Chuyên mục
Truyền thống Phật giáo xứ Nghệ đối với sự hình thành nhân sinh quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Truyền thống Phật giáo xứ Nghệ đối với sự hình thành nhân sinh quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ hai 19/05/2025 15:13 GMT + 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã dành trọn tình yêu thương cho con người, nhân loại và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Truyền thống Phật giáo của quê hương xứ Nghệ đã ảnh hưởng đến sự hình thành nhân sinh quan của Bác từ thuở thiếu thời ngay trong chính gia đình mình “Trong gia đình của người xứ Nghệ truyền thống, ngoài bàn thờ tổ tiên, họ còn thờ Phật, thờ các vị thần linh khác”. Nếp sống gia đình và truyền thống quê hương đã ảnh hưởng tích cực đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Có một điều đặc biệt gắn với lịch sử gia đình Bác Hồ, một gia đình có truyền thống đạo Phật, đó là khi gia đình Bác chuyển đến ở Huế (1895), dù hành trình di chuyển từ xứ Nghệ đến xứ Huế thời ấy rất vất vả nhưng thân phụ, thân mẫu của Người vẫn mang theo những truyền thống quý báu của quê hương, gia đình, trong đó có truyền thống đạo Phật.

 

Triết lý đạo Phật đã thấm vào Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm, đầu tiên là từ người cha, đó là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một người thông hiểu giáo lý đạo Phật và có tình cảm đặc biệt dành cho Phật giáo, điều này được khẳng định trong câu đối Cụ tặng chùa Kim Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Kiên Giang năm 1922, Cụ Phó bảng viết: “Đại đạo quảng khai thố giác khiêu đàm đế nguyệt/ Thiền môn giáo dưỡng quy mao thằng thụ đấu phong” (Nghĩa là: Đạo cả mở toang, sừng thỏ khiêu trăng đáy nước/ Có thiền nuôi dạy, lông rùa buộc gió đầu cây); Cụ Phó bảng còn cố vấn cho Hoà thượng Khánh Hoà gây dựng tổ chức Phật giáo Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX: “Cụ Sắc đã gợi ý cho cụ Khánh Hoà là phải tổ chức, có tổ chức mới có cơ sở để làm việc, để tạo thế mạnh và hoằng đạo, phải tổ chức thành Hội Phật giáo. Bấy lâu cụ Khánh Hoà có ý đó, giờ đây được cụ Sắc làm sáng tỏ hẳn lên và cụ Sắc trở thành một Lý thuyết gia của cụ Khánh Hoà”. Khẳng định lời cố vấn của cụ Phó bảng đã thể hiện rõ lòng yêu nước thương dân - Kính Đạo yêu Nước là triết lý từ bi được thấm nhuần từ đạo Phật đã ảnh hưởng nhất định đến người con trai của Cụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

 

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Làng Sen, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

 

Truyền thống văn hoá Phật giáo xứ Nghệ mang nét đặc điểm riêng, nổi bật đó là “Hệ thống chùa làng ở các vùng quê Nghệ An tuy không có quy mô là đại danh lam toà ngang dãy dọc do các thân vương công chúa xây dựng như ở vùng đất phía Bắc, mà chủ yếu là ngôi chùa làng với đúng nghĩa “đất vua chùa làng phong cảnh Bụt” nhưng cũng đủ để cân bằng cuộc sống tín ngưỡng tâm linh của người dân và cứ thế nuôi dưỡng mạch nguồn cảm xúc cho con người xứ Nghệ suốt chiều dài lịch sử dân tộc”.

 

Người dân xứ Nghệ dù sống trong cảnh vất vả, nghèo túng, tằn tiện, chắt chiu, nhưng trong quan hệ giữa người với người họ luôn dạy con cháu phải sống hiếu thảo, nhường nhịn, chia sẽ ngọt bùi, hiếu khách, hào hiệp và rộng lượng. Những nét tính cách đó cũng chính là lòng nhân từ, bác ái của đạo Phật đã thấm nhuần trong tâm thức của người xứ Nghệ “Mỗi sự ngưỡng vọng là một tâm linh thầm kín và có ý nghĩa sâu sắc trong tâm thức của người xứ Nghệ” .


