Chuyên mục
Chiến đấu cơ nặng và 'già' nhất phương Tây: Tại sao Boeing mở rộng sản xuất F-15EX?

Chiến đấu cơ nặng và 'già' nhất phương Tây: Tại sao Boeing mở rộng sản xuất F-15EX?

Thứ hai 19/05/2025 07:41 GMT + 7

Boeing xác nhận kế hoạch đẩy mạnh sản xuất F-15EX, dòng tiêm kích hạng nặng tiên tiến của phương Tây. Hãng dự kiến đạt tốc độ bàn giao 2 chiếc/tháng vào cuối 2026 nhằm thay thế F-15 cũ kỹ và duy trì ưu thế không quân Mỹ.


Chiến đấu cơ F-15EX do Mỹ sản xuất. Ảnh: Army Recognition.


Tập đoàn hàng không vũ trụ Mỹ Boeing xác nhận kế hoạch tăng cường sản xuất tiêm kích F-15EX, với mục tiêu đạt tốc độ bàn giao đều đặn 2 chiếc mỗi tháng vào cuối năm 2026. Điều này sẽ cho phép hãng cung cấp khoảng 24 chiến đấu cơ mỗi năm cho Không quân Mỹ.

Boeing cho biết, kế hoạch hiện tại là sản xuất 90 chiếc F-15EX tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh rằng hiệu quả sản xuất và công tác kiểm soát chất lượng đang được cải thiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ.

“Hiệu suất nhà máy đã được cải thiện trong những tháng gần đây, tỷ lệ sửa chữa và công việc bị dời đã giảm dần từng tháng, qua đó nâng cao năng suất và ổn định dây chuyền sản xuất”, ông Tom Altamuro, Giám đốc sản xuất và an toàn F-15 tại Boeing, cho biết.

Trong nhiều năm qua, các tướng lĩnh cấp cao của Không quân Mỹ và Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã kêu gọi tăng cường mua sắm F-15EX – dòng tiêm kích hạng nặng có tầm bay xa nhất đang được sản xuất ở phương Tây hiện nay. Dù không sở hữu khả năng tàng hình tiên tiến như F-35 và có chi phí vận hành cùng yêu cầu bảo trì cao hơn, F-15EX lại vượt trội ở radar công suất lớn, hiệu suất bay vượt trội và khả năng mang vũ khí gấp nhiều lần ở cấu hình tiêu chuẩn.

Tướng Michael Loh, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ, vào năm 2022 từng khẳng định rằng F-15EX không phải là “một chiếc máy bay công nghệ thập niên 1970”, nhấn mạnh vào hệ thống điện tử hàng không thế hệ 5, bao gồm kiến trúc hệ thống mở, tổ hợp tác chiến điện tử Eagle Passive Active Warning Survivability System (EPAWSS) và radar mạng pha quét điện tử chủ động AN/APG-82.

 


F-15EX mang 12 tên lửa AIM-120 trong quá trình kiểm tra trước khi bay. Ảnh: MW.


F-15 lần đầu cất cánh vào năm 1972 và đã phục vụ trong Không quân Mỹ suốt 50 năm qua, trở thành dòng máy bay chiến đấu có tuổi đời lâu nhất còn được sản xuất trên thế giới. Các đơn hàng tiếp tục được duy trì phần lớn vì chương trình tiêm kích thế hệ 5 F-22 không thể hoàn toàn thay thế F-15 như kỳ vọng, buộc Không quân Mỹ phải kéo dài thời gian hoạt động của các khung thân F-15C/D từ thời Chiến tranh Lạnh đã vượt quá tuổi thọ thiết kế.

F-15E – phiên bản hiện đại hơn được mua từ thập niên 1980 và 1990 – cũng sẽ bắt đầu bị loại biên trong những năm tới, càng khiến nhu cầu về F-15EX gia tăng mạnh mẽ.

Dù tăng lên mức 24 chiếc/năm, tốc độ sản xuất F-15EX vẫn thấp hơn so với Su-34 của Nga – dòng tiêm kích hạng nặng có sản lượng tăng gấp đôi lên khoảng 30 chiếc/năm kể từ khi chiến sự với Ukraine leo thang vào năm 2022. Con số này cũng kém xa sản lượng tiêm kích J-16 của Trung Quốc – mẫu máy bay được xem là tương đương với F-15EX xét về vai trò và tính năng.

Ngoài Không quân Mỹ, biến thể F-15IA của F-15EX cũng sẽ được bàn giao cho Israel sau khi Mỹ chấp thuận bán tới 50 chiếc vào ngày 14/8 năm ngoái. Động thái này giúp Israel thay thế các dòng F-15A/B và F-15C/D lỗi thời từng được mua thời Chiến tranh Lạnh, bổ sung cho lực lượng F-35A hiện đại gồm 75 chiếc đã đặt hàng.

Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng được cho là đang cân nhắc đặt mua F-15EX, song chưa có xác nhận chính thức.

Việc mở rộng dây chuyền F-15EX diễn ra trong bối cảnh Boeing chuẩn bị đóng cửa dây chuyền sản xuất còn lại duy nhất của mẫu tiêm kích F/A-18E/F vào năm 2027. Sau đó, hãng dự kiến sẽ tập trung nguồn lực cho việc phát triển tiêm kích thế hệ 6 mới, F-47, nhằm cung cấp mẫu máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo cho Không quân Mỹ.


Huyền Chi

Nguồn: viettimes.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.