Chuyên mục
3 mối nguy hại của chất béo chuyển hóa đối với sức khỏe

3 mối nguy hại của chất béo chuyển hóa đối với sức khỏe

Thứ bảy 13/07/2024 19:58 GMT + 7

Cơ thể cần một lượng chất béo để hoạt động và ăn chất béo lành mạnh là tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều người đang tiêu thụ quá nhiều chất béo không lành mạnh, đặc biệt là chất béo chuyển hóa mà không nhận thức được hết những nguy hại của nó đối với sức khỏe.

1. Chất béo chuyển hóa là gì?


Có bốn loại chất béo chính là: chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

Chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa là chất béo lành mạnh còn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa được coi là không lành mạnh. Trong đó, chất béo chuyển hóa là loại chất béo gây hại nhất.

Chất béo chuyển hóa trước đây chủ yếu xuất hiện trong bơ thực vật rắn và shortening thực vật (một loại nguyên liệu chất béo tồn tại ở dạng thể rắn và được sản xuất từ dầu thực vật như đậu tương, dầu hạt bông… có pha trộn với mỡ heo).

Chất béo chuyển hóa cũng có sẵn trong thịt và các sản phẩm từ sữa của động vật. Một số động vật tự nhiên sản xuất chất béo chuyển hóa trong ruột của chúng và thức ăn từ những động vật này có thể chứa một lượng nhỏ chất béo này.

Với dầu thực vật hydro hóa một phần, chất béo chuyển hóa phổ biến đã tìm đường có mặt trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, siêu chế biến.

Ngày nay, phần lớn lượng chất béo chuyển hóa được tiêu thụ đến từ chất béo chuyển hóa nhân tạo được sản xuất thông qua quá trình hydro hóa - trong đó các nhà sản xuất thực phẩm thêm các phân tử hydro vào dầu thực vật dạng lỏng để kéo dài thời hạn sử dụng, tăng hương vị và tạo ra kết cấu rắn hơn cho thực phẩm.

 

Chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

 

2. Chất béo chuyển hóa có hại gì cho sức khỏe?


Tác động đến mức cholesterol
Chất béo chuyển hóa làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) và làm giảm mức cholesterol tốt (HDL). Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy có bằng chứng rõ ràng rằng acid béo chuyển hóa làm tăng nồng độ cholesterol LDL trong huyết tương và làm giảm nồng độ cholesterol HDL.

Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim


Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nghiên cứu từ Trường Y Harvard bao gồm các thử nghiệm có kiểm soát và nghiên cứu quan sát cho thấy việc tiêu thụ acid béo chuyển hóa từ dầu hydro hóa một phần "ảnh hưởng xấu đến nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch và góp phần đáng kể vào việc tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch vành".

Chất béo chuyển hóa cũng liên quan đến sự phát triển của bệnh tim mạch và hội chứng chuyển hóa. Lượng chất béo chuyển hóa tiêu thụ có liên quan đến nhiều biến chứng tim mạch, bao gồm xơ vữa động mạch và các tác động có hại khác đến tim mạch.

 

Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường


Chất béo chuyển hóa cũng đã được chứng minh là góp phần gây ra bệnh béo phì và đái tháo đường. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England bao gồm hơn 84.000 phụ nữ không mắc bệnh tim, đái tháo đường và ung thư khi nghiên cứu bắt đầu.

Trong 16 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu đã nghi nhận 3.300 trường hợp mới mắc bệnh đái tháo đường type 2, trong đó thừa cân và béo phì là những yếu tố dự báo quan trọng nhất. Họ nhấn mạnh rằng, những người tiêu thụ nhiều acid béo chuyển hóa nhất có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn 40% so với những người có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh hơn.

3. Nhận biết thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa và cách hạn chế


Chất béo chuyển hóa có sẵn trong một số loại thịt và sản phẩm từ sữa nhưng nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa công nghiệp là nguy hiểm nhất đối với sức khỏe.

Theo ThS.BS Lê Trịnh Thủy Tiên, thành viên Hội Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam, chất béo chuyển hóa có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm bao gồm các loại bánh, đồ nướng, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh như: khoai tây chiên, gà rán, pizza, đồ chiên rán nhiều dầu, bắp rang bơ, snack, mì ăn liền…

 

Nên hạn chế tối đa ăn thức ăn nhanh.

 

Tuy khó loại bỏ hoàn toàn chất béo chuyển hóa vì chúng hiện diện trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại đồ ăn nhanh phổ biến nhưng có thể hạn chế tối đa bằng cách thực hiện chế độ ăn lành mạnh hơn bao gồm các thực phẩm tươi, nguyên chất như: rau, trái cây, thịt hữu cơ và các loại đậu. Ăn chất béo lành mạnh như: dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt và cá béo.

Hạn chế tối đa ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, siêu chế biến và các thức ăn nhanh như: bánh mì kẹp thịt, gà rán, xúc xích, khoai tây chiên, bánh pizza, các loại bánh nướng, bánh ngọt…

Nếu bạn ăn một sản phẩm thực phẩm đóng gói, hãy đọc nhãn cẩn thận và tránh các loại thực phẩm có chứa dầu hydro hóa một phần. Tự chế biến món ăn tại nhà với các thực phẩm nguyên chất là cách tốt nhất để hạn chế tối đa chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống.

 

Thu Phương

Nguồn: suckhoedoisong.vn
4 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.