Chuyên mục
Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh của đội ngũ bác sĩ, y tá Nga trong cuộc chiến chống virus corona

Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh của đội ngũ bác sĩ, y tá Nga trong cuộc chiến chống virus corona

Thứ năm 28/05/2020 12:37 GMT + 7

Đại dịch Covid-19 trong hơn 2 tháng đã làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết tất cả những người dân ở Nga. Tình trạng bệnh viện bị quá tải, nhiều y bác sĩ phải làm việc tăng ca trong điều kiện áp lực cao và có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết các y bác sĩ Nga nhiều nơi dù là làm việc ở các chuyên môn khác nhau đã không quản ngại khó khăn sẵn sàng tham gia vào tuyến đầu chống dịch Covid-19, có những người tham gia bộ phận cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân, có những người trực tiếp tham gia điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân Covid-19. Nhiều người trong số họ đã bị lây nhiễm Covid-19 và không qua khỏi. Nước Nga đã có hàng trăm bác sĩ là những người có chuyên môn giỏi, tận tình với bệnh nhân nhưng đã bị dịch bệnh cướp đi sinh mạng. Họ mãi mãi không còn quay trở về được với gia đình, người thân và không còn được tiếp tục làm việc với những đồng nghiệp của mình khi đại dịch qua đi.

 

BBT Baonga.com xin được chia sẻ bài viết của tác giả Chu Thị Hồng Hạnh là một câu chuyện có thật của người Việt Nam sinh sống ở Nga, đã từng được các y bác sĩ Nga tận tình cứu chữa khi mắc bệnh nặng. Nhiều người Việt Nam luôn khâm phục và biết ơn tình cảm, sự chu đáo, tận tình của đội ngũ y bác sĩ Nga đã dành cho họ khi họ ở trong bệnh viện và nay trước những thông báo về sự ra đi của nhiều y bác sĩ Nga, trong sâu thẳm nhiều người Việt Nam cảm thấy thật đau xót và tiếc nuối cho những người đang ở độ tuổi vàng nghề y.

 

Ngày 3 tháng 10 năm 2019 tôi đưa con gái sang Nga nhập học. Ngày hôm đó Mátxcơva đẹp lạ lùng, nắng vàng ươm chiếu sáng rực rỡ trên những bụi cây đã ngả sang màu vàng, màu đỏ thẫm. Những ngày tiếp theo đó mưa gió não nề, ban đêm chỉ nghe thấy tiếng gió nỉ non ngoài cửa sổ, sáng ra đã thấy lá vàng vun thành một đống dưới gốc cây. Vì bận rộn lo sửa phòng ký túc xá cho con nên gần đến ngày về Việt Nam hai mẹ con mới tới nhà vợ chồng T. - L. chơi được. Trong khi L. luôn tay dưới bếp thì tôi ngồi nói chuyện với T., tôi nói em hơi gầy thì em nói:


- Em mới chết hụt đấy chị ơi, không có các bác sĩ Nga thì em xong đời rồi.


Xong em vén áo lên. Một vết sẹo như con rết to chạy ngoằn ngoèo trên ngực em. Em kể vì mẹ em mới mất không lâu nên em về Việt Nam liên tục, sang Nga một thời gian tự nhiên em sốt cao không ngừng, người dần lả đi, không nói được nữa. Vợ em đưa em đến bệnh viện tư nhưng các bác sĩ ở đó khuyên vợ em đưa em vào ngay bệnh viện công vì lúc đó em sốt cao 39,5 độ lại không rõ nguyên nhân nếu ở bệnh viện tư làm các xét nghiệm thì chờ lâu, nằm lại thì chi phí tốn kém trong khi đó nếu bị sốt như vậy và không rõ nguyên nhân, người nhà có bảo hiểm y tế là có thể gọi 03 đến để kiểm tra, họ có thể đưa vào bệnh viện công, các bác sĩ rất giỏi và điều trị hoàn toàn miễn phí.


