Chuyên mục
Vụ máy bay Ryanair bị Belarus ép hạ cánh: Thổi bùng khủng hoảng hàng không quốc tế?

Vụ máy bay Ryanair bị Belarus ép hạ cánh: Thổi bùng khủng hoảng hàng không quốc tế?

Thứ tư 26/05/2021 15:59 GMT + 7

Hàng không toàn cầu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều năm sau vụ Belarus buộc máy bay Ryanair (Ireland) hạ cánh đang 'gây bão'.

 

Ryanair cho biết các kiểm soát viên Belarus đã nói với các phi công rằng có một mối đe dọa đánh bom nhằm vào máy bay này và ra lệnh cho họ hạ cánh xuống Minsk. (Nguồn: AP)


Chuyến bay FR4978 của hãng hàng không Ryanair, khởi hành từ Athens (Hy Lạp) tới thủ đô Vilnius (Lithuania) hôm 23/5, khi bay đến không phận Belarus, cách biên giới Lithuania 10km đã buộc phải chuyển hướng hạ cánh tại thủ đô Minsk của Belarus.

Chuyến bay "gặp bão"


Ryanair cho biết, các kiểm soát viên Belarus đã nói với các phi công rằng có một mối đe dọa đánh bom nhằm vào máy bay này và ra lệnh cho họ hạ cánh xuống Minsk. Quân đội Belarus đã điều khiển máy bay chiến đấu MiG-29 nhằm mục đích thúc giục phi hành đoàn tuân thủ mệnh lệnh của kiểm soát viên chuyến bay.

Khi máy bay hạ cánh, các nhân viên an ninh Belarus đã bắt giữ nhà báo Raman Pratasevich, người điều hành Nexta Live - kênh thông tin dựa trên ứng dụng nhắn tin Telegram từng giúp tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống lại Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Đồng thời, các nhân viên an ninh cũng đưa bạn gái người Nga của ông Pratasevich là Sofia Sapega, sinh viên đại học ở Vilnius, ra khỏi máy bay.

Sau đó, các mật vụ cùng chó nghiệp vụ đã kiểm tra máy bay và hành lý của hành khách, cho phép chuyến bay tiếp tục đến Vilnius vài giờ sau đó. Giám đốc điều hành của Ryanair Michael O’Leary mô tả động thái này giống như một “vụ không tặc do nhà nước bảo trợ”.

Ông Pratasevich, nhà hoạt động và nhà báo 26 tuổi, đã rời Belarus năm 2019 và đối mặt với cáo buộc kích động bạo loạn. Ông là một blogger, đồng sáng lập và biên tập viên của Nexta Live, tham gia chính vào việc tổ chức các cuộc biểu tình ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 8/2020.

Pratasevich bị buộc tội kích động bạo loạn và đối mặt với 15 năm tù nếu bị kết án. Tuy nhiên, cơ quan an ninh nhà nước Belarus, hiện vẫn hoạt động với tên gọi KGB từ thời Liên Xô, cũng đã đưa nhân vật này vào danh sách những người bị tình nghi liên quan đến khủng bố, một dấu hiệu cho thấy ông này có thể phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng hơn.

Tại Belarus, những người bị kết án khủng bố có thể bị tử hình. Hiện Belarus là quốc gia duy nhất ở châu Âu vẫn duy trì hình phạt tử hình.

 


Nhà báo Belarus Roman Protasevich. (Nguồn: Reuters)

 

Các nước phương Tây phản ứng


Một số hãng hàng không châu Âu ngay lập tức bắt đầu né tránh không phận Belarus, một hành lang quan trọng giữa Tây Âu với Moscow và là tuyến đường cho các chuyến bay đường dài giữa Tây Âu và châu Á.

Ông Michael O’Leary nói với đài phát thanh Newstalk của Ireland: "Chúng tôi, giống như tất cả các hãng hàng không châu Âu, đang tìm kiếm hướng dẫn từ các nhà chức trách châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Các hãng hàng không khác, bao gồm cả các hãng vận tải Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục bay qua Belarus, nơi tính phí khi máy bay bay qua không phận của họ. Theo một quan chức Belarus, mỗi chuyến bay mang lại cho Minsk doanh thu khoảng 500 USD, với nguồn thu lên tới hàng triệu USD mỗi năm.

Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) cho biết họ đã thông báo cho 31 quốc gia thành viên về vụ việc và một nguồn tin cho biết cơ quan này đã khuyến nghị nên "thận trọng" đối với Belarus.

