Chuyên mục
Trình độ tên lửa Triều Tiên với cường quốc Nga, Mỹ
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Trình độ tên lửa Triều Tiên với cường quốc Nga, Mỹ

Thứ sáu 11/01/2013 06:06 GMT + 7
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, hiện nay CHDCND Triều Tiên đang có trên một nghìn quả tên lửa đạn đạo. Trong đó bao gồm cả tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Các chuyên gia cho rằng về lý thuyết với một số lượng các tên lửa như vậy CHDCND Triều Tiên có thể tấn công nước Mỹ, có khả năng hủy diệt Hàn Quốc, Nhật Bản và uy hiếp Nga.

Tên lửa Triều Tiên


Sau sự kiện phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh lên quỹ đạo ngày 12/12/2012, nhiều người đã cảm thấy ngỡ ngàng trước công nghệ tên lửa ngày càng tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên. Triều Tiên bắt đầu bắt tay vào phát triển tên lửa từ những năm 60, 70.

Mặc dù được cho là có trong tay tên lửa tầm ngắn đầu tiên từ Liên Xô hồi đầu năm 1969 nhưng chương trình tên lửa của nước này lại chủ yếu được phát triển từ tên lửa Scud do Ai Cập cung cấp. Năm 1976, Ai Cập đã cung cấp cho Triều Tiên những tên lửa Scud-B của Liên Xô, có thể mang đầu đạn nặng tới 200kg và có tầm bắn 300 km, kèm theo thiết kế của loại tên lửa này.

Từ tên lửa do Ai Cập cung cấp, các chuyên gia quân sự của Triều Tiên đã nâng cấp thành hai phiên bản mới Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6) với tầm bắn lần lượt là 500km và 700km. Với hai loại tên lửa này, Triều Tiên có thể tấn công vào bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vì vậy, tên lửa Scud trở thành cơn ác mộng đối với nước láng giềng sát nách của Triều Tiên.

Cũng từ tên lửa Scud, các nhà khoa học của Triều Tiên còn phát triển thêm nhiều lại tên lửa khác, trong đó có tên lửa tầm trung Nodong. Tên lửa Nodong có tầm bắn ấn tượng lên tới 1.300km và có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân nặng từ 1.000 đến 1.200kg.


Trình độ khoa học phát triển tên lửa của Triều Tiên ngày càng tiến bộ

Với tầm bắn như trên, tên lửa Nodong trở thành mối đe dọa thực sự đối với Nhật Bản vì nó có thể phá hủy bất cứ mục tiêu nào của Nhật Bản cũng như bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ trên lãnh thổ Nhật. Sau Scud và Nodong, Bình Nhưỡng đã tiến tới phát triển tên lửa tầm xa.

Vào tháng 8/1998, Triều Tiên đã khiến cả thế giới phải sửng sốt khi lần đầu tiên phóng thử tên lửa Taepodong-1. Đây chính là thế hệ tên lửa tầm xa đầu tiên của Triều Tiên. Loại tên lửa này đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của Bình Nhưỡng trong công nghệ phát triển tên lửa.

Taepodong-1 nặng khoảng 33 tấn, đường kính 1,8m và dài 25,8m. Với tầm bắn từ 2.200km đến 2.500km, Taepodong-1 có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa. Triều Tiên hiện có hàng chục tên lửa Taepodong-1 và đều đang được triển khai để sẵn sàng chiến đấu.

Trong kho vũ khí tên lửa của Bình Nhưỡng hiện tại, tên lửa Taepodong-2 được xem là loại tên lửa đáng sợ nhất. Là tên lửa đạn đạo hiện đại nhất của Triều Tiên cho tới thời điểm này, Taepodong-2 nặng gần 80 tấn, chiều dài khoảng 35,8m, đường kính từ 2,0 - 2,2m. Taepodong-2 có thể mang đầu đạn thông thường, hạt nhân nặng tới 500kg với tầm bắn lên tới 6.700km. Với tầm bắn như trên, Taepodong-2 có thể đe dọa Australia và các khu vực miền Trung, miền Tây nước Mỹ. Thế nhưng trình độ tên lửa của Triều Tiên không dừng lại tại đó.

