Chuyên mục
Dầu Nga mang lại nguồn thu béo bở cho Ấn Độ, châu Âu cũng được ''thơm lây''

Dầu Nga mang lại nguồn thu béo bở cho Ấn Độ, châu Âu cũng được ''thơm lây''

Thứ sáu 23/06/2023 12:58 GMT + 7

Vịnh Kutch ở Ấn Độ là nơi có nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới. Sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Kiev tháng 2/2022, những chiếc tàu chở đầy dầu Nga ngày càng phổ biến tại Vịnh nhỏ này.


Công nhân sắp xếp các thùng dầu tại một nhà máy ở Chennai, Ấn Độ. (Nguồn: AFP)


Dữ liệu mà New York Times thu được từ Công ty phân tích dữ liệu vệ tinh SynMax cho thấy, có hàng chục tàu chở dầu từ Nga đến Vịnh Kutch mỗi tháng.

Hơn 16 tháng qua, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Moscow. Trong nỗ lực làm tổn thương Nga nhưng vẫn giữ ổn định nguồn cung toàn cầu, phương Tây áp đặt mức trần đối với giá dầu xuất khẩu của nước này.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), loại dầu rẻ hơn này đã tìm thấy các thị trường mới, trong đó có Ấn Độ - nước hiện mua gần 2 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 45% lượng dầu nhập khẩu.

Ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ, dầu giá rẻ của Nga mang lại nguồn thu béo bở cho các doanh nghiệp lọc dầu thô và xuất khẩu sản phẩm này sang nước khác.

Ấn Độ tiết kiệm hàng tỷ USD

Nga là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới. Trong số dầu xuất khẩu hàng năm, có khối lượng nhất định được chuyển đi thông qua các đường ống, nơi không thể thay đổi đích đến, nếu không có những khoản đầu tư lớn.

Phần dầu còn lại được vận chuyển bằng đường biển, có thể dễ dàng định tuyến. Dòng chảy dầu này thường đến Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước đã mua gần 80% lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tháng 5/2023.

Hai quốc gia kể trên hiện đang mua nhiều dầu của Nga đến nỗi Moscow đang bán nhiều dầu thô hơn so với trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu, dù phải đối mặt với rất nhiều lệnh cấm.

Trước xung đột Nga-Ukraine, dầu nhập khẩu của Ấn Độ chủ yếu đến từ Trung Đông. Giá của các lô hàng dao động dựa trên điều kiện thị trường toàn cầu. Nước này bắt đầu tăng cường nhập khẩu dầu Nga từ tháng 4/2022, chỉ 2 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong năm tính đến tháng 3/2023, Ấn Độ nhập trung bình 1,02 triệu thùng dầu thô của Nga/ngày. Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ xác nhận, con số này lớn gấp 11 lần so với năm trước và chiếm khoảng 20% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ.

Theo hai công ty nghiên cứu hàng hóa Kpler và Argus Media, sau khi chuyển hướng nhập dầu Nga, Ấn Độ đã thu được lợi nhuận lớn nhờ những lô hàng giảm giá.

Phân tích của New York Times cho thấy, đã có 357 lô hàng được vận chuyển từ Moscow tới New Delhi trong khoảng 9 tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Giá trung bình mỗi thùng dầu từ Nga ở mức 78 USD.

Sau khi các nước phương Tây áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng với dầu thô Nga từ ngày 5/12/2022, tốc độ vận chuyển mặt hàng này đến Ấn Độ đã tăng tốc. Giá dầu trung bình của Nga giảm mạnh xuống còn 51 USD/thùng, giúp tiết kiệm hàng tỷ USD cho người mua hàng Ấn Độ.

Dầu Nga đi muôn nơi

Phần lớn dầu thô từ Nga đến Ấn Độ cập cảng gần Jamnagar ở bang Gujarat, Ấn Độ và được dẫn đến các nhà máy lọc dầu gần đó. Nhà máy lọc dầu Jamnagar, thuộc sở hữu của Reliance Industries, là nhà máy lớn nhất thế giới, với khả năng xử lý hơn 1,2 triệu thùng/ngày.

Cách đó chưa đầy 10 dặm là nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Ấn Độ - khu phức hợp Vadinar thuộc sở hữu của Nayara Energy. Nayara thuộc sở hữu một nửa của Rosneft - công ty dầu khí nhà nước của Nga - và một nhóm doanh nhân Moscow có cổ phần trong nửa còn lại. Vì vậy, khi thương mại trong khu vực này phát triển, các công ty Nga cũng đang gặt hái một số lợi ích.

Một phần dầu Nga qua xử lý được sử dụng tại thị trường nội địa của New Delhi. Phần còn lại được chuyển đến thị trường toàn cầu, bắt đầu từ Đông Nam Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ. Sau đó, họ bán tất cả các sản phẩm này theo giá thị trường, mang lại doanh thu cho các công ty trong nước và tăng dự trữ ngoại tệ của đất nước bằng đồng USD và EUR.

 

Một tàu chở dầu ở Novorossiysk, Nga, vào tháng 10/2022. (Nguồn: New York Times)


Báo cáo công bố trong tháng 4/2023 của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch-nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Phần Lan nhấn mạnh vai trò của một số quốc gia có thể tinh chế dầu Nga và tiếp tục bán cho các nước khác. Đứng đầu các quốc gia có tên trong báo cáo này là Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Singapore.

Báo cáo cho biết, cảng Sikka, nơi phục vụ Nhà máy lọc dầu Jamnagar vừa là điểm nhập khẩu lớn nhất toàn cầu đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, vừa là điểm xuất khẩu dầu lớn nhất duy nhất sang các quốc gia đã áp đặt mức trần.

Từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, nhà máy lọc dầu này đã xuất khẩu gần 3 tỷ USD các sản phẩm tinh chế sang các quốc gia tuân thủ giá trần.

Châu Âu cũng hưởng lợi

Bên cạnh các nước kể trên, trong năm 2022, sản phẩm xăng dầu từ Ấn Độ còn xuất khẩu mạnh sang Hà Lan. Cụ thể, lượng xuất khẩu đã tăng 70% trong năm, đưa quốc gia châu Á trở thành nhà cung cấp sản phẩm dầu hàng đầu của Hà Lan - trung tâm thương mại dầu của châu Âu.

Theo các nhà phân tích, các sản phẩm xăng dầu của Ấn Độ dường như đã bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga cho EU.

Trang Nikkei Asia nhận định, Mỹ và phương Tây có lẽ không lạ lẫm việc Ấn Độ nhập dầu thô Nga sau đó bán thành phẩm sang châu Âu.

Tuy nhiên, mối lo ngại giá dầu lên tới 200 USD/thùng đã ngăn các biện pháp trừng phạt quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này cũng cho thấy, vị thế quan trọng của đất nước này trong việc bảo đảm thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể hoạt động ổn định.

Cả Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU đều không thừa nhận vai trò của Ấn Độ trong việc ổn định giá cả. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của nước này trong việc ngăn chặn khủng hoảng năng lượng, yếu tố có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Bà Mika Takehara, giám đốc nghiên cứu và phân tích tại Tổ chức An ninh năng lượng và kim loại Nhật Bản, nhận định: “Năm qua đã kiểm chứng thành công một điều rằng, thị trường dầu toàn cầu có thể đối phó với những biến động địa chính trị nghiêm trọng thông qua cơ chế điều chỉnh năng động. Cơ chế này sẽ không hoạt động nếu không có Ấn Độ”.

 

Linh Chi

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.