Vợ em lúc nói chuyện với các bác sĩ 03 đã trình bày và xin cho em được nhập viện, viện nào cũng được, nhà chỉ có 4 mẹ con, đêm hôm có chuyện gì xảy ra thì trở tay không kịp. Cuối cùng họ cũng đồng ý đưa em vào bệnh viện số 02. Ngay ngày hôm sau bác sĩ đưa cho em xem phim chụp và giải thích là em bị con amip ăn vào gan và gan đã có rất nhiều mủ. Ông bác sĩ rất tốt, ông ấy an ủi em là chắc chỉ mổ nội soi thôi nhưng vì bệnh viện số 2 là bệnh viện truyền nhiễm không có khoa phẫu thuật nên họ lại chuyển tiếp em sang bệnh viện số 36. 

 

Trường hợp nhà em cũng may là hôm đó vợ em nói với bác sĩ 03 là bằng mọi giá phải đưa em vào nhập viện vì trong đó có máy móc thiết bị và những người có chuyên môn kiểm tra mới ra được bệnh, phát hiện sớm thì còn biết đường để điều trị sớm. Bác sĩ 03 ban đầu thấy em cũng không có tiền sử bệnh gì, không bị đau mà bị hiện tượng cúm vào đúng mùa cúm nên họ chỉ chuẩn đoán sơ bộ là sốt virus và có thể điều trị ở nhà. Nghĩ lại mà vẫn thấy may chị ạ, qua lần này em rút ra kinh nghiệm là khi sốt đã khám và uống thuốc 3 ngày không tiến triển tốt thì tốt nhất nên cố gắng xin nhập viện, sớm được ngày nào hay ngày đó, tránh được những biến chứng khó lường hoặc bị muộn.

 

Gần 3 tháng điều trị ở bệnh viện sau khi mổ là một khoảng thời gian mà em và vợ em sẽ không bao giờ quên được. Chị biết đấy việc em mổ như này cơ bản là thành công nhưng sau cũng còn nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở đây các y bác sĩ họ sống với nghề nghiệp và yêu nghề kinh khủng. Gần như mình có cảm nhận là được người nhà mình chăm sóc, nhất là những lúc vợ không bên cạnh (ở bên Nga cả quá trình 03 đến tiếp nhận bệnh nhân, khám và đưa điều vào viện họ đều thực hiện mà không yêu cầu người nhà phải vào cùng, trong bệnh viện tất cả chăn ga gối, đồ ăn thức uống họ đều lo cho hết. Bị bệnh gì thì họ đưa đến bệnh viện phù hợp và tại đó các y bác sĩ sẽ làm các công việc của họ). Thời gian điều trị sau mổ vất lắm chị ạ, nhưng cũng may cái là bị làm sao bác sĩ họ có mặt kiểm tra và xử lý ngay, còn nếu gặp tình huống không phải chuyên môn họ có thể gọi bác sĩ chuyên môn từ khoa khác trong bệnh viện đến hỗ trợ. Nhà em thật sự cảm phục vô cùng những bác sĩ Nga trong thời gian này đã làm mọi thứ để giúp em có thể bình phục trở về nhà. 

 

Những ngày nằm điều trị ở bệnh viện của T. cả 2 vợ chồng đã trải qua nhiều cảm xúc, có những lúc mong mỏi vô cùng làm sao sớm được trở về nhà với các con.

 

Một khoảnh khắc hiếm hoi mà người em gái đến thăm chụp được.


