Chuyên mục
Tổng thống Brazil: Mỹ cần ngừng khuyến khích chiến tranh

Tổng thống Brazil: Mỹ cần ngừng khuyến khích chiến tranh

Thứ tư 19/04/2023 06:29 GMT + 7

Liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho rằng, Mỹ cần ngừng khuyến khích chiến tranh và bắt đầu nói về hòa bình.


Ông kêu gọi một nhóm quốc gia không tham gia vào cuộc xung đột tìm cách đưa Moscow và Kiev vào các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời khẳng định: 'Nhưng chúng ta cũng phải nói chuyện với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Chúng ta phải thuyết phục mọi người rằng hòa bình chính là đường hướng'.

 

Trong chuyến thăm Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi tuần qua, Tổng thống Lula da Silva đã thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan về việc thành lập một nhóm các quốc gia làm trung gian hòa giải, theo kiểu Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng là tạo ra một G20 kiểu khác để chấm dứt cuộc chiến này và thiết lập hòa bình.

“G20 đã được thành lập để cứu nền kinh tế thế giới khỏi cuộc khủng hoảng. Hiện giờ, chúng ta cần lập một cơ chế tương tự G20 để chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine và thiết lập hòa bình. Đó là ý tưởng của tôi, tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công”, Tổng thống Lula da Silva nói. Theo ông, Moscow và Kiev nên tham gia vào một “G20 chính trị” để nhanh chóng tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cho rằng, hai bên tham chiến đều không đưa ra sáng kiến gì để ngăn chặn xung đột, trong khi phương Tây tiếp tục hỗ trợ để xung đột tiếp diễn. Do vậy, các bên cần ngồi vào bàn đàm phán và tìm giải pháp chấm dứt tình trạng này.

 

Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Mauro Vieira tại Brasilia ngày 17/4. Ảnh: Reuters.


Nhà lãnh đạo Brazil cho biết ông đã thảo luận về sáng kiến của mình với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo một số quốc gia Nam Mỹ. Tuy nhiên, cho tới nay, trong số các quốc gia phương Tây, chỉ có người đứng đầu Điện Elysee hoan nghênh sáng kiến hòa bình của Tổng thống Lula da Silva. Lời kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine của nhà lãnh đạo Brazil đã không được hầu hết các nhà ngoại giao ủng hộ. Bên cạnh đó, những bình luận của ông còn khiến Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây nổi giận.

Hãng tin Reuters ngày 18/4 dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cáo buộc Tổng thống Lula da Silva “bắt chước tuyên truyền của Nga và Trung Quốc mà không nhìn vào sự thật”. Quan chức này nói những bình luận của Tổng thống Brazil đơn giản là sai lầm khi cho rằng, Washington và châu Âu không quan tâm đến hòa bình và phải cùng trách nhiệm về cuộc xung đột.

EU cũng bác bỏ đề xuất của Tổng thống Brazil rằng, cả Ukraine và Nga đều phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột. Một số nhà phân tích cũng