Chuyên mục
'22 nhân viên mắc Covid-19 là tiếng chuông cảnh báo tất cả cơ sở y tế'

'22 nhân viên mắc Covid-19 là tiếng chuông cảnh báo tất cả cơ sở y tế'

Chủ nhật 13/06/2021 06:35 GMT + 7

Theo các chuyên gia, việc SARS-CoV-2 xâm nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - vốn là thành trì cuối cùng điều trị Covid-19 khu vực phía Nam - rất nguy hiểm.


Sáng 13/6, 22 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân mắc Covid-19. Những người này là nhân viên phòng Tổ chức Hành chính (15) và Công nghệ thông tin (7).

Cơ sở y tế này đang tạm phong tỏa để điều tra dịch tễ. Đánh giá ban đầu cho thấy nguồn lây là từ bên ngoài bệnh viện.

Xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên y tế


Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho rằng quyết định của Sở Y tế TP.HCM về việc tạm phong tỏa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là giải pháp hợp lý trong thời điểm này.

“Trong thời gian phong tỏa, chúng ta có thể xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân trong cơ sở điều trị, từ đó đánh giá mức độ và nguy cơ từ nguồn lây của các trường hợp này với bệnh viện. Qua đây, chúng ta mới đưa ra được những giải pháp và cách xử lý phù hợp, kịp thời”, bác sĩ Khanh nói.

Tuy nhiên, điều quan trọng trong lúc này là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, lãnh đạo ngành y tế thành phố cũng như người dân cần bình tĩnh.

 


Phải nhanh chóng xét nghiệm tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân để xác định sự lây lan của virus. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.


Bác sĩ Khanh cho biết: “Bệnh viện đã có nhiều kinh nghiệm trong những tình huống tương tự. Lúc này, việc cần làm là sàng lọc, truy vết trên camera, từ đó xác định mức độ nguy cơ của từng trường hợp và phân loại, cách ly họ tại khu vực riêng”.

Theo bác sĩ Khanh, đối với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, những việc này không khó bởi viện đảm bảo đầy đủ về năng lực xét nghiệm, đồ phòng hộ hay vật tư, trang thiết bị.

“Điều cốt yếu là chúng ta phải xác định được SARS-CoV-2 đã tồn tại và lây lan trong bệnh viện lâu hay chưa. Nếu chúng chỉ mới xuất hiện, tôi nghĩ chúng ta có thể nhanh chóng giải quyết được”, ông nói.

Cùng chung ý kiến này, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nhận định nếu các ca bệnh chỉ xuất hiện ở khu vực hành chính, mức độ nguy hiểm có thể thấp và việc kiểm soát cũng đơn giản hơn.

Ngược lại, khi virus tồn tại và lây lan trong các bộ phận khám, chữa bệnh, tình hình sẽ trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng giao lưu, giãn cách của cơ sở y tế.

Cảnh giác dù đã tiêm vaccine


Trong đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 đầu tiên vào tháng 3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là cơ sở y tế đầu tiên ở khu vực phía Nam được ưu tiên cấp vaccine của AstraZeneca để tiêm cho 900 nhân viên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết hầu hết nhân viên bệnh viện đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Vì vậy, việc cơ sở y tế này vẫn ghi nhận ca mắc khiến nhiều người lo ngại về hiệu quả của vaccine.

Lý giải vấn đề này, PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết số lượng vaccine của Việt Nam hiện chưa đủ để đảm bảo tiêm 2 mũi cho tất cả nhân viên y tế. Việc này khiến nguy cơ người được tiêm vẫn nhiễm virus rất cao.

“Thậm chí, những người được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 vẫn có tỷ lệ nhỏ mắc bệnh. Do đó, vaccine vẫn chưa thể thay thế nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Đây cũng là lý do chúng ta phải tiếp tục thực hiện chủ trương vaccine kết hợp 5K theo khuyến cáo”, ông Nhung nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết vaccine Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. 14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ của mũi này rất thấp.

Sau tiêm mũi thứ 2, vaccine Covid-19 đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Ngoài ra, hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định: "Vaccine Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vaccine, chúng ta có thể không mắc Covid-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác".

 


Việc đảm bảo sự an toàn cho nhân viên y tế trong thời điểm này là rất quan trọng. Ảnh minh họa: Hoàng Giám.


Hạn chế tiếp xúc, đi lại


Ngày 9/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được Sở Y tế TP.HCM quyết định chuyển đổi công năng, chuẩn bị 400 giường chuyên tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc Covid-19. Đến nay, cơ sở y tế này đang điều trị 46 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 10 bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nặng, phải thở máy, 2 bệnh nhân trong số này phải can thiệp ECMO.

Theo bác sĩ Khanh, dù là một trong những cơ sở y tế được phân công điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố, việc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bị phong tỏa chưa ảnh hưởng quá lớn tới việc khám, chữa bệnh cho người dân.

