Chuyên mục
'Đẻ con một mình khiến tôi cảm thấy bị bỏ rơi'

'Đẻ con một mình khiến tôi cảm thấy bị bỏ rơi'

Thứ ba 22/12/2020 15:20 GMT + 7

Những phụ nữ mang thai và các bà mẹ mới sinh ở Anh phải chịu những tác động tâm lý nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.


Zing trích dịch bài đăng từ Independent UK, đề cập đến những chia sẻ của tác giả Hannah Fearn về trải nghiệm sinh con ở nước Anh trong mùa dịch Covid-19.

 

Sau 10 tháng đằng đẵng, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) mới nhận ra cuộc khủng hoảng này không thể kéo dài thêm nữa.

Khủng hoảng ở đây không phải áp lực chống lại Covid-19, mà là tác động tàn khốc của đại dịch lên những phụ nữ mang thai và các bà mẹ mới sinh.

 


Hàng nghìn phụ nữ phải chịu cảnh sinh con trong cô độc, bị tổn thương vì Covid-19. Ảnh: Getty Images.


Mãi đến 16/12, các bệnh viện nước Anh mới được tự do đưa ra các quy định riêng trong việc chăm sóc các phụ nữ mang thai, từ lúc lâm bồn đến thời kỳ hậu sản.

Đa số quyết định gỡ bỏ lệnh cấm chồng/vợ đồng hành cùng sản phụ miễn là họ được xét nghiệm Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội.

Nhưng trước đó, hàng nghìn phụ nữ phải chịu cảnh sinh con trong cô độc, bị tổn thương, bao gồm cả tôi - người mẹ mới hạ sinh cách đây 9 tuần.

Tự mình làm mọi chuyện


Lúc chuẩn bị tinh thần chống lại những cơn đau đẻ sớm ở bệnh viện, tôi nhấc điện thoại lên và đăng trạng thái trên Twitter trong vô vọng: “Đối với những ai quan tâm, tôi vẫn chưa đẻ, còn chồng tôi không có mặt do những quy định phòng chống Covid-19. Tôi vừa mới khóc một chút vì điều đó. Chúc tôi và chiếc máy giảm đau TENS may mắn trong đêm nay”.

Tôi không cố tình cầu xin sự chú ý của mọi người. Tất cả những gì tôi muốn lúc đó là cảm thấy bớt cô đơn hơn.

Từ lúc bắt đầu mang thai, tôi đã biết mình phải nhập viện trước ngày dự sinh vì tôi mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Nhưng điều mà tôi không lường trước được là mình phải dựa vào sự an ủi của người lạ trên mạng xã hội để vượt qua thời gian cô độc này.

Vốn dĩ, quyết định sinh con thứ hai không hề dễ dàng đối với tôi. Ở lần sinh nở đầu tiên năm 2017, tôi trải qua một ca sinh dài khiến bản thân bị huyết áp cao mức nguy hiểm. Con gái tôi, Martha, bị tách khỏi mẹ và đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho em bé. Tháng đầu đời của con bé hầu hết ở trong bệnh viện.

 


Những người lần đầu làm mẹ trong năm 2020 chịu nhiều thiệt thòi hơn. Ảnh: Getty Images.


Sau khi trở về nhà, Martha tiếp tục bị dị ứng thực phẩm, hen suyễn và chàm, bất chấp con bé đã sử dụng vô số loại thuốc kháng sinh. Tôi căng thẳng, lo lắng mỗi khi chứng kiến con gái gào khóc trong đau đớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng đó chỉ là nỗi lo thái quá của người lần đầu làm mẹ như tôi. Mất vài tháng sau, Martha mới được chẩn đoán bệnh. Tôi không biết liệu mình có thể đối mặt lại tất cả chuyện đó một lần nữa hay không.

Nhưng cuối cùng, gia đình tôi cũng tìm thấy sự cân bằng. Martha lớn lên hạnh phúc và khỏe mạnh, sức khỏe tinh thần của tôi cũng được cải thiện.

Không lâu sau, khi công việc của tôi bắt đầu bị chi phối bởi sự bùng phát của dịch Covid-19, tôi nhận được kết quả 2 vạch trên que thử thai. Vợ chồng tôi không biết điều gì sẽ đón chờ gia đình trong tương lai.

Vào thời điểm Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố phong tỏa toàn quốc vào ngày 23/3, tôi đã “tự cách ly” tại nhà được 3 tuần do bị ốm nghén nặng.

Lần mang thai này cảm giác như một quyết định sai lầm của vợ chồng tôi. Tôi không thể nhờ người thân, họ hàng sang giúp đỡ. Do vậy, hai vợ chồng tôi phải cố gắng hết sức để chia sẻ gánh nặng gia đình.