Bối cảnh xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX có nhiều rối ren ảnh hưởng nhiều đến đời sống cũng như tinh thần và tư tưởng của người dân, nhưng chính trong hoàn cảnh ấy đã khẳng định được ý chí của các bậc Nho sĩ, đặc biệt là với những gia đình truyền thống đạo Nho, Phật ở xứ Nghệ thì bối cảnh xã hội lúc bấy giờ không cản trở được con đường tiến thân của họ. Riêng gia đình Bác Hồ đã phải hai lần chuyển vào Huế: Lần thứ nhất vào cuối năm 1895 đến tháng 2 năm 1901, lần thứ hai từ giữa năm 1906 đến tháng 6 năm 1909.

 

Thời kỳ gia đình Bác ở Huế, là thời gian thân phụ của Người nêu gương sáng quyết chí vượt qua mọi khó khăn để học hành khoa cử; thân mẫu với tấm lòng dịu hiền, chịu thương chịu khó đã tảo tần vì sự nghiệp của chồng, khôn lớn của con và trọn nghĩa nhân đức với mọi người. Tấm gương của cha mẹ Bác Hồ đã thể hiện rõ cốt cách của người xứ Nghệ “Từ tính cách cho đến hành động của người xứ Nghệ bị chi phối bởi một hệ thống giáo điều và phạm trù về đạo đức rất sâu sắc, đó là tích cực làm điều lành, tránh điều ác. Phải tích đức để phục vụ cho đời sau. Tu nhân tích đức, gia đình có gia phong là cội nguồn của văn hoá. Người xứ Nghệ rất coi trọng việc giữ đạo nhà, con cái phải giữ gìn gia phong, gia pháp và thực hiện đúng Thọ mai gia lễ”.

 

Cụ Nguyễn Sinh Sắc với ý chí vượt khó trên con đường khoa cử qua nhiều lần thi Hội; Bà Hoàng Thị Loan suốt đời tần tảo, nặng gánh hai vai vì chồng con “Hình ảnh người vợ chân đi đôi dép mo cau và quảy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là tất cả gia tài mang theo, vượt qua bao suối bao đèo, giữa những cơn mưa rào, giữa những ngày nắng gắt trên đường vào Kinh đô Huế không bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh Sắc”, quyết chí học hành của thân phụ và đức hi sinh của thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh là điển hình của sự thấm nhuần triết lý đạo Phật đó là nhẫn, kiệm, từ bi, nhân nghĩa đã nuôi dưỡng nhân sinh quan Hồ Chí Minh từ nhỏ và được thể hiện rõ trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng của Người.  

 


Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Huế (số 112, đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, TP. Huế) 
là ngôi nhà Bác đã sống khi cùng  gia đình vào Huế lần thứ 1 (1895 - 1901)

 

Nếu ảnh hưởng của Cụ Nguyễn Sinh Sắc đối với con cái là nền văn hoá bác học xuyên thấm qua một nhân cách yêu nước thương nòi mang màu sắc nhân đạo, thì ảnh hưởng từ Bà Hoàng Thị Loan là nền văn hoá dân gian mang đậm truyền thống văn hoá dân tộc và những phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân qua tình mẫu tử; Bà đã nêu một tấm gương về nhân cách đạo đức cho con học tập. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất Bà luôn thể hiện đạo sống nghĩa tình nên bà luôn được mọi người hết sức yêu mến, kính trọng; Với trách nhiệm và sự mẫn cảm của người mẹ, Bà đã vun đắp, uốn nắn, dạy bảo cho các con những bài học đầu đời về cách sống, về đạo lý làm người; Vì vậy, ngay từ thuở ấu thơ những đứa con ngoan của gia đình Bà đã biết nói lời hay, làm việc tốt, kính trọng với người trên, khiêm nhường với người dưới, đặc biệt là giàu lòng vị tha, nhân ái, bao dung. 


