Chuyên mục
Đồng USD tăng giá mạnh khiến nước giàu cũng gặp khó

Đồng USD tăng giá mạnh khiến nước giàu cũng gặp khó

Thứ năm 20/10/2022 16:26 GMT + 7

Đồng USD tăng giá khiến đồng nội tệ của các nước khác yếu đi, góp phần làm giá hàng hóa thêm phần đắt đỏ và gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu trong việc kiềm chế lạm phát.

 

 

Chi phí sinh hoạt ở Cairo tăng cao đến mức nhân viên bảo vệ Mustafa Gamal phải đưa vợ cùng con gái một tuổi đến sống với bố mẹ tại ngôi làng cách thủ đô Ai Cập hơn 110 km về phía nam để tiết kiệm tiền.

Trong khi đó, Gamal (28 tuổi) ở lại và làm một lúc hai công việc. Anh ở chung căn hộ với những người trẻ tuổi khác và đã cắt thịt khỏi bữa ăn của mình.

“Giá của mọi thứ tăng gấp đôi”, anh nói. "Chúng tôi không có giải pháp thay thế".

Trên khắp thế giới, nhiều người cũng đang phải chịu nỗi thất vọng như Gamal, theo AP.

Một người buôn phụ tùng ôtô ở Nairobi (Kenya), một người bán quần áo trẻ em ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và một nhà nhập khẩu rượu ở Manchester (Anh), cùng phàn nàn rằng: Đồng USD tăng giá khiến đồng nội tệ của họ yếu đi, góp phần làm giá hàng hóa và dịch vụ ngày càng đắt đỏ.

Điều này cũng gây thêm sức ép tài chính vào thời điểm các gia đình đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực và năng lượng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

“Đồng USD mạnh khiến tình hình vốn đã tồi tệ nay còn tồi tệ hơn ở phần còn lại của thế giới”, Eswar Prasad, giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell, cho biết.

Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng sự tăng giá mạnh của đồng USD đang làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới.

 


Một người đàn ông rời khỏi địa điểm thu đổi ngoại tệ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

 

Ảnh hưởng mạnh tới kinh tế thế giới

Đồng USD đã tăng 18% trong năm nay và tháng trước, nó đạt mức cao nhất trong 20 năm, theo chỉ số đo sức mạnh đồng USD chuẩn ICE.

Không khó để lý giải vì sao đồng USD mạnh lên. Chỉ trong năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất ngắn hạn 5 lần và đang có dấu hiệu tiếp tục nâng lãi mạnh tay để đối phó với lạm phát.

Điều đó đã kéo theo lãi suất cao hơn trên nhiều loại trái phiếu chính phủ và các công ty của Mỹ, thu hút nhà đầu tư và thúc đẩy đồng bạc xanh tăng giá.

Hầu hết đồng tiền khác đều yếu hơn nhiều khi so sánh với đồng USD, đặc biệt là ở các nước nghèo. Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm gần 10% trong năm nay so với đồng USD, đồng bảng Ai Cập giảm 20%, và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm đến 28%.

Celal Kaleli, 60 tuổi, bán quần áo trẻ sơ sinh và túi đựng tã ở Istanbul. Vì mất nhiều tiền (đồng lira) hơn để nhập khẩu hàng hóa được định giá bằng USD, anh đã phải nâng giá bán cho khách hàng trong nước, những người đang vật lộn để chi trả bằng đồng nội tệ dần mất giá.

“Chúng tôi đang chờ đợi để xem tình hình năm sau thế nào”, anh nói. “Chúng tôi sẽ cân nhắc lại tài chính và giảm quy mô cho phù hợp. Chúng tôi không thể làm gì khác được".

Các nước giàu cũng chịu ảnh hưởng. Tại châu Âu, lục địa vốn đang đứng trước nguy cơ suy thoái trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt, lần đầu tiên trong 20 năm, một euro đổi chưa được một USD.

Bảng Anh cũng đã giảm 18% so với năm ngoái. Vào cuối tháng 9, giá trị đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình suy giảm kéo dài của đồng tiền này kể từ đầu thế kỷ XX.

Theo dự báo của ngân hàng Nomura, giá trị của đồng bảng Anh sẽ giảm xuống mức biểu tượng - ngang giá với đồng USD vào cuối tháng 11 tới, Reuters đưa tin.

 


Công nhân tập trung khi họ chờ khách hàng bên ngoài một cửa hàng phụ tùng ôtô cũ ở khu công nghiệp của thủ đô Nairobi, Kenya. Ảnh: AP.


Thông thường, các quốc gia có thể thu được một số lợi ích từ việc đồng tiền giảm giá bởi nó đồng nghĩa sản phẩm của họ sẽ rẻ hơn và cạnh tranh hơn ở nước ngoài.

Nhưng hiện tại, điều đó không còn xảy ra vì tăng trưởng kinh tế đang bị ảnh hưởng ở hầu hết mọi nơi.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, việc USD mạnh lên trong vài tháng có tác động khá lớn đối với kinh tế vĩ mô ở hầu hết quốc gia, do sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các nền kinh tế và khu vực mới nổi, trong khi 1/2 các khoản vay xuyên biên giới và chứng khoán nợ quốc tế được tính bằng USD.

Theo AP, đồng USD tăng đang tác động đến các thế giới theo một số cách. Nó làm cho hàng nhập khẩu của các nước khác trở nên đắt hơn, làm tăng thêm áp lực lạm phát hiện có. Nó cũng “bóp nghẹt" các công ty, người tiêu dùng và chính phủ vay bằng USD, bởi họ sẽ cần nhiều nội tệ hơn để chuyển đổi thành USD khi thanh toán khoản vay.

