Chuyên mục
Chuyện hai tiến sĩ Việt trong mùa COVID-19

Chuyện hai tiến sĩ Việt trong mùa COVID-19

Thứ hai 12/10/2020 16:24 GMT + 7

Một tiến sĩ tốt nghiệp trường đại học danh tiếng của Mỹ, từ bỏ cơ hội làm việc ở các công ty lớn để trở về. Một tiến sĩ sau chuyến công tác nước ngoài không may nhiễm COVID-19. Sự kết hợp giữa 2 vị tiến sĩ trên cho ra đời chiếc máy rửa tay diệt khuẩn tự động góp phần phòng chống dịch COVID-19.


Anh Nguyên (đứng thứ 2 từ phải sang) cùng đồng nghiệp trong quá trình sản xuất máy rửa tay tự động.


Trở về

Khi đang học năm nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Hữu Phước Nguyên nhận được học bổng toàn phần của tập đoàn dầu khí Malaysia học tại trường Đại học kỹ thuật PETRONAS theo học ngành Cơ điện tử. Sau đó, anh Nguyên sang Mỹ du học theo học bổng của Nghị viện Mỹ (VEF) lấy bằng thạc sỹ và tiến sỹ ngành Cơ khí ở trường Đại học Michigan (Mỹ) - một trong những trường công lập tốt nhất ở Mỹ và là trường hàng đầu thế giới về ngành Cơ khí.

“Tôi chọn theo học ngành Cơ khí vì muốn phát triển ra những sản phẩm công nghệ cao thiết thực cho cuộc sống. Một phần nữa, đây là lĩnh vực quan trọng cho phát triển đất nước. Mục đích của tôi đi du học là để trở về và cống hiến cho đất nước. Đã có một số công ty ở Mỹ mời tôi đến làm như TRW (công nghiệp ô tô), Capgemini (tư vấn công nghệ), một số công ty mời tôi đến phỏng vấn như Apple, Intel, Ford, GM, McKinsey, JP Morgan Chase... nhưng tôi quyết định sẽ về Việt Nam”, anh Nguyên chia sẻ.

Sau khi trở về Việt Nam, anh Nguyên trở thành thành viên của mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (gồm 100  chuyên gia trong và ngoài nước) do Chính phủ quy tụ nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển nên công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Về nước, anh Nguyên làm việc tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Sau hơn 3 năm, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam, anh Nguyên sáng lập công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện thông minh và năng lượng sạch.

Trong lúc bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, anh Nguyên nhận được thư của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gửi các thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Mạng lưới tiếp tục chung tay cùng Chính phủ bằng những hình thức, biện pháp khác nhau để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhất là lực lượng y tế ở tuyến đầu phòng chống dịch và những nhóm người dễ tổn thương. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kêu gọi các thành viên Mạng lưới đóng góp bằng trí tuệ thông qua việc nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị cho Bộ các giải pháp về chính sách, kinh tế, công nghệ, nhất là các giải pháp về y tế, phòng dịch, miễn dịch… để giúp Việt Nam từng bước vượt qua dịch bệnh nhanh chóng, phục hồi các hoạt động kinh tế, đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Khi tiến sĩ thành bệnh nhân COVID-19


Từ Anh về Việt Nam sau một khóa học ngắn hạn vào ngày 14/3. Ngay khi tới sân bay Nội Bài, anh Hàn Huy Dũng được chuyển lên Trường quân sự Sơn Tây để cách ly tập trung. Bốn ngày sau, anh Dũng có biểu hiện sốt cao, đau họng, cơ thể mệt mỏi và được đưa đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, cùng kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. 

Nhận thấy dù là tuyến đầu chống dịch, nhưng khắp bệnh viện, mọi người đều sử dụng chung nước rửa tay khô từ những chai dung dịch đặt sẵn ngoài cửa phòng. Một ý tưởng về chiếc máy rửa tay không chạm lóe qua đầu anh Dũng bởi trước đây anh từng hướng dẫn sinh viên chế tạo chiếc máy này. Tuy nhiên vì hoạt động nhóm nhỏ với mục đích giáo dục nên giá thành chiếc máy rất cao. “Muốn có được giá rẻ nhất để các trường học, bệnh viện đều có thể sử dụng, chỉ có cách sản xuất số lượng lớn”, anh Dũng đưa ra suy nghĩ.