Thời gian sống ở Huế, truyền thống đạo Phật và nếp nhà của người xứ Nghệ vẫn hiện hữu trong sinh hoạt của gia đình Bác Hồ. Điều quan trọng hơn là truyền thống đó được thấm nhuần xuyên suốt nhiều thế hệ qua giáo dưỡng. Thân phụ của Bác luôn dạy bảo, rèn luyện Nguyễn Tất Thành đức tính cần cù, chịu khó, nề nếp gia phong…; Còn thân mẫu của Bác ngoài đức sống chan hoà, nhân ái với mọi người, Bà đã chắt lọc hết tinh hoa kiến thức dân gian, văn hoá quê hương trong chan chứa yêu thương và độ lượng để dạy các con trọn đạo lý làm người;

 

Đặc biệt, Bà Hoàng Thị Loan rất sợ con trẻ vui chơi thơ dại mà phạm luật lệ Kinh đô nên dù rất bận công việc mưu sinh của cả gia đình bên khung cửi dệt vải, nhưng bà đã vừa làm việc vừa giữ con ở nhà để trông coi và dạy bảo con rèn đức tính sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp và tiết kiệm thời gian… Sự giáo dưỡng đó chính là những tố chất hội tụ, tạo tiền đề nuôi dưỡng nên Hồ Chí Minh có phong cách làm việc khoa học, tiết kiệm thời gian và đặc biệt là đức tính giản dị học từ mẹ “Số vải lụa bà dệt được thường bán đi để nuôi sống gia đình, đồng thời bà vẫn không quên để dành cho chồng khi kỳ thi đến và sắm Tết hàng năm cho gia đình trong dịp đón xuân sang. Nhiều Tết bà để vải may áo cho chồng, cho con, còn phần mình thì có khi bà chỉ mặc chiếc áo vá vai. Nếp sống giản dị thanh tao đó  được phản ánh rất rõ trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này” . 


Thân phụ và thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của khí chất người xứ Nghệ; Và những người thân trong gia đình của Bác Hồ như anh, chị ruột và bà con anh em bên nội, bên ngoại đều là những người có đạo đức trong sáng, có lối sống giản dị gần gũi với mọi người, có tư tưởng yêu nước nhiệt thành; Có thể nói gia đình Bác là gia đình tiêu biểu hội tụ đủ tinh hoa truyền thống đạo Phật. Ngoài những yếu tố gia đình, quê hương có truyền thống đạo Phật; Ở Hồ Chí Minh còn có sự truyền tiếp giao thoa hội tụ giữa hai nền văn hoá truyền thống Phật giáo xứ Nghệ và xứ Huế. Tất cả những yếu tố đó đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân sinh quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là ý chí cứu nước và lòng yêu nước, thương dân bao la, vô lượng của Người. 



Bác Hồ về thăm quê năm 1957.

 

Đạo đức Hồ Chí Minh là sự kế thừa tinh hoa của đạo đức Phật giáo. Ở Người có hội đủ “Tứ vô lượng tâm”: lòng nhân ái, khoan dung (từ - bi); chống chủ nghĩa cá nhân (không tham sân si); ý chí vượt gian khổ, khó khăn (tu dưỡng), tinh thần lạc quan (hỉ - xả), cả cuộc đời vì nước, vì dân (công đức vô lượng). Sau khi đất nước mới dành được độc lập, trong lần trả lời các nhà báo phỏng vấn về ước muốn của mình, Bác nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận…Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

 

Với quan điểm vì con người và giải phóng con người, quan điểm dân sinh thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, tư tưởng nhân văn sâu sắc và triết lý Phật giáo trong nhân sinh quan Hồ Chí Minh, Người từng viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”, “Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn. Người phải hy sinh tranh đấu diệt lũ ác ma”. Quả thật, Đất Phật xứ Nghệ đã sản sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người có nhân cách cao đẹp, một vĩ nhân hội đủ đạo đức của người cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” - Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần và tương đồng với nội dung, giá trị đạo đức của Đức Phật./.

 

Phạm Thị Kim Loan

Nguồn: CTV
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.