Bên cạnh đó, việc đồng USD mạnh lên buộc ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác phải tăng lãi suất để cố gắng nâng đỡ đồng tiền của họ và giữ cho tiền không chạy ra khỏi biên giới. Nhưng lãi suất cao hơn cũng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Theo nhà kinh tế toàn cầu Ariane Curtis của Capital Economics, nói một cách đơn giản: “Đồng USD tăng giá là một tin xấu đối với nền kinh tế toàn cầu”.

“Đó là một lý do khác khiến chúng tôi dự thoái nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới”, bà cho biết.

Áp lực chưa từng có

Trong một khu phố cằn cỗi ở Nairobi (Kenya), nơi nổi tiếng với việc sửa xe hơi và bán phụ tùng ôtô, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn còn khách hàng thì ngày càng bất mãn.

Với đồng shipper của Kenya giảm 6% trong năm nay, chi phí nhiên liệu và phụ tùng nhập khẩu tăng cao đến mức một số người đang chọn cách bỏ xe hơi và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

“Đây là điều tồi tệ nhất”, Michael Gachie, quản lý thu mua của Shamas Auto Parts cho biết. "Khách hàng đang phàn nàn rất nhiều".

Sự chênh lệch của các loại tiền tệ đã gây tổn thương cho nền kinh tế trên toàn thế giới nhiều lần trước đây.

Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, nhiều công ty Indonesia đi vay nặng lãi bằng USD trong thời kỳ bùng nổ, sau đó bị xóa sổ khi đồng rupiah của Indonesia giảm sâu so với đồng USD.

Vài năm trước đó, đồng peso lao dốc cũng gây ra tình cảnh tương tự cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mexico. Tuy nhiên, hệ quả của đồng USD tăng vọt vào năm 2022 là điều chưa từng xảy ra.

Nó đang làm tăng thêm áp lực lạm phát toàn cầu vào thời điểm mà giá cả đã tăng vọt. Những gián đoạn đối với thị trường năng lượng và nông nghiệp do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra đã làm gia tăng các vấn đề hạn chế về nguồn cung sau Covid-19.

Tại Manila, Raymond Manaog, 29 tuổi, người lái chiếc xe buýt nhỏ đầy màu sắc của Philippines, được gọi là xe jeepney, phàn nàn rằng lạm phát - và đặc biệt là giá dầu diesel tăng cao - đang buộc anh phải làm việc nhiều hơn để có thể vượt qua.

“Chúng tôi phải làm gì để kiếm đủ chi phí hàng ngày đây”, anh nói.

 


Ravindra Mehta cho biết trong những tháng gần đây, doanh số bán hàng của ông đã bị ảnh hưởng khi đồng rupee ngày càng yếu so với đồng USD. Ảnh: AP.

 

Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, Ravindra Mehta là nhà môi giới có tiếng cho các nhà xuất khẩu hạnh nhân và hạt dẻ cười của Mỹ.

Nhưng đồng rupee giảm kỷ lục, cùng với nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển tăng cao hơn, đã khiến loại hạt này trở thành mặt hàng đắt đỏ đối với nhiều người tiêu dùng Ấn Độ.

Vào tháng 8, Ấn Độ đã nhập khẩu 400 container hạnh nhân, giảm so với 1.250 container một năm trước đó, Mehta cho biết.

“Nếu người tiêu dùng không mua, nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả những người như tôi”, ông nói.

Công ty Kingsland Drinks, một trong những nhà đóng chai rượu lớn nhất của Vương quốc Anh, đã bị ép giá do chi phí năng lượng, chi phí vận chuyển container, chai và nắp cao hơn.

Giờ đây, đồng USD tăng mạnh lại tiếp tục đẩy giá rượu vang mà họ mua từ các vườn nho ở Mỹ, và thậm chí từ Chile, Argentina, tăng cao.

Kingsland sau đó đã cố gắng khắc phục vấn đề bằng cách ký các hợp đồng mua bán bằng USD với giá cố định.

Nhưng tại một số thời điểm, "những hàng rào bảo hiểm đó cũng hết hạn và bạn phải đối mặt với thực tế rằng đồng bảng Anh yếu hơn so với đồng USD", ông Ed Baker, giám đốc điều hành của công ty cho biết.

Điều đó, có nghĩa chẳng bao lâu nữa khách hàng sẽ phải trả nhiều tiền hơn để uống rượu.

Tuần trước, với sự thúc đẩy mạnh mẽ của Nhật Bản, bộ trưởng tài chính của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tuyên bố “sẽ theo dõi chặt chẽ những biến động gần đây trên thị trường”, Reuters đưa tin.

"Nhiều quốc gia đã cảm thấy cần thiết phải cảnh giác với những tác động lan tỏa của làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu và đã đề cập tới các động thái tiền tệ trước tình hình đó”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát đi thông điệp rằng Washington không có ý định phối hợp can thiệp tỷ giá. Bà nhấn mạnh sự mạnh lên của đồng USD là “kết quả tự nhiên của nhịp độ thắt chặt chính sách tiền tệ khác nhau ở Mỹ và các quốc gia khác”.

"Như nhiều lần đã chia sẻ, tôi cho rằng giá trị do thị trường quyết định của đồng USD là vì lợi ích của nước Mỹ. Và tôi sẽ tiếp tục duy trì quan điểm này”, bà Yellen cho biết.

 

Minh An

Nguồn: Zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.