Phép thử với hệ thống hàng không toàn cầu


Các chuyên gia hàng không cho rằng hệ thống hợp tác kéo dài nhiều thập kỷ qua đang phải đối mặt với một phép thử quan trọng trong bối cảnh căng thẳng Đông-Tây Âu.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên hợp quốc (ICAO) cho biết, sự cố này đi ngược lại thỏa thuận hàng không cốt lõi - Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế, còn gọi là Công ước Chicago, một phần của trật tự quốc tế được tạo ra sau Thế chiến II.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những lời kêu gọi của một số chính trị gia phương Tây về việc đóng cửa hoàn toàn không phận Belarus sẽ đối mặt với những trở ngại khó khăn. Theo các quy tắc toàn cầu, ICAO hay bất kỳ quốc gia nào không thể đóng cửa không phận của nước khác, nhưng một số quốc gia (chẳng hạn như Mỹ) có quyền yêu cầu các hãng hàng không của họ không bay đến đó.

Các hãng hàng không toàn cầu đã lên án bất kỳ sự can thiệp bất hợp pháp nào. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, đơn vị đại diện cho khoảng 280 hãng hàng không, khẳng định: "Một cuộc điều tra đầy đủ của các cơ quan quốc tế có thẩm quyền là rất cần thiết”.

Tuy nhiên, Ryanair không phải là thành viên của hiệp hội này, hiện vẫn chưa rõ liệu một cuộc điều tra có thể được tổ chức ra sao.

Mặc dù được điều phối ở cấp quốc gia và được hỗ trợ bởi các quy tắc hài hòa để duy trì bầu trời an toàn, nhưng ngành hàng không thế giới đang thiếu cơ quan “cảnh sát” để tránh những tranh chấp liên tục về chủ quyền không phận.

 


ICAO cho biết sự cố máy bay Ryanair đi ngược lại thỏa thuận hàng không cốt lõi. (Nguồn: Pravda)

 

Mặc dù không có quyền quản lý nhưng ICAO nằm ở trung tâm hệ thống các tiêu chuẩn an toàn và bảo mật, có thể vượt qua các rào cản chính trị nhưng để đi đến đồng thuận sẽ mất nhiều thời gian. Các quy tắc của ICAO được giám sát bởi 193 thành viên, bao gồm cả Belarus, thông qua cơ quan có trụ sở tại Montreal (Canada).

Về phần mình, Belarus khẳng định cảnh báo được đưa ra từ kiểm soát viên chuyến bay không phải là một trò lừa bịp và là "khuyến nghị" cho các phi công Ryanair.

Trong khi đó, Nga cáo buộc phương Tây hành xử “đạo đức giả” khi viện dẫn trường hợp máy bay của Tổng thống Bolivia buộc phải hạ cánh xuống Áo vào năm 2013 hoặc một máy bay của Belarus được lệnh hạ cánh ở Ukraine ba năm sau đó.

Năm 2013, Bolivia cho biết máy bay của Tổng thống Evo Morales đã bị chuyển hướng vì những nghi ngờ rằng cựu nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden, người bị Washington truy nã vì tiết lộ bí mật chi tiết về các hoạt động giám sát của Mỹ, đã có mặt trên máy bay đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không cho biết, các quyền tự do mở rộng cho các hãng hàng không dân sự không áp dụng cho chuyên cơ chở tổng thống hoặc máy bay của nhà nước, vốn cần sự cho phép đặc biệt để vào không phận của quốc gia khác.

Sau đó, các nước châu Âu đã xin lỗi khi máy bay của Tổng thống Bolivia buộc phải hạ cánh ở Vienna (Áo) và thực tế đối tượng Snowden không có mặt trên máy bay.

Sự cố năm 2016 với hãng vận tải quốc gia Belarus Belavia cũng tương tự và Ukraine cũng phải bồi thường.

Theo Công ước Chicago năm 1944, mỗi quốc gia có chủ quyền đối với vùng trời của mình, mặc dù Công ước cũng cấm việc sử dụng hàng không dân dụng gây nguy hiểm cho sự an toàn.

Tuy nhiên, quyền được bay qua các quốc gia khác được bao hàm trong một hiệp ước được gọi là Hiệp định Vận chuyển Dịch vụ Hàng không Quốc tế mà Belarus không phải là thành viên.

Một hiệp ước năm 1971 khác mà Belarus là thành viên đã quy định việc chiếm giữ máy bay hoặc cố ý truyền đạt thông tin sai lệch theo cách gây nguy hiểm cho sự an toàn của máy bay là vi phạm pháp luật.

 

Hoài Minh

(theo Reuters,AP)

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.