Chuyên mục
Dư chấn địa chính trị của thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon

Dư chấn địa chính trị của thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon

Thứ bảy 16/04/2022 06:26 GMT + 7

Từ góc độ địa chính trị, thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon dường như là phản ứng trực tiếp của Bắc Kinh đối với việc thành lập hoặc hồi sinh các nhóm an ninh lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là AUKUS.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare. Ảnh: Getty Images


Đáp trả của Trung Quốc trước AUKUS?

Tháng trước, các kế hoạch chính trị của Trung Quốc ở Thái Bình Dương được tiết lộ thêm khi một dự thảo thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon bị rò rỉ, trong đó bao gồm các điều khoản về việc đồn trú quân đội và cảnh sát Trung Quốc ở đảo quốc này cũng như cho phép các tàu Trung Quốc bổ sung tiếp tế tại đây.

Từ góc độ địa chính trị rộng lớn hơn, thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon dường như là một phản ứng trực tiếp của Bắc Kinh đối với việc thành lập hoặc hồi sinh các nhóm an ninh lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là thỏa thuận AUKUS.

Không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh chỉ trích thỏa thuận 3 bên này, đồng thời cảnh báo về sự trở lại của “tâm lý Chiến tranh Lạnh” đang làm suy yếu các nỗ lực ổn định khu vực. Các báo cáo vào giữa năm 2020 rằng quân đội Mỹ cũng đang tìm cách tăng cường khả năng trên Đảo Wake có thể góp phần khiến Trung Quốc lo ngại về việc bị loại khỏi khu vực mà không có một số chính sách đối trọng.

Hồi chuông cảnh báo

Thông tin này trở thành hồi chuông cảnh báo đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là Australia và New Zeland.

Bất chấp những đảm bảo sau đó của Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare rằng thỏa thuận an ninh không bao gồm khả năng mở căn cứ hải quân thường trực của Trung Quốc, nhưng cả Canberra và Wellington đều bày tỏ lo ngại thỏa thuận có thể tạo cơ sở cho sự hiện diện quân sự chính thức nhiều hơn của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.

Mỹ cũng không thể phớt lờ thỏa thuận tiềm tàng này. Tuần trước, Mỹ đã lên kế hoạch cử các quan chức cấp cao, trong đó có cả điều phối viên về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell, tới Honiara thảo luận về thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc với quốc đảo Solomon.

Đặc biệt đối với Mỹ và Australia, viễn cảnh Trung Quốc ngày càng can dự và các vấn đề an ninh ở các quốc đảo Thái Bình Dương đã khẳng định những nghi ngờ trước đây của 2 nước này.

Văn phòng Ngoại trưởng Australia Marise Payne trong một tuyên bố đã nhấn mạnh rằng “gia đình Thái Bình Dương” cần phải là một bên cung cấp “hỗ trợ an ninh”, rõ ràng ám chỉ rằng Trung Quốc không phải là một phần của “gia đình gắn bó” này.

Trong khi đó, trong một cuộc họp báo trước thềm bầu cử, Thủ tướng Scott Morrison một lần nữa nhấn mạnh những lo ngại của Australia về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc, cho rằng “đây là một vấn đề nghiêm trọng” đối với Canberra.

Lầu Năm Góc ngày 14/4 bày tỏ quan ngại về thỏa thuận an ninh tiềm tàng giữa Trung Quốc và Quốc đảo Solomon, cho rằng, một thỏa thuận như vậy sẽ tạo cơ sở để Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự tới quốc đảo Thái Bình Dương.

“Chúng tôi tin rằng việc ký kết một thỏa thuận như vậy có thể làm gia tăng bất ổn ở Quốc đảo Solomon và cũng tạo ra tiền lệ đáng lo ngại ở khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết.

Trong nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thông Biden hồi tháng 2 công bố kế hoạch mở đại sứ quán Mỹ ở Solomon để thúc đẩy quan hệ với các đối tác Thái Bình Dương.

Mỹ từng mở đại sứ quán tại Honiara nhưng đã đóng cửa năm 1993.

Tác động tiềm tàng của thỏa thuận Trung Quốc-Solomon

Có nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến tác động trong tương lai của thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon. Liệu nó có khiến Thái Bình Dương trở thành một khu vực tranh chấp chiến lược, thậm chí có thể dẫn đến các thỏa thuận an ninh khác cũng như tăng cường khả năng quân sự hay không.

Thỏa thuận cũng gây bất an ở những nơi khác trên Thái Bình Dương, khi Tổng thống Liên bang Micronesia, ông David Panuelo, kêu gọi Solomon hủy bỏ thỏa thuận. New Zealand cho rằng việc Trung Quốc bố trí lực lượng quân sự tại quốc đảo Nam Thái Bình Dương sẽ dẫn tới việc quân sự hóa khu vực.

Trong khi đó Papua New Guinea cho biết các quốc gia trong khu vực đều theo dõi và muốn thảo luận về điều này tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương trong năm nay. Samoa tuy không chỉ trích thỏa thuận an ninh của Solomon với Trung Quốc song cho rằng các quốc đảo Thái Bình Dương cần đưa ra phản ứng tập thể trước sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng trong khu vực.

Trên thực tế, Australia, với tư cách là nước có ảnh hưởng lớn trong khu vực, có thể phải xem xét lại chính sách ngoại giao Thái Bình Dương. Như một báo cáo của Quốc hội Australia đã nêu vào tháng 3/2022, nước này còn nhiều điều phải hoàn thành trong việc xây dựng sức mạnh mềm trong khu vực và đa dạng hóa các liên kết với các quốc gia Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Quần đảo Solomon, nhiều người kêu gọi Thủ tướng Morrison cần phải chứng minh rằng Australia không chỉ dựa vào các chính sách can dự ở Thái Bình Dương để gạt Trung Quốc khỏi khu vực.

Mặt khác, cũng có những lo ngại rằng việc tập trung chủ yếu vào quyền lực cứng sẽ làm suy yếu các mối quan tâm cấp bách hơn ở các quốc đảo Thái Bình Dương, từ các mối nguy hiểm liên quan đến biến đổi khí hậu tới vấn đề nước biển dâng.

Bất chấp Tuyên bố Boe năm 2018 với trọng tâm “biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất” đối với sinh kế ở Thái Bình Dương, nhiều nước trong khu vực vẫn lo ngại rằng họ sẽ tiếp tục phải chịu gánh nặng nếu toàn cầu không hành động để giải quyết các mối đe dọa môi trường./.

 

Hoàng Phạm

Nguồn: vov.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.