Chuyên mục
Xung đột Nga-Ukraine 'đổ thêm dầu' vào 'lửa lạm phát', mọi ngóc ngách ở châu Âu đứng ngồi không yên

Xung đột Nga-Ukraine 'đổ thêm dầu' vào 'lửa lạm phát', mọi ngóc ngách ở châu Âu đứng ngồi không yên

Thứ hai 03/10/2022 13:56 GMT + 7

Xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng, lương thực tăng chóng mặt, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các nước châu Âu đối mặt với lạm phát tăng cao kỷ lục. “Chỉ mặt, vạch tên” và tìm giải pháp đối phó, liệu châu lục này có rơi vào suy thoái?

 

Xung đột Nga-Ukraine góp phần khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt, lạm phát tại Eurozone cao kỷ lục. (Nguồn: Euronews)

 

Lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục. Eurostat - Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) nhận định, lạm phát tại Eurozone có thể lên tới mức 10% trong tháng 9/2022, tăng so với mức 9,1% của tháng trước đó.

Nước nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất?


Thống kê sơ bộ cho thấy, trong tháng 9, giá thực phẩm, rượu, thuốc lá, hàng hóa công nghiệp phi năng lượng và dịch vụ tại châu lục này đều tăng vọt, có thể lên hơn 11%.

Đặc biệt, Eurostat ước tính, trong tháng 9, tỷ lệ lạm phát năng lượng tại EU ở mức 40,8%, tăng hơn 2 điểm phần trăm so với mức 38,6% của tháng 8.

Trong đó, các nước Baltic tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Estonia đang trải qua mức lạm phát cao nhất Eurozone khi tăng lên 24,2% vào tháng 9/2022 so với 6,4% cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát ở Latvia và Lithuania cũng lần lượt ở mức 22,4% và 22,5%.

Hà Lan chứng kiến mức tăng giá hằng tháng lớn nhất, từ 13,7% trong tháng 8 lên 17,1% vào tháng 9.

Trong số 19 nước thuộc Eurozone, có 10 nước ghi nhận tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 ở mức 2 con số, gồm cả Đức - nền kinh tế đầu tàu châu lục. Theo đó, lạm phát tại quốc gia này trong tháng 9/2022 ở mức 10,9% - con số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1951.

Trong một diễn biến khác, ngày 17/8, Cơ quan thống kê quốc gia (ONS) Vương quốc Anh công bố báo cáo cho biết, tỷ lệ lạm phát ở nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm (từ 1982), ở mốc 10,1% vào tháng 7/2022.

Theo ONS, giá lương thực tăng là yếu tố đóng góp lớn nhất vào tỷ lệ lạm phát hằng năm trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay.

Giới chuyên gia nhận định, lạm phát tại Eurozone đã tăng lên 7,4% vào tháng 4, khi người dân châu Âu tiếp tục chứng kiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Nguyên nhân phần lớn là do xung đột Nga-Ukraine.

Mọi ngóc ngách của lục địa này đều đang phải đối mặt với giá cả tăng cao, đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 tiếp tục bị cản trở.

Là quốc gia châu Âu và đang đối mặt với “trùng điệp” lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao hai con số, ghi nhận ở mức 15,1% trong tháng 7, giảm từ 17,1% trong tháng 5.

Làm gì để đối phó lạm phát?


Theo “bước chân” của các đối tác ở nhiều khu vực khác trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhằm đối phó với “cơn gió ngược” mang tên “lạm phát”, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm vào ngày 21/7/2022.

Tới ngày 8/9, ECB tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% lên 1,25%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu (Euro) được đưa vào sử dụng 20 năm trước.

Ngân hàng này cũng để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới nếu lạm phát không được hạ nhiệt.

 

Động thái trên đặt ra câu hỏi rằng, liệu việc vội vàng tăng lãi suất có khiến các nền kinh tế lớn tại châu lục rơi vào suy thoái hay không, đặc biệt trong bối cảnh giá lương thực, nhiên liệu và mọi thứ đều tăng phi mã?

Trước đó, trong tuần đầu tiên của tháng 9, các Bộ trưởng năng lượng của EU đã đạt được thỏa thuận nhằm kiềm chế giá điện tăng cao.

Cụ thể, các quan chức đã ủng hộ kế hoạch về giới hạn giá (giá trần) đối với tất cả khí đốt nhập khẩu và đánh thuế đối với phần siêu lợi nhuận mà các công ty năng lượng hưởng lợi do giá điện tăng cao.

Tại châu Âu, giá điện bán buôn tăng mạnh do được gắn với giá khí đốt tự nhiên và xu hướng này diễn ra bất kể điện được sản xuất bằng khí đốt hay không.

Trong cuộc họp hôm 9/9, EU đã nhất trí về 4 giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng gồm: Thống nhất về mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện, can thiệp tạm thời và khẩn cấp vào thị trường khí đốt, đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) trình bày các biện pháp để điều phối việc giảm nhu cầu điện trên toàn EU, đặc biệt trong giờ cao điểm và giúp giải quyết các vấn đề thanh khoản trên các thị trường năng lượng.

Truy tìm “thủ phạm”


Châu Âu và hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng tăng vọt, yếu tố góp phần gây ra lạm phát, ngay từ trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng Hai.

Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng do làm dấy lên lo ngại toàn cầu rằng, nó có thể dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung cấp dầu và khí đốt từ Moscow.

 

Những năm gần đây, Moscow là nhà cung cấp dầu, khí đốt tự nhiên và than đá hàng đầu của EU, chiếm khoảng 1/4 sản lượng năng lượng của nước này.

Lệnh cấm của EU đối với than từ Nga có hiệu lực vào tháng 8. Các nước thuộc Liên minh này cũng đang nỗ lực giảm 2/3 nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên của Nga trong năm nay.

Trong khi đó, giá của nhiều mặt hàng quan trọng, bao gồm cả thực phẩm, đã tăng kể từ khi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan lần đầu tiên, được áp dụng cách đây hai năm. Điều này đã làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xung đột ở Ukraine như “đổ thêm dầu vào lửa”, làm xấu triển vọng phục hồi hậu Covid-19, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

Nga và Ukraine là nhà cung cấp lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương hàng đầu thế giới, chiếm gần một phần ba sản lượng lúa mì, lúa mạch toàn cầu, 2/3 lượng dầu hướng dương.

Ngoài ra, Ukraine cũng là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới.

 

HẢI AN

Nguồn: baoquocte.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.