Theo giới tình báo Mỹ nhận định thì Triều Tiên đã phát triển được loại siêu tên lửa có tầm bắn lên tới 10.000km và thậm chí là 15.000km, đồng nghĩa với việc tên lửa của Triều Tiên có thể bắn tới Los Angeles của Mỹ thay vì chỉ lượn tới vùng Alaska. Và trên thực tế những vụ phóng tên lửa mang vệ tinh chính là một cách “hợp thức hóa” việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên.

Theo nhận định thì loại tên lửa mới của Triều Tiên có kích thước lớn hơn hẳn Taepodong-2 và nhiều khả năng sẽ được phóng đi từ bệ phóng di động. Có thể nhiều nước vẫn còn hoài nghi về khả năng tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên, với đội ngũ khoảng 10.000 chuyên gia về lĩnh vực tên lửa, nhiều hơn gấp 3 lần so với Hàn Quốc, và sự đầu tư mạnh vào quân sự, Triều Tiên hoàn toàn có thể phát triển được những loại tên lửa đáng sợ, đủ sức đe dọa các nước lớn.

Tên lửa Mỹ, Nga vẫn vượt trội hơn

Mặc dù sở hữu kho tên lửa hàng khủng và ngày càng được hiện đại hóa nhưng theo giới chuyên gia phân tích thì tên lửa Triều Tiên chỉ đạt được mục tiêu về số lượng, còn chất lượng thì chỉ nâng tầm bắn (theo lý thuyết) còn tính xác suất trúng đích thì lại rất thấp.

Giới quân sự Mỹ nhận định: Dù có tầm bắn khá ấn tượng và có thể mang được đầu đạn hạt nhân nhưng độ chính xác của tên lửa Nodong được cho là thấp. Đối với tên lửa Taepodong tuy có tầm bắn xa hàng nghìn km nhưng xét về độ chính xác lại còn thấp hơn cả tên lửa Nodong.

Hơn nữa, tên lửa Taepodong-1 đòi hỏi phải được phóng đi từ một vị trí cố định và cần có một thời gian chuẩn bị lâu dài. Điều này đồng nghĩa với việc các vụ phóng tên lửa Taepodong-1 rất dễ bị vệ tinh do thám của đối phương phát hiện trước.

Cũng giống như người “anh, em” Taepodong-1, Taepodong-2 (dù được thiết kế để khắc phục những khiếm khuyết của các thế hệ tên lửa trước đó) vẫn đòi hỏi phải được bắn đi từ một vị trí cố định và độ chính xác của tên lửa này cũng bị các chuyên gia quân sự hoài nghi.

Một điểm yếu nữa của Taepodong-2 là chỉ có thể mang một lượng chất nổ nhỏ khi bắn tới tầm xa nhất, điều này đồng nghĩa với việc nếu với được tới Mỹ thì tên lửa của Triều Tiên cùng lắm cũng chỉ phá hủy được... một ngôi nhà.

Thực lực Triều Tiên là vậy trong khi “hàng Mỹ” và “hàng Nga” lại hết sức đa dạng, phong phú gồm cả “địa” tên lửa (tên lửa được phóng đi từ đất liền) và “thủy” tên lửa (tên lửa được phóng đi từ tầu hải quân, tầu ngầm chiến lược), đó còn chưa kể những loại tên lửa đạn đạo được phóng đi từ máy bay, trong khi Triều Tiên mới chỉ sở hữu “địa” tên lửa.

Đối với những loại tên lửa đạn đạo tầm xa đang có trong kho vũ khí của Mỹ thì với tầm bắn trên 10.000km đến 15.000km là điều rất dễ dàng đạt được với độ chính xác gần như tuyệt đối như dòng tên lửa Atlas, tên lửa LGM-30G Minuteman III, Minuteman II, tên lửa LGM-118 Peacekeeper, “thủy” tên lửa UGM-133 Trident II D-5...

