Chuyên mục
Dấu hiệu đa cấp trái phép Edunetwork: Vỡ mộng đổi đời

Dấu hiệu đa cấp trái phép Edunetwork: Vỡ mộng đổi đời

Thứ năm 10/09/2020 11:32 GMT + 7

Nhiều người bỏ ngàn USD để mua khóa học của Edunetwork những mong kiếm được thật nhiều tiền, đổi đời từ "hệ thống giáo dục" này.

Tuy vậy, việc bán khóa học để "ăn" 80% hoa hồng trực tiếp cùng nhiều khoản hoa hồng thụ động khác cũng không dễ như cách các "boss" nói trong các livestream trên mạng xã hội.

 

Video điều tra: Dấu hiệu đa cấp trái phép của “dự án giáo dục” Edunetwork.


"Cảm giác như đi lừa người khác để kiếm tiền"

Đ.T.P (24 tuổi) là giáo viên mầm non cho một trường tư thục ở TP.Đà Nẵng. Cách đây hơn 2 tháng, khi vào Facebook, P. thấy một người bạn thường xuyên chia sẻ nội dung ca ngợi dự án Edunetwork và khoe kiếm được rất nhiều tiền.

Thời điểm dịch khó khăn, gần như không có thu nhập, cô giáo trẻ nhắn hỏi bạn cách tham gia đầu tư vào dự án.

"Bạn đó bảo tôi nên mua khóa 2.000 USD là kiếm tiền được nhanh nhất, sẽ được hướng dẫn làm chỉ một tuần là hoàn vốn nhưng tôi chỉ đủ tiền mua khóa 50 USD", P. nhớ lại.

Theo lời kể của nữ giáo viên, sau đó, cô được cho tham gia vào các nhóm kín đào tạo để bán khóa học cùng rất nhiều thành viên khác. Tất cả các hoạt động đào tạo này đều diễn ra trên mạng xã hội.

"Người bảo trợ có hướng dẫn tôi sử dụng một app chỉnh sửa để tạo ra những hình ảnh là tiền chuyển về tài khoản ngân hàng từ các giao dịch bán khóa học cho Edunetwork, sau đó đăng hình ảnh này lên facebook cá nhân để thu hút bạn bè tham gia dự án. Thực tế không có số tiền nào được chuyển vào tài khoản cả. Nhiều người mới bắt đầu đều được hướng dẫn như vậy. Cảm giác như đi lừa người khác", P. kể với phóng viên.

 

Một thành viên Edunetwork “khoe” thu nhập khủng từ việc bán khóa học được ngân hàng chuyển về nhưng theo tìm hiểu của PV, Ngân hàng BIDV không hề có đầu số tài khoản là 378. Ảnh: PV.


Chỉ sau vài ngày tham gia, nữ giáo viên cho biết đã nhận ra bản chất thực sự của dự án nên chủ động rời các nhóm kín đào tạo trên và quyết không giới thiệu người mới tham gia.

Chị N.T.M (30 tuổi, Yên Bái) cũng được một người bạn hướng dẫn tham gia vào Edunetwork. Chị cho biết thường xuyên lên mạng xem những video chia sẻ cách kiếm tiền từ Edunetwork và nghĩ nếu tham gia chỉ cần một tháng bán được vài khóa học là kiếm được gấp mấy lần công việc làm công ăn lương hiện tại. Bởi, có rất nhiều loại hoa hồng khi bán được khóa học.

"Tôi cũng đăng ký khóa học 50 USD (1,2 triệu đồng), nhưng bảo trợ nói chỉ cần nộp 240 nghìn đồng về công ty còn gần 1 triệu thì bảo trợ nói được "ưu đãi". Hai người bạn của tôi cũng đăng ký khóa 200 USD (4,8 triệu đồng) nhưng cũng chỉ cần nộp 1 triệu đồng vì bảo trợ không lấy tiền hoa hồng", chị M. chia sẻ.

Theo lời kể của chị M., sau đó chị và 2 người bạn cũng tập tành đăng các bài viết quảng cáo, ca ngợi về Edunetwork lên facebook cá nhân và khoe thu nhập khủng. Tuy vậy, chỉ thấy một số tài khoản khác cũng là thành viên của Edunetwork vào bình luận chứ không có ai quan tâm thực sự cả.