Nguyên nhân là thông thường, khi bệnh viện bị phong tỏa, các bệnh nhân sẽ được điều trị an toàn bên trong với đầy đủ bác sĩ, điều dưỡng. Với những bệnh nhân mới hoặc có diễn biến nặng không thể được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, các cơ sở y tế khác trên địa bàn thành phố vẫn có thể tiếp nhận và điều trị bình thường.

“Tuy nhiên, 22 nhân viên mắc Covid-19 sẽ là tiếng chuông cảnh báo tất cả cơ sở y tế tại TP.HCM cũng như cả nước”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân dẫn đến các ca mắc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đến nay được xác định là từ các nhân viên y tế nhiễm virus ở vùng có dịch mang vào bệnh viện. Do đó, bản thân các cán bộ, nhân viên làm việc trong bệnh viện phải nhận thức được công việc của mình, từ đó hạn chế việc đi lại, tiếp xúc.

Trong ngày 12/5, Sở Y tế TP.HCM cũng đã gửi công văn hỏa tốc tới toàn bộ bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn, yêu cầu các nhân viên y tế sau khi kết thúc công việc chỉ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Đồng thời, những người này cũng không được tụ tập bạn bè, người thân không ở cùng gia đình để sinh hoạt, ăn uống hay đến nơi đông người khi không thực sự cần thiết.

Về phía bệnh viện, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng cần ưu tiên khoanh vùng, xét nghiệm và đảm bảo an toàn cho tất cả người có khả năng vào trong cơ sở y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng hay thậm chí là bảo vệ, lao công, nhân viên căng-tin...

“Khi một nhân viên của bệnh viện trú tại vùng có dịch, không nhất thiết phải chính xác trong một hẻm hay đường, chúng ta vẫn phải ưu tiên bảo đảm an toàn và xét nghiệm sớm cho họ. Với nhân viên y tế, chúng ta phải khoanh vùng xét nghiệm trên phạm vi rộng hơn, tránh tình trạng đuổi theo sự lây lan của virus”, bác sĩ Khanh nói.

Bộ Y tế cần hỗ trợ TP.HCM về chiến lược


Vừa qua, với sự hỗ trợ và những chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Y tế, đến nay, Bắc Giang và Bắc Ninh đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch. Tuy nhiên, tại TP.HCM, các giải pháp cứng rắn đến nay chủ yếu vẫn đến từ quyết định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Trước tình hình đó, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định TP.HCM hiện cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế về chuyên môn hoặc kết nối để thành phố có điều kiện cung cấp vaccine cũng như chủ động về nguồn lực.

Cụ thể, theo vị chuyên gia này, thành phố cần hỗ trợ, tư vấn về phương pháp khoanh vùng, dập dịch, truy vết và xử lý các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, dựa trên tình hình cụ thể, Bộ Y tế cũng có thể đề nghị các cơ quan chuyên môn đầu ngành về dịch tễ học, phòng, chống dịch bệnh của Trung ương trên địa bàn như Viện Pasteur TP.HCM, Viện Y tế Công cộng TP.HCM phối hợp với trung tâm kiểm soát dịch bệnh, sở y tế tư vấn chuyên môn cho thành phố.

Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy với vai trò là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương cũng có thể phối hợp với TP.HCM thông qua công tác điều trị để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng khẳng định: “Hiện nay, nếu nói TP.HCM không đáp ứng về mặt con người là chưa đúng. Để hỗ trợ thành phố kiểm soát dịch, chiến lược giải quyết vấn đề mới là điều quan trọng”.

Theo bác sĩ này, Bộ Y tế có thể hỗ trợ TP.HCM về công tác xét nghiệm nhanh, mở rộng phạm vi sàng lọc, qua đó truy vết bằng được các “F0 lang thang”, những ca nhiễm tồn tại trong cộng đồng.

 

Từ ngày 27/4 đến sáng 13/6, tổng số bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM là 719 người, xếp thứ 3 tại Việt Nam, sau Bắc Giang và Bắc Ninh. Đặc biệt, ngày 12/6, TP.HCM ghi nhận 84 ca mắc Covid-19 mới, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát đến nay.

Thành phố đang đối mặt chùm ca bệnh liên quan các F0 ngoài cộng đồng, được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Đến nay, tổng số F0 thuộc trường hợp này là 65 người. Ngoài ra, ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng tiếp tục ghi nhận thêm người mắc. Tuy nhiên, họ đều ở khu cách ly, vùng phong tỏa.

Thành phố đang điều trị cho tổng cộng 736 trường hợp, trong đó, 11 người có diễn biến rất nặng, 3 trường hợp được can thiệp ECMO.

 

Quốc Toàn

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.