Chuyên mục
Đã 36 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng

Đã 36 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng

Thứ năm 08/10/2020 14:24 GMT + 7

Sáng 8/10, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cho biết, cả nước không thêm ca mắc mới. Đến nay, 36 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Dự kiến, đến quý 4/2021, Việt Nam sẽ có kết quả thử nghiệm lâm sàng về vaccine phòng chống COVID-19 sản xuất trong nước.

 


Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 1.099 ca mắc COVID-19, trong đó có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.250 trường hợp.


Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã sang ngày thứ 51, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.023/1.099 bệnh nhân COVID-19. Cả nước hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay ghi nhận 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng 31 trường hợp, Quảng Nam 3 trường hợp và Quảng Trị 1 trường hợp. Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường type 2, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng…

Liên quan đến vấn đề sản xuất vaccine COVID-19 trong nước, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, hiện nước ta có 2 nhà sản xuất vaccine COVID-19 tiềm năng với công nghệ phôi trứng gà và công nghệ tái tổ hợp.



Ảnh minh họa


Theo ông Quang, hiện 2 đơn vị đều đang làm test thử thách, tức là tạo ra một vaccine hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với virus nCoV để thử thách hiệu quả bảo vệ. Đây là một giai đoạn bắt buộc trong sản xuất vaccine tại Việt Nam. Một trong hai công ty này cũng đã gửi mẫu để thử nghiệm song song tại một phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc về tính sinh miễn dịch, độc tính…

Ông Nguyễn Ngô Quang cũng cho biết, trên cơ sở của các kết quả tiền lâm sàng tại Hàn Quốc, dự kiến khoảng tháng 12 năm nay, Bộ Y tế sẽ thẩm định và cho phép triển khai lâm sàng, cố gắng trong 1 năm sẽ có các kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1-2-3.

Tuy nhiên, ông Quang cũng cho biết, quá trình nghiên cứu lâm sàng vaccine có rủi ro rất lớn, không dễ thực hiện, tỉ lệ thành công chỉ 20-25% nên tốn kém nhiều thời gian và sức lực, tiền của. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy sớm và hỗ trợ các nhà sản xuất, mục tiêu cuối cùng là Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine COVID-19.

Để Việt Nam có thể tiếp cận vaccine COVID-19 sớm, Bộ Y tế vẫn đang tiếp cận theo 2 con đường gồm tiếp cận với vaccine nước ngoài thông qua hợp tác quốc tế và hỗ trợ; đầu tư cho các nhà sản xuất trong nước để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine.

“Bộ Y tế đặt niềm tin vào các nghiên cứu vaccine sản xuất trong nước. Hy vọng 2 công nghệ mà Việt Nam đang tiếp cận đến quý 4 năm 2021 sẽ có kết quả thử nghiệm lâm sàng. Căn cứ vào kết quả này, nếu khả thi thì Việt Nam sẽ sớm có vaccine”, ông Quang chia sẻ.

Hiện, Việt Nam là một trong 92 quốc gia đã tham gia chương trình "Giải pháp tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu" (COVAX Facility). Tổ chức này đặt mục tiêu cung ứng hai tỷ liều vaccine với khoảng 20% dân số cho các quốc gia thành viên COVAX, vào cuối năm 2021.

Thế giới hiện có 187 loại vaccine COVID-19 đang triển khai nghiên cứu, trong đó 38 vaccine đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và 149 loại vaccine đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.

Nếu các nhà sản xuất trong tổ chức COVAX hoàn thành vaccine, Việt Nam cũng sẽ được tiếp cận sản phẩm sớm. Khi ấy vaccine COVID-19 sẽ ưu tiên tiêm trước cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, người già, người có bệnh mạn tính...


Hiền Minh

Nguồn: baochinhphu.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.