Các bà người Nga làm ở bộ phận bếp của bệnh viện thương em lắm, toàn gọi là con trai rồi động viên em ăn uống nhưng mà người em cứ lả đi, chả thiết ăn gì. Em nhập viện vào chiều thứ Năm và chuyển viện vào sáng thứ Hai. Đến sáng thứ Ba có một đoàn rất đông bác sỹ, y tá và cả sinh viên thực tập nữa đến khám cho em. Em gọi điện báo cho vợ là họ sắp mổ cho anh rồi. Vợ em chạy hộc tốc vào bệnh viện gặp ông trưởng khoa (là bác sĩ mổ chính), ông ấy tầm 60 tuổi, rất nhanh nhẹn, ông ấy an ủi nói vợ em yên tâm, nhiệm vụ của ông ấy là cứu người, ông ấy sẽ cố gắng hết sức.Vợ em có hỏi tình trạng bệnh của em thì ông ấy nói gan bị tổn thương nặng lắm nhưng ông ấy chắc chắn là ca mổ sẽ thành công khoảng 70%. Vợ em khóc quá trời, các bác sĩ đi qua ai cũng vỗ vai, động viên, an ủi nó mới nguôi ngoai. Ông ấy và kíp mổ phải thực hiện 2 ca mổ trong 2 ngày liên tiếp, ngày đầu 4 tiếng nạo hút mủ, đắp thuốc, đắp gạc và cầm máu. Ngày thứ 2 thêm 2,5 tiếng nữa để xem vết thương đã cầm được máu chưa, kiểm tra lại vết thương. Bác sĩ nói nếu lần thứ 2 này mà vết thương trong gan chưa được tốt thì 1 tuần sau lại mổ tiếp. Nhưng rất may là chỉ phải mổ 2 lần. Em phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt 10 ngày, sau đó nằm viện 3 tháng nữa. Con amip chắc lúc em về Việt Nam bị nhiễm chị ạ! Ngày ngày các bác sĩ y tá chăm sóc cực kỳ chu đáo. Hộ lý họ gượng nhẹ từng chút một, tắm khô, thay băng cho em.

Tôi hỏi:


- Viện phí hết bao nhiêu hả em?


- Không mất đồng nào chị à, vợ chồng em có thẻ cư trú ở đây và có thẻ bảo hiểm y tế, mà người Việt mình cứ có bệnh là vào viện được chữa miễn phí. Người Nga tốt lắm chị ơi.

Đến bữa ăn bốn bố con ngồi một hàng thân thiết bên nhau. L. vừa nhúng thịt, cá, nấm liên tục cho chồng con và khách vừa nói:


- An sinh xã hội ở Nga tốt lắm chị à, mặc dù bị cấm vận, kinh tế đi xuống nhiều nhưng khi em sinh cháu thứ 3, cháu được nhà nước cho uống sữa miễn phí đến 4 tuổi rồi đó, vì nhà có 3 con nên cả nhà em đi khắp Mátxcơva trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng chả mất đồng nào. Còn y tế Nga thì tốt thôi rồi, giờ cao điểm mà có bệnh nhân cấp cứu họ sẵn sàng lấy trực thăng đưa đến bệnh viện cho nhanh.


Tôi rất ấn tượng trước cảnh gia đình hạnh phúc của các em. L. rất xinh đẹp, đảm đang, tháo vát. T. cưng chiều con hết mực.


Khi hai mẹ con xuống đường chờ xe để về, trong lúc lái xe gọi tới hỏi địa chỉ, một cặp vợ chồng người Nga đang đẩy xe nôi ngay bên cạnh đã cầm máy giải thích đường đi rất tận tình cho lái xe. Anh chồng rất hiền cười:


Chị là khách nhà L.-T. phải không? L. làm bánh ngon lắm, chúng tôi là hàng xóm của họ.


Giờ đây cứ mỗi ngày đọc bản tin thấy đăng các bác sĩ giỏi của Nga ra đi vì virus corona mà lòng tôi đau đớn quá. Các bác sỹ ra đi phần nhiều trong độ tuổi từ 40 đến 65 là độ tuổi vàng của những người làm khoa học. Nhờ có sự hy sinh quên mình của họ mà tỉ lệ tử vong của Nga thấp nhất thế giới mặc dù các ca lây nhiễm đứng thứ hai, thứ ba thế giới. Tôi có dặn con gái xem ở Nga có tổ chức nào quyên góp ủng hộ gia đình các bác sĩ đã hy sinh thì con nhớ chuyển tiền trợ giúp, còn ở Việt Nam mẹ và các cô các bác cũng đóng góp gửi đến Tổng lãnh sự quán Nga. Nước Nga - Tổ Quốc thứ hai của tôi ơi! cầu mong người vững vàng vượt qua đại dịch này, cầu chúc cho các bác sĩ những điều tốt lành nhất!

 

Tác giả: Chu Thị Hồng Hạnh


Nguồn: Baonga.com
41 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.