Chuyên mục
Ba quốc gia Arab mong chờ gì khi đón Tổng thống Trump tới thăm?

Ba quốc gia Arab mong chờ gì khi đón Tổng thống Trump tới thăm?

Thứ hai 12/05/2025 10:28 GMT + 7

Ba quốc gia Arab vùng Vịnh giàu năng lượng đang chạy đua để biến ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump thành lợi ích cụ thể, trong bối cảnh ông chuẩn bị thăm khu vực này.

 


Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 8/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN


Theo kênh CNN ngày 11/5, các quốc gia này đã xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Trump và cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào Mỹ, đồng thời coi mình những trung gian then chốt trong các cuộc xung đột mà ông Trump muốn giải quyết, từ Gaza đến Ukraine và Iran.

Giờ đây, họ vinh dự trở thành điểm đến trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của ông Trump. Tổng thống Mỹ sẽ đặt chân tới Saudi Arabia vào ngày 13/5, sau đó thăm Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho đến hết ngày 16/5.

Với cách tiếp cận có tính giao dịch trong chính sách đối ngoại của ông Trump, ba quốc gia này có nhiều điều để trao đổi.

Ông Hasan Alhasan, chuyên gia cao cấp về chính sách Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Bahrain, bình luận: “Trong cách nhìn của ông Trump, các quốc gia vùng Vịnh đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí. Họ cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ và chi tiêu lớn để mua các hệ thống vũ khí của Mỹ”.

Đằng sau chiến lược chinh phục ông Trump được tính toán kỹ lưỡng này là mong muốn của các nước vùng Vịnh nhằm củng cố, chính thức hóa vị thế của họ trong vai trò là những đối tác an ninh và kinh tế không thể thiếu của Mỹ, đồng thời tìm cách thu lợi tối đa.

Quan hệ Mỹ - Vùng Vịnh đã được cải thiện đáng kể kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Cảm thấy thất vọng vì nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden không quan tâm đủ đến lợi ích của mình, Saudi Arabia và UAE đã tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ quân sự, công nghệ và kinh tế. Khi ông Trump làm tổng thống, họ coi đây là “cơ hội ngàn năm có một” để đạt được mục tiêu quốc gia.

Theo bà Ebtesam AlKetbi, nhà sáng lập và Chủ tịch Trung tâm Chính sách Emirates tại Abu Dhabi, hiện tại là thời điểm để củng cố quan hệ với Mỹ và thậm chí là đảm bảo thêm đặc quyền trong mối quan hệ với cường quốc số một thế giới.

Mỗi quốc gia mà ông Trump sẽ đến thăm đều có danh sách ưu tiên riêng.

Thỏa thuận an ninh Mỹ - Saudi Arabia

Theo ông Ali Shihabi, nhà bình luận về chính trị và kinh tế Saudi Arabia, an ninh là điều mà Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác mong muốn nhất từ chuyến thăm của ông Trump. Ông nói: “Các quốc gia vùng Vịnh muốn được đảm bảo về cam kết an ninh của Mỹ đối với ổn định của khu vực. Ông Trump có nhiều ưu tiên và nổi tiếng là dễ mất hứng thú... nên họ muốn giữ ông tiếp tục quan tâm”.

Năm 2024, Mỹ và Saudi Arabia gần đạt được một hiệp ước quốc phòng và thương mại mang tính bước ngoặt, nhưng quá trình đàm phán đã bị đình trệ do Saudi Arabia yêu cầu Israel cam kết hướng tới giải pháp hai nhà nước cho Palestine.

Theo ông Firas Maksad, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức tư vấn Eurasia Group, ông Trump có khả năng sẽ xúc tiến các thỏa thuận lớn mà không cần đạt được bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.

Saudi Arabia cũng đang muốn phía Mỹ hợp tác để phát triển chương trình hạt nhân dân sự, nhưng kế hoạch này đang bị đình lại do Saudi Arabia kiên quyết đòi làm giàu urani trong nước – điều khiến Mỹ và Israel lo ngại về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Urani được làm giàu ở mức cao có thể dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Việc Nhà Trắng ủng hộ chương trình hạt nhân của Saudi Arabia có thể giúp các doanh nghiệp Mỹ giành được các hợp đồng béo bở.

Saudi Arabia dường như đang định hình mối quan hệ với Mỹ theo hướng đôi bên cùng có lợi. Tháng 3, ông Trump nói rằng ông sẽ đến Saudi Arabia nếu nước này đầu tư 1.000 tỷ USD vào Mỹ. Ông nói: “Họ đã đồng ý đầu tư, nên tôi sẽ đến đó”.

Dù Saudi Arabia không xác nhận con số đó, nhưng nước này đã công bố kế hoạch hồi tháng 1 nhằm mở rộng thương mại và đầu tư với Mỹ thêm 600 tỷ USD trong bốn năm tới, với tiềm năng còn nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, Saudi Arabia vẫn cần mua bán dầu với giá có lãi để tài trợ cho quá trình chuyển đổi. Giá dầu gần đây giảm và đe dọa cản trở tham vọng đó. Ông Trump đã tuyên bố rõ rằng ông muốn giá dầu thấp hơn, điều này đi ngược lại nhu cầu doanh thu cao của Saudi Arabia để tài trợ cho công cuộc chuyển đổi kinh tế.