Thế nhưng, phần việc của tôi dường như vẫn nhiều hơn. Mặc dù đã cố gắng hết sức, trong 8 tuần đầu tiên, chồng tôi không được đến phòng khám thai cùng tôi do quy định phòng chống Covid-19, mà tôi thì phải đi lại rất nhiều do lần mang thai này rủi ro cao.

 


Mẹ bầu bị hạn chế đến các cơ sở y tế do lo ngại tình hình Covid-19. Ảnh: Mark Cornelison.


Sau đó, hầu hết cuộc hẹn của tôi đều được thực hiện qua điện thoại, mặc dù thực tế là huyết áp và lượng đường trong máu của tôi cần được theo dõi cẩn thận trong 6 tháng đầu thai kỳ.

Khi mùa hè đến, tuy lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, mọi chuyện chẳng có gì thay đổi đối với một người phụ nữ mang thai như tôi. Tôi cảm thấy tức giận. Trong khi tôi vẫn phải ở nhà và thực hiện những cuộc thăm khám trên điện thoại, bạn bè tôi vi vu khắp chốn, còn chồng tôi thì ra quán rượu và gặp gỡ người quen.

Đó dường như là một hiện thực tàn khốc đối với các mẹ bầu thời điểm này, đặc biệt là những ai phải tự nhận tin xấu một mình, rồi một lần nữa hành hạ tâm lý bản thân khi tự thông báo chuyện đó với bạn đời một lần nữa.

Ngoài ra, những quy định hà khắc không chỉ ảnh hưởng mỗi sức khỏe tinh thần của phụ nữ mà cả đàn ông cũng phải chịu đựng.

Chồng tôi thừa nhận cảm thấy bị tách rời khỏi cái thai. Do không thể đi cùng vợ đến các cuộc thăm khám, anh ấy chưa bao giờ được chứng kiến đứa bé ngọ nguậy trong bụng tôi trên màn hình siêu âm, cũng như không được đưa ra các quyết định quan trọng về liên quan đến con.

Nỗi sợ bị bỏ rơi


Ngày 12/10, khi tôi nhập viện vì đau đẻ, nước Anh bùng phát làn sóng dịch thứ hai và nguy cơ phong tỏa toàn quốc lần nữa là rất cao.

Bệnh viện của tôi nới lỏng quy định một chút, cho phép bạn đời được ghé thăm sản phụ trong khung giờ quy định. May mắn thay, tôi không trở dạ vào lúc chồng tôi không có mặt ở đây.

Chiều 14/10, con gái thứ hai của vợ chồng tôi, Esther Beatrix, chào đời nhẹ nhàng hơn ca sinh dài và đầy rủi ro trước đó của tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chúng tôi tiếp tục bị cô lập.

 


Esther Beatrix chào đời giữa đại dịch. Ảnh: Hannah Fearn.


Đến 20h, chồng tôi buộc phải rời bệnh viện theo quy định, chỉ còn lại tôi một mình với Esther. Trước khi có Covid-19, bạn đời có thể ở cạnh vợ và con của họ suốt ngày đêm.

Trong đêm đầu tiên, con gái tôi ngủ ngon nhưng tôi thì không. Do bệnh tiểu đường thai kỳ của tôi, Esther sinh ra với lượng đường trong máu thấp. Vì vậy, tôi phải vắt sữa non của mình, cũng như cho con bú thường xuyên để duy trì lượng đường huyết của con.

Đêm thứ hai ở một mình với con lại càng mệt mỏi hơn. Tôi phải chịu trách nhiệm chăm sóc đứa bé một mình. Lần này, con bé quấy khóc liên tục, khiến tôi không thể đặt xuống giường. Tôi phải bế ẵm Esther đi đi lại lại quanh phòng cả đêm để ru con bé, đồng thời ngăn mình ngủ gật.

Hai tháng sau, tôi bình phục sức khỏe thể chất nhưng cảm giác bị bỏ rơi vẫn tiếp diễn. Những cuộc hẹn tư vấn với các chuyên gia sức khỏe chỉ được tiến hành qua Internet, còn việc khám trẻ sơ sinh tại cơ sở y tế tiến hành gấp gáp, không có thời gian thăm hỏi người mẹ.

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy bản thân mình may mắn vì đã có một số kinh nghiệm chăm sóc con. Còn những người lần đầu làm mẹ trong năm 2020 sẽ gặp vô vàn khó khăn. Các bác sĩ cũng đã cảnh báo về đại dịch thứ hai liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần sau sinh.

Hy vọng, với quyết định mới của NHS, những phụ nữ làm mẹ vào năm 2021 sẽ có trải nghiệm khác và nhân ái hơn.

 

Hồng Chang

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.