Chuyên mục
Đối đầu tàu ngầm - tâm điểm chiến lược của Mỹ, Trung ở Biển Đông

Đối đầu tàu ngầm - tâm điểm chiến lược của Mỹ, Trung ở Biển Đông

Thứ bảy 19/09/2020 10:46 GMT + 7

Mỹ hé lộ chiến lược nhằm đối phó với lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc, sức mạnh chính trong năng lực răn đe của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Những cuộc tập trận liên tiếp được Mỹ và Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông từ tháng 7 tới tháng 9. Các nhà phân tích theo dõi sát diễn biến, tin rằng đây là cách để đánh giá sự vận hành của quân đội hai nước nếu xung đột thực sự xảy ra, theo Nikkei Asia Review.

Chiến thuật đánh lạc hướng của Trung Quốc

Trong những tháng vừa qua, Trung Quốc huy động lực lượng đồng thời ở 4 mặt trận là Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Hoàng Hải và biên giới Trung - Ấn.

Tại gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) ở Biển Đông, Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận trong thời gian 1-5/7. Cũng trong thời gian đó, các cuộc tập trận được Chiến khu miền Bắc tổ chức tại Biển Hoàng Hải. Tại Biển Hoa Đông, tập trận được quân đội Trung Quốc tiến hành gần Đài Loan và Nhật Bản.

Các cuộc tập trận trên biển diễn ra trong bối cảnh binh sĩ Trung Quốc xung đột trực diện với Ấn Độ tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Diễn biến các cuộc tập trận thời gian qua tương tự với quá khứ khi Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng đầu thập niên 1950 trong bối cảnh nước này đưa hàng trăm nghìn quân can dự vào chiến tranh Triều Tiên.

Các quan chức an ninh Nhật Bản lo ngại khả năng Trung Quốc thu hút sự chú ý của thế giới vào một khu vực tranh chấp trong khi âm thầm tiến hành các hành động nhằm đạt được mục tiêu chiến lược ở khu vực khác.

 

Tàu ngầm của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.


Trong khi đó, Mỹ cho thấy nước này không dễ bị cuốn theo trò chơi đánh lạc hướng của Trung Quốc. Washington đã triển khai hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tới Biển Đông, lần đầu tiên trong vòng 8 năm, để tiến hành tập trận.

"Việc triển khai hai tàu sân bay có ý nghĩa khác hẳn so với việc chỉ cử một tàu", một cựu quan chức tình báo Nhật Bản đánh giá.

Với một tàu sân bay, lực lượng Mỹ dễ bị tổn thương nếu quân đội đối phương tấn công mục tiêu này, khiến các máy bay không còn nơi hạ cánh.

Việc triển khai chiếc thứ hai cho thấy Washington giả định những điều kiện khốc liệt hơn, tương tự với hoàn cảnh xung đột vũ trang thực sự.

Lựa chọn Biển Đông để tiến hành tập trận của Mỹ có liên quan tới nơi Trung Quốc triển khai lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược, được trang bị tên lửa đạn đạo.

Nếu xung đột hạt nhân xảy ra, Washington sẽ không sẵn sàng tấn công vào những mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc, nếu Bắc Kinh còn duy trì được năng lực phản công bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Để bảo vệ con át chủ bài này, Trung Quốc đã xây dựng tại Biển Đông các đảo nhân tạo, củng cố năng lực phòng thủ bằng hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu.

Nhưng mặt khác, nếu có thể vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, Mỹ sẽ làm suy yếu đáng kể năng lực phản kích của Trung Quốc, dù trong thời chiến hay thời bình.

Mỹ chiếm ưu thế sức mạnh chiến lược

Các cuộc tập trận trong tháng 7 cho thấy, trong kịch bản chiến tranh, Mỹ sẽ sử dụng máy bay từ tàu sân bay cùng các lực lượng khác phá hủy hệ thống đảo nhân tạo của Trung Quốc, khiến các tàu ngầm không còn nơi trú ẩn. Các tàu ngầm Mỹ, thường tháp tùng tàu sân bay, khi đó sẽ tham chiến và tiêu diệt tàu ngầm Trung Quốc.

Kịch bản này được Mỹ củng cố sau một động thái vào giữa tháng 8. Một hãng tin do chính phủ Mỹ tài trợ đã đăng tải trên mạng xã hội ảnh vệ tinh chụp lối vào căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, cảng đặt căn cứ đầu não của lực lượng tàu ngầm hải quân Trung Quốc.

Động thái này gửi đi thông điệp đầy sức nặng: Nếu xung đột nổ ra, các lực lượng Mỹ sẽ khiến tàu ngầm Trung Quốc không còn nơi để trú ẩn.

 

Cuộc tập trận giữa hải quân Mỹ, Australia và Nhật Bản hôm 21/7. Ảnh: Hải quân Mỹ.


Bắc Kinh dường như nổi giận với thông điệp này và tổ chức tập trận tại Biển Đông vào cuối tháng 8. Hôm 26/8, quân đội Trung Quốc phóng nhiều tên lửa, trong đó có loại DF-21D diệt hạm và DF-26, tên lửa tầm trung với độ chính xác cao được mệnh danh là "sát thủ diệt đảo Guam", nơi đặt căn cứ không quân Andersen của Mỹ.

Mặc dù vậy, trong trường hợp Mỹ xóa xổ năng lực tấn công bằng tàu ngầm của Bắc Kinh, dù Trung Quốc có thể tấn công trả đũa vào Guam, lực lượng tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo của Mỹ vẫn an toàn và Trung Quốc không có phương án tiếp cận hiệu quả nào.

Các cuộc tập trận tay đôi vừa qua cho thấy về mặt chiến lược, Mỹ vẫn ở thế cửa trên và nắm lợi thế sức mạnh so với Trung Quốc vào thời điểm hiện tại.

Nhưng về lâu dài, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tập trung phát triển kho vũ khí hạt nhân, tên lửa đạo đạo và tàu hải quân nhằm hướng tới cân bằng với Mỹ, trong khi tiếp tục né tránh việc tham gia đàm phán thỏa thuận kiểm soát vũ trang với Mỹ và Nga.

 

Duy Anh

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.