Khi nêu ý tưởng với anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên và cả 2 ngay lập tức cùng cho ra đời dự án sản xuất máy rửa tay tự động. Dự án sản xuất máy rửa tay không chạm giá rẻ được triển khai với đội ngũ kỹ sư hàng chục người. Trong đó, TS Hàn Huy Dũng phụ trách thiết kế và những việc liên quan đến điện tử, chế tạo máy.

Mục tiêu của nhóm trong vòng ba tuần phải hoàn thành thiết kế và sẵn sàng sản xuất hàng loạt với giá hợp lý để kịp thời phục vụ cộng đồng khi hết cách ly. Tuy nhiên trong bối cảnh cách ly toàn xã hội, việc tìm được linh kiện phù hợp trong và ngoài nước là thách thức không nhỏ.

Gần một tuần sau, mô hình bằng gỗ của chiếc máy rửa tay không chạm được hình thành. Máy hoàn toàn tự động, khi người sử dụng đưa tay vào ngăn rửa trong thời gian 2 giây, máy sẽ tự phun dung dịch vừa đủ, sau đó đưa tay ra ngoài và xoa đều làm sạch. Điều này không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn sử dụng một lượng dung dịch sát khuẩn vừa đủ, không gây lãng phí. Đặc biệt người dùng sẽ tránh được việc tiếp xúc với bề mặt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID -19.     

Trong 3 tuần, anh Nguyên đã tập trung nguồn lực ở công ty để thiết kế và tìm phương án sản xuất sản phẩm. Đây là một thử thách khá khó vì sản phẩm có nhiều thành phần không sẵn có ở trong nước và trong tình cảnh biên giới đóng cửa, việc tìm được đối tác cung cấp với giá hợp lý không hề dễ dàng.

“Để có sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tất cả khâu phải cẩn thận, tỉ mỉ. Chúng tôi coi sản phẩm máy rửa tay tự động này là một đóng góp nhỏ cho xã hội, thêm phần mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới, giúp các nước phòng chống dịch và đó là trách nhiệm của chính doanh nghiệp”.


Anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên chia sẻ


“Nhiều đối tác ở Trung Quốc, Ấn Độ đều lắc đầu với thời gian và mức giá mà mình đề nghị. Lúc đó mình mới thấy, để làm ra chiếc máy rửa tay có giá rẻ không hề dễ. Nhóm dự án đã phải áp dụng công nghệ thiết kế và sản xuất ô tô, xe máy một cách sáng tạo với nhiều lần thay đổi thiết kế để có phương án sản xuất tối ưu nhất”, anh Nguyên chia sẻ.

Nhiều thời điểm, anh Nguyên tạm gác lại việc sản xuất xe máy điện để tập trung làm máy rửa tay. Sau khi ra đời, dự án đã tặng hàng chục máy rửa tay tự động cho bệnh viện và trường học cần gấp. Giá thành của loạt máy đầu tiên ở mức thấp nhất trên thị trường, bằng 1/3 so với giá sản phẩm ngoại nhập cùng chất lượng.

“Điều vui nhất với mình là trong thời gian cách ly xã hội, mình và anh em vẫn có thể làm được việc ý nghĩa, góp một phần nhỏ vào công cuộc chống dịch”, anh Nguyên chia sẻ.


TS Hàn Huy Dũng – một bệnh nhân COVID-19 đặc biệt.



Chiếc máy rửa tay tự động được sử dụng rộng rãi với nhiều ưu điểm.

 

Dù công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng anh Nguyên đã nỗ lực cùng Tiến sĩ Hàn Huy Dũng, Phó trưởng bộ môn Điện tử và Kỹ thuật máy tính, thuộc Viện điện tử viễn thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội) hiện thực ý tưởng, cho ra đời chiếc máy rửa tay diệt khuẩn tự động. 

 

NGỌC LINH

Nguồn: tienphong.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.