Trong thời gian tới quân đội Mỹ sẽ còn được sở hữu tiếp loại tên lửa hành trình tầm xa mới, có khả năng tàng hình và tốc độ cao có tên gọi là LRSO. Theo đó, tên lửa mới có khả năng thay thế hầu hết các loại tên lửa đang lỗi thời, các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86 trang bị đầu đạn thông thường.

Theo dự kiến loại tên lửa hành trình này có thể được phóng đi từ tầu hải quân, tầu ngầm, máy bay của không quân Mỹ. Cùng với việc sở hữu kho vũ khí tên lửa hùng mạnh Mỹ còn đang nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa “phức hợp” nhằm phòng ngừa những nguy cơ “mới” tới từ các quốc gia thù địch trong đó có Triều Tiên.

“Mỹ sẽ có hệ thống phòng thủ tên lửa bậc cao và phức tạp nhất trong lịch sử, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ quân sự, chúng ta cần bảo đảm nước Mỹ được an toàn trong mọi trường hợp và sẵn sàng đáp trả kẻ địch một cách thích đáng nhất…”, Brad Roberts, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cho biết.

Giữa Mỹ và Nga đã từng có cuộc “chiến tranh lạnh” trong quá khứ, vậy nên trình độ tên lửa của 2 cường quốc này có tính năng gần như tương đương, nên không lạ khi Nga vẫn được xếp “chiếu trên” trong lĩnh vực phát triển tên lửa tầm xa.

Là quốc gia thứ 2 trên thế giới có đủ bộ tên lửa hành trình tầm xa địa, thủy, không, trong kho tên lửa của Nga vẫn có một lực lượng tên lửa chiến lược hiện đại được đánh giá có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.

Theo đó, Nga có 682 hệ thống tên lửa chiến lược có khả năng mang 3.100 đầu đạn hạt nhân. Tiêu biểu nhất là tên lửa R-36MUTTH (RS-20B) và R-36M2 (RS-20V), theo cách gọi của NATO là SS-18 “Satan”, đây là tổ hợp tên lửa cố định, phóng từ hầm phóng, có tầm bắn tối đa là 11.000 km và lượng chất nổ lên đến 8,8 tấn.

Tổ hợp tên lửa di dộng trên đường RT-2PM Topol, còn được NATO gọi là tên lửa SS-25 “Sickle”, loại tên lửa này có 3 tầng đẩy nhiên liệu rắn với tầm bắn 10.000 km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 550 kiloton.

RT-2UTTH Topol-M hay SS-27 (theo cách gọi của NATO) là tổ hợp tên lửa tối tân nhất của Nga hiện nay. SS-27 là phiên bản cải tiến từ tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa SS-25 (RT-2PM Topol) trước đó.

SS-27 gồm 2 phiên bản: Loại thứ nhất bắn từ hầm phóng. Loại thứ hai được bắn từ xe cơ động chuyên dụng. Tên lửa SS-27 có 3 tầng đẩy nhiên liệu rắn, đang được phát triển như một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân riêng rẽ với tầm bắn lên tới 10.000 km với sức công phá tương đương 500.000 tấn thuốc nổ TNT.

So với các loại tên lửa mà Nga đã nghiên cứu trước đây, SS-27 có những đặc điểm hết sức ưu việt là thời gian tác chiến ngắn, độ chính xác cao và có thể bảo quản, sử dụng trong thời gian dài. Dự kiến đến năm 2015, đây sẽ là loại tên lửa chủ lực trong hệ thống tên lửa chiến lược trên bộ của Nga.

Từ những phân tích và thực tế trên có thể nhận thấy rằng dù trình độ tên lửa của Triều Tiên đã có nhiều tiến bộ, nhưng so với những cường quốc như Nga, Mỹ thì rõ ràng tên lửa Triều Tiên vẫn còn thua kém rất nhiều.

Luật Doanh
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.