UAE theo đuổi vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI

Có lẽ hơn bất kỳ quốc gia vùng Vịnh nào khác, UAE xem đầu tư là trọng tâm trong chiến lược tăng cường quan hệ với Mỹ và thu về lợi ích. UAE có đủ tiền để thực hiện điều đó. Là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới tính theo đầu người, UAE đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào Mỹ. UAE thậm chí tự nhận là “thủ phủ vốn đầu tư”.

Bà AlKetbi bình luận: “Mở rộng thương mại và đầu tư là cách để củng cố quan hệ đối tác chiến lược này. Mỹ vẫn là bên bảo đảm an ninh then chốt cho vùng Vịnh, đồng thời có nền kinh tế năng động, đầy tiềm năng và phù hợp với các kế hoạch phát triển dài hạn của vùng Vịnh”.

Tháng 3, UAE công bố kế hoạch đầu tư trị giá 1.400 tỷ USD trong 10 năm, tập trung vào AI, chất bán dẫn, sản xuất và năng lượng. Theo Đại sứ quán UAE tại Washington, khoản đầu tư hiện có của nước này vào Mỹ đã lên đến 1.000 tỷ USD.

Ông Anwar Gargash, cố vấn ngoại giao của Tổng thống UAE, bình luận: “UAE xem đây là cơ hội ngàn năm có một để trở thành nước đóng góp đáng kể trong lĩnh vực AI và công nghệ tiên tiến. Cam kết đầu tư 1.400 tỷ USD... phù hợp với mục tiêu của UAE là đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu khí nhằm đảm bảo thịnh vượng cho đất nước trong tương lai”.

Tuy nhiên, UAE sẽ khó đạt mục tiêu trở thành cường quốc AI toàn cầu vào năm 2031 nếu không có chip của Mỹ.

Vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã siết chặt hạn chế xuất khẩu AI nhằm ngăn công nghệ tiên tiến rơi vào tay các đối thủ như Trung Quốc và các biện pháp này dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/5. UAE là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng và đang mong các lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ trong chuyến thăm của ông Trump.

Ngày 8/5 vừa qua, Mỹ thông báo rằng ông Trump sẽ hủy bỏ một số lệnh cấm có từ thời ông Biden.

Ngoại giao toàn cầu của Qatar

Qatar là quốc gia Arab vùng Vịnh có quan hệ an ninh chính thức chặt chẽ nhất với Mỹ. Nước này là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông mà Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là “không thể thay thế” cho các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.

Năm 2024, Mỹ đã âm thầm đạt được thỏa thuận gia hạn hiện diện quân sự tại căn cứ rộng lớn ở Qatar thêm 10 năm. Đồng thời, hai bên cũng sửa đổi thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 1992 để tăng cường quan hệ an ninh hơn nữa.

Năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã công nhận Qatar là “Đồng minh lớn ngoài NATO” – tên dành cho những đối tác thân cận có quan hệ chiến lược với quân đội Mỹ.

Qatar đã đóng vai trò trung gian trong nhiều cuộc xung đột, từ chiến sự ở Gaza đến Afghanistan. Các chuyên gia cho rằng điều này là một phần nỗ lực nhằm duy trì tầm ảnh hưởng trong mắt Mỹ.

Chuyên gia Alhasan cho biết: “Các quốc gia vùng Vịnh xem vai trò trung gian hòa giải là nguồn ảnh hưởng và uy tín. Họ đã biết cách tận dụng vai trò đó để định vị mình là những đối tác không thể thiếu trong chương trình nghị sự chính trị của ông Trump”.

Qatar cũng duy trì mối quan hệ gần gũi với Tổng thống mới của Syria, ông Ahmed al-Sharaa, người đang nỗ lực gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kéo dài do phương Tây áp đặt.

Theo một quan chức, Syria sẽ là vấn đề then chốt mà Qatar sẽ nêu với ông Trump trong chuyến thăm. Qatar đang thúc đẩy chính quyền Tổng thống Trump dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng Qatar không muốn viện trợ tài chính cho Syria nếu không có sự đồng thuận từ Mỹ.

Các chuyên gia nhận định chuyến thăm của ông Trump đặt trọng tâm vào những gì ông có thể giành được từ ba quốc gia vùng Vịnh và mỗi nước đều kỳ vọng sẽ có những thỏa thuận mới mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Ông Maksad nói: “Ông ấy đến đây vì tin rằng điều đó có lợi cho kinh tế Mỹ. Đạt được các thỏa thuận với Saudi Arabia, UAE và Qatar có thể có lợi cho cả lợi ích cá nhân của ông cũng như những người thân cận. Vì vậy, hãy chờ đợi những tuyên bố lớn”.


Thùy Dương

Nguồn: baotintuc.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.