làm Không quân chiến lược Mỹ phải dãn ra, không dám trực tiếp đánh vào Hà Nội  nữa…

Sang đợt 2 (26-29/12/1972), thiệt hại của Mỹ càng nặng hơn. Cuối cùng với tổng số 34 chiếc B-52 bị hạ, nhiều chiếc khác trúng đạn hỏng nặng không bay tiếp được nữa cùng hàng trăm phi công B-52 bị chết và bị bắt, Lầu Năm Góc phải chịu hoàn toàn thất bại trong chiến dịch này trước ý chí chiến đấu ngoan cường của bộ đội tên lửa và lực lượng phòng không Việt Nam.

Đại tá, kỹ sư Nguyễn Thụy Anh
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.