Chuyên mục
Vì sao không viện trợ vũ khí cho Ukraine?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Vì sao không viện trợ vũ khí cho Ukraine?

Thứ ba 10/02/2015 04:56 GMT + 7
Tổng thống Ukraine chấp nhận ngừng bắn nhưng ngừng bắn vô điều kiện.

Tạp chí Expert của Nga phân tích hiện nay chiến sự ở miền Đông Ukraine đang nghiêng phần thắng về lực lượng ly khai và Ukraine đã kêu gọi tổng động viên nhưng nhiều người đào ngũ. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã quay sang phương Tây cầu viện vũ khí nhưng không thành công.

Các nước châu Âu thẳng thừng từ chối trong khi Mỹ vẫn giữ thái độ hết sức ỡm ờ.

Tại Mỹ, một nhóm nghị sĩ của cả hai đảng dân chủ và cộng hòa đã gây sức ép để Tổng thống Obama đồng ý viện trợ vũ khí cho Ukraine. Trong số này có thượng nghị sĩ John McCain. Ông này còn chỉ trích tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đi vận động cho sáng kiến hòa bình Ukraine ở Ukraine và Nga.

GS Dominique Colas thuộc ĐH Khoa học chính trị ở Paris (Pháp) giải thích nếu Tổng thống Obama muốn cung cấp vũ khí cho Ukraine thì chắc chắn sẽ được toại nguyện.

Lý do: Đảng Cộng hòa tỏ thái độ thù địch với Nga hơn đảng Dân chủ, do đó trong lúc đảng Cộng hòa đang kiểm soát Quốc hội thì Quốc hội sẽ ủng hộ ngay đề nghị của tổng thống.
 
Người dân tản cư khỏi Uglegorsk (miền Đông Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiều ý kiến bênh vực Ukraine cho rằng cung cấp vũ khí cho Ukraine là giải pháp duy nhất kết thúc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Chuyên gia Oleksiy Melnyk ở Trung tâm nghiên cứu Razumkov tại Kiev (Ukraine) giải thích cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm gia tăng sức mạnh của quân đội Ukraine thì mới có thể kéo giảm thương vong của binh sĩ cũng như của dân thường.

Nhiều ý kiến khác lại lo ngại nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine, nguy cơ chiến tranh tổng lực giữa phương Tây và Nga sẽ gia tăng.

Theo tạp chí Expert, Mỹ chưa vội cung cấp vũ khí cho Ukraine vì:

- Cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ thúc đẩy leo thang xung đột ở miền Đông và phá hoại tiến trình đàm phán hòa bình (ví dụ như sáng kiến hòa bình Pháp-Đức vừa đưa ra).

- Cung cấp vũ khí cho Ukraine đi ngược với lợi ích của Mỹ và châu Âu cho dù lợi ích của Mỹ và châu Âu khác nhau. Châu Âu muốn đóng băng xung đột, còn Mỹ muốn giữ xung đột ở cường độ thấp.

Như Nhà Trắng tuyên bố hồi đầu tháng 2, Mỹ sẽ tiếp tục chính sách cô lập Nga nhằm gây sức ép để Nga phải thay đổi chiến lược về Ukraine.

Nhà Trắng nhận định hiện nay chính sách cô lập Nga đã mang lại hiệu quả, kinh tế Nga đã thất điên bát đảo như đồng rúp xuống giá, chỉ số tín nhiệm tín dụng của Nga bị đánh giá tụt hạng.

Về phía Nga, nếu Mỹ cương quyết viện trợ cho Ukraine vũ khí sát thương, Nga bắt buộc sẽ tiến hành bước “tái cân bằng hỏa lực của các bên” trên chiến trường miền Đông Ukraine.

Lúc bấy giờ chiến tranh nóng sẽ bùng nổ tại Ukraine và cuộc chiến đó không đem lại lợi lộc cho ai, trừ chính quyền Ukraine.

Thật ra cung cấp vũ khí cho Ukraine không phải là điều đơn giản.

Quân đội Ukraine nhận vũ khí xong thì còn phải học cách sử dụng các loại vũ khí hiện đại như thiết bị gây nhiễu.

Điều này rất mất thời gian trong khi trình độ chuyên nghiệp của quân đội Ukraine không cao. Không khéo vũ khí hiện đại lại rơi vào tay lực lượng ly khai thì “gậy ông sẽ đập lưng ông”.

Hy vọng hội nghị thượng đỉnh ngày 11-2 ở Minsk

Pháp và Đức đang tích cực chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ở Minsk (Belarus) vào ngày 11-2 tới với Nga và Ukraine đồng thời nuôi hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột đẫm máu ở miền Đông Ukraine. Ngày 9-2 (giờ địa phương), các nhà ngoại giao Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Berlin (Đức) để thảo luận nội dung kế hoạch hòa bình ở Ukraine (sẽ trình ở hội nghị thượng đỉnh bốn bên ở Minsk ngày 11-2).

AFP dẫn nguồn từ một quan chức (giấu tên) của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ kế hoạch hòa bình Pháp-Đức quy định trao quyền tự trị lớn hơn cho các vùng do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Pháp François Hollande cho biết kế hoạch hòa bình Pháp-Đức sẽ quy định đường phân giới căn cứ theo giới tuyến mặt trận hiện tại và vùng phi quân sự sẽ có chiều rộng 50-70 km.

Báo chí Pháp ghi nhận còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ như các vùng lãnh thổ hoạt động theo quy chế nào, công tác kiểm soát ở đường phân giới, công tác rút vũ khí hạng nặng.

Tổng thống Nga Putin đã thông báo với Tổng thống nước chủ nhà hội nghị Alexander Lukashenko rằng từ giờ đến ngày hội nghị, các bên còn phải nhất trí một số điểm bất đồng về kế hoạch hòa bình ở Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã hy vọng các quyết định quan trọng sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Minsk ngày 11-2.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mong muốn hội nghị thượng đỉnh ở Minsk đạt được ngừng bắn ngay tức khắc và vô điều kiện. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố điều mà Pháp và Đức tìm kiếm ở Ukraine không phải là hòa bình trên giấy mà là hòa bình thực sự trên chiến trường. Ông nhấn mạnh: “Không ai muốn bị bẫy trong chiến tranh tổng lực”.

Hai ngày trước hội nghị thượng đỉnh bốn bên ở Minsk, ngày 9-2, Tổng thống Nga Putin đã trả lời báo Al Ahram của Ai Cập trong chuyến thăm chính thức Ai Cập trong hai ngày. Ông đánh giá Ukraine phải chấm dứt chiến dịch hành quân ở miền Đông Ukraine và ngừng gây sức ép về kinh tế đối với các khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát. Ông nhấn mạnh khủng hoảng Ukraine sẽ tiếp tục chừng nào người Ukraine chưa thỏa thuận được với nhau và chừng nào chưa chấm dứt chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine.

Tình hình đang nghiêm trọng tại Ukraine… Chiến tranh đã ở biên giới châu Âu, chỉ cách vài giờ bay… Pháp sẽ không cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine. Mỹ đã dự kiến điều này nhưng hoãn lại để trao cơ hội cho kế hoạch hòa bình Pháp-Đức.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp JEAN-YVES LE DRIAN
trả lời đài truyền hình Pháp Europe1 ngày 8-2

Hoàng Duy
Nguồn: Pháp luật
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.