Chuyên mục
Cái giá châu Âu phải trả nếu Mỹ rút quân và vũ khí

Cái giá châu Âu phải trả nếu Mỹ rút quân và vũ khí

Thứ hai 19/05/2025 05:07 GMT + 7

Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ước tính, châu Âu sẽ cần chi 1.000 tỷ USD trong 25 năm tới để thay thế năng lực và vũ khí do Mỹ đang cung cấp cho lục địa này.

Thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần ám chỉ việc nước này muốn chuyển hướng khỏi sự hỗ trợ quân sự kéo dài hàng thập kỷ cho châu Âu. Báo cáo do IISS công bố hôm 14/5 đã nêu bật mức chi phí cao các nước châu Âu phải đối mặt để lấp đầy khoảng trống an ninh, nếu quân đội Mỹ thu hẹp quy mô hoạt động trong khu vực.

 


Binh sĩ Mỹ tham gia một cuộc tập trận của NATO. Ảnh: Quân đội Mỹ


"Giả sử trong 25 năm tới, chi phí để các đồng minh châu Âu thay thế khoản đóng góp hiện tại của Mỹ cho hoạt động phòng thủ chung của NATO sẽ lên tới khoảng 1.000 tỷ USD", Newsweek trích dẫn nhận định của IISS.

IISS nói thêm, mục đích của bản báo cáo là chỉ ra chi phí cũng như các yêu cầu đối với ngành công nghiệp quốc phòng NATO - châu Âu để chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ Nga trong tương lai, trong trường hợp không có sự hỗ trợ từ phía Mỹ.

Đánh giá của IISS đưa ra giả thuyết cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc vào giữa năm 2025 bằng một thỏa thuận ngừng bắn và chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu quá trình rút khỏi NATO. Báo cáo cũng xem xét kịch bản Mỹ rút quân, thiết bị, kho dự trữ và vật tư khỏi châu Âu.

Theo IISS, nếu Mỹ dừng các cam kết quốc phòng, các nước thành viên NATO ở châu Âu sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, nhất là khi Nga có thể tái lập lực lượng bộ binh vào năm 2027 sau lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Do đó, IISS ước tính, chi phí để thay thế thiết bị và năng lực của Mỹ tại châu Âu trong 25 năm tới sẽ lên tới khoảng 1.000 tỷ USD. Trong đó, 1/5 khoản tiền sẽ dùng để bổ sung 400 máy bay quân sự hoạt động khắp châu Âu. Ngoài ra, 15% số tiền ước tính sẽ được chi để thay thế 20 tàu khu trục của Mỹ. Việc thay thế 128.000 binh sĩ Mỹ cũng sẽ tốn hơn 12 tỷ USD.

IISS cho rằng, việc xây dựng lại năng lực quốc phòng của châu Âu trong trung hạn là khả thi. Bởi nếu mọi quốc gia NATO ở châu Âu đầu tư 2% GDP năm 2024 cho lĩnh vực quốc phòng, họ sẽ có thêm 62 tỷ USD cho các lực lượng vũ trang.

Sự không chắc chắn từ phía Mỹ

Chính quyền của Tổng thống Trump cho biết, Mỹ muốn chuyển hướng khỏi châu Âu, châu lục Washington đã hỗ trợ quân sự trong nhiều thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Suốt nhiều năm qua, Mỹ đã gánh vác những gánh nặng quân sự tốn kém ở châu Âu bao gồm cung cấp hậu cần, vận chuyển chiến lược, truyền thông, tình báo, trinh sát, tác chiến điện tử trên không và lấp đầy kho dự trữ đạn dược.

Chia sẻ với Newsweek, một quan chức Trung Âu cho hay, Mỹ vẫn chưa đưa ra lộ trình phác thảo những năng lực Washington có kế hoạch rút khỏi châu Âu và những gì lục địa này sẽ phải thay thế khẩn cấp. Quan chức này nói thêm, Mỹ có thể mất tới 2 năm để đánh giá những tài sản nào họ muốn rút khỏi châu Âu.

Trên thực tế, giới chính trị và quân sự châu Âu đã công khai thừa nhận việc châu lục này đã phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ suốt thời gian dài. Do đó, họ đã đưa ra các cam kết củng cố ngành công nghiệp quốc phòng thông qua tăng cường đầu tư.

Các nguồn tin trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng châu Âu xác nhận đã có một số tiến triển trong việc đặt hàng ở châu Âu, nhưng tốc độ vẫn còn chậm hơn dự kiến. Trọng tâm hiện tại là lấp đầy các kho thiết bị dự trữ được dùng để gửi đến Ukraine.

Hồi tháng 3, tờ Financial Times đưa tin, các cường quốc quân sự quan trọng nhất của châu Âu đang cùng nhau lập kế hoạch tiếp quản phần lớn trách nhiệm bảo vệ lục địa này. Động thái bao gồm một đề xuất gửi tới Nhà Trắng để châu Âu nắm quyền đảm bảo an ninh của khu vực trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, Financial Times đánh giá sẽ mất từ 5 - 10 năm tăng chi tiêu quốc phòng trước khi châu Âu có được năng lực thay thế những gì Washington đang cung cấp, ngoại trừ vũ khí hạt nhân của Mỹ.


Minh Thu

Nguồn: vietnamnet.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.