Nội dung khóa học trị giá 1,2 triệu đồng của Edunetwork. Ảnh: PV.


"Nhiều bạn bè và cả chồng tôi nói tôi rất nhiều, thời điểm đó tôi cũng dần dần hiểu ra bản chất của sự việc, đặc biệt là khi đọc được loạt bài mới đăng trên báo Lao Động. Tôi muốn khuyên các bà mẹ bỉm sữa hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi tham gia, đừng để lòng tham dẫn lối", chị M. chia sẻ.

Gia đình lục đục vì trót đầu tư 2.000 USD vào Edunetwork

Anh H.V.T (39 tuổi, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết quyết định mua khóa học 2.000 USD của Edunetwork khiến cuộc sống vợ chồng anh lục đục nhiều tháng qua.

Theo lời kể của người đàn ông này, đầu năm 2020, vợ anh - một giáo viên tiểu học ở TP. Huế - được một người bạn học giới thiệu về dự án Edunetwork "có rất nhiều kiến thức kinh doanh, làm giàu khủng khiếp".

Do thời điểm đó, muốn tham gia học kiến thức kinh doanh để tăng thêm thu nhập nên vợ anh T. có vay mượn thêm để có tiền mua khóa học trị giá 2.000 USD.

"Sau đó, chúng tôi có mở máy tính để học thì thấy khóa học này hoàn toàn bằng tiếng Anh mà chưa cập nhật bản tiếng Việt như quảng cáo. Chúng tôi có nhắn hỏi tại sao lại là tiếng Anh thì một số thủ lĩnh trong hệ thống giải thích vẫn đang trong quá trình dịch sang tiếng Việt, phải chờ đợi", anh T. cho biết, "chờ đợi 5, 6 tháng sau cũng chưa thấy có bản tiếng Việt".



Nhận thấy các nội dung đào tạo của Edunetwork có dấu hiệu bất thường, anh T. đã quay lại toàn bộ và cung cấp cho PV Báo Lao Động.


Dù không hiểu gì về nội dung khóa học nhưng sau đó vợ anh T. vẫn được thêm vào các nhóm kín trên facebook, zalo, viber cùng nhiều thành viên khác để được đào tạo bán khóa học cho nhiều người khác.

"Không chỉ dạy cách bán khóa học, các thủ lĩnh còn đào tạo về tiềm thức, làm cho người học tin tưởng tuyệt đối vào giá trị khóa học, vào những người đứng đầu hệ thống và tin việc sẽ bán được thật nhiều khóa học và kiếm được nhiều tiền. Tôi thấy giống như kiểu tẩy não trong các hội thảo đa cấp", anh T. cho biết thấy bất thường nên anh đã quay lại video toàn bộ nội dung các buổi học nói trên.

Cũng theo người đàn ông này, vợ anh nhanh chóng nhận ra được bản chất của Edunetwork và quyết định dừng lại. Sau đó, anh T. muốn tố cáo sự mờ ám của Edunetwork nhưng vợ không đồng ý dẫn đến gia đình lục đục.

 

"Vợ tôi nói dù sao người bảo trợ cũng là bạn bè nên không muốn làm lớn chuyện. Thông qua báo Lao Động, tôi muốn kể câu chuyện của mình cảnh báo mọi người không nên tham gia vào Edunetwork", anh T. nói với phóng viên.

 

Video thủ lĩnh Edunetwork nói về các loại hoa hồng bỗng dưng biến mất

Sau khi báo Lao Động đăng tải loạt bài Edunetwork - dấu hiệu đa cấp trái phép "đội lốt" dự án giáo dục trực tuyến, 2 video dài khoảng 17 phút và 10 phút đăng tải trên mạng xã hội YouTube của Chu Hải Quang và Đỗ Thị Hải Yến (2 thủ lĩnh ở Edunetwork) bỗng dưng biến mất.

Trong 2 video này, Chu Hải Quang và Đỗ Thị Hải Yến nói về chính sách trả hoa hồng của Edunetwork tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là hoa hồng trả ơn với nhiều tầng, lớp. Theo nhiều chuyên gia, với mô hình trả thưởng theo phương thức đó, đích thị là đa cấp.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn: laodong.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.