Chuyên mục
Úc cảnh giác trước sự hiện diện của Trung Quốc ở ''sân sau''

Úc cảnh giác trước sự hiện diện của Trung Quốc ở ''sân sau''

Thứ sáu 25/03/2022 18:49 GMT + 7

Bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm thiết lập căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon đều sẽ được theo dõi chặt chẽ, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho biết sau thông tin rò rỉ trên mạng về dự thảo an ninh giữa Bắc Kinh và Honiara.


Hãng tin AFP cho biết, Trung Quốc dựa trên “thỏa thuận khung” được phép điều hải quân và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tới Solomon, quốc gia đang vật lộn với bất ổn chính trị - xã hội. Cảnh sát có vũ trang và quân đội Trung Quốc cũng có thể triển khai theo yêu cầu của chính quyền quần đảo Thái Bình Dương để duy trì “trật tự xã hội”, bên cạnh bảo vệ các nhân viên Trung Quốc và những dự án lớn tại đây.

 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và người đồng cấp Solomon Sogavare. Ảnh: Getty Images.

 
Xác nhận với Hãng tin Reuters, một quan chức Chính phủ Solomon cho biết hiệp ước an ninh với Trung Quốc sẽ phải được đưa ra thảo luận trước nội các. Quan trọng hơn là phù hợp với hiệp ước an ninh mà nước này đã ký với Úc. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Úc ngày 24-3 bày tỏ quan ngại trước bất kỳ hành động nào gây mất ổn định an ninh khu vực Nam Thái Bình Dương. Trong khi đó, nói với mạng truyền hình Channel Nine, Bộ trưởng Quốc phòng Dutton nhấn mạnh mong muốn của Úc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. “Chúng tôi không muốn những ảnh hưởng đáng lo ngại, áp lực và sự cưỡng ép từ Trung Quốc tiếp diễn trong khu vực” - ông Dutton khẳng định.

Theo đánh giá của chuyên gia an ninh Anna Powles tại Ðại học Massey (New Zealand), dự thảo an ninh giữa Trung Quốc và Solomon bao phủ “phạm vi rộng” với một số điều khoản “mơ hồ” phản ánh tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh. Trong đó gồm kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân Trung Quốc phát huy khả năng hoạt động tầm xa. Ðây cũng là mối quan tâm từ lâu của Úc và đồng minh Mỹ. Trả lời phỏng vấn, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd nhìn nhận Canberra trong nhiều thập kỷ đã tuân thủ học thuyết giữ các điểm nút quan trọng ở Thái Bình Dương tương thích với lợi ích an ninh của Úc và Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận hiện nay giữa Solomon và Trung Quốc khiến tình hình trở nên phức tạp và trở thành một trong những bất lợi đối với an ninh quốc gia Úc.

Trên một số khía cạnh, thỏa thuận này có một số nội dung lặp lại hiệp ước an ninh tương tự mà Solomon đã ký với Úc trước khi Honiara chuyển công nhận ngoại giao từ Ðài Loan sang Trung Quốc vào năm 2019. Nhiều chuyên gia tin rằng quyết định “xoay trục” trên là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bất ổn hiện nay ở Solomon khi gia tăng bức xúc nội bộ giữa chính quyền trung ương ủng hộ Bắc Kinh và giới lãnh đạo ủng hộ Ðài Loan trên hòn đảo đông dân nhất Malaita. Cạnh tranh giữa các đảo cùng nạn thất nghiệp, nghèo đói kéo dài đã dấy lên làn sóng biểu tình chống Thủ tướng Manasseh Sogavare vào tháng 11-2021. Thời điểm đó, Úc theo yêu cầu của Honiara đã triển khai cảnh sát và binh lính sang hỗ trợ khôi phục trật tự dân sự.

Ðược biết, xung đột giữa các đảo ở Solomon từng châm ngòi cho cuộc nội chiến giai đoạn 1998-2003. Cuộc nội chiến buộc Úc và New Zealand phải triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Solomon từ năm 2003 và chỉ rút hết vào năm 2017. Ðây cũng không phải lần đầu bất ổn bùng phát ở Solomon liên quan tới Trung Quốc. Năm 2006, bạo loạn từng nổ ra khi xuất hiện tin đồn Trung Quốc dùng tiền can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử ở Solomon. Nhưng bất chấp mâu thuẫn nội bộ ở Solomon, Trung Quốc từ tháng 12-2021 thông báo điều động các cố vấn an ninh và trang bị chống bạo động cùng nhiều loại vũ khí không sát thương khác tới Solomon.


MAI QUYÊN

Nguồn: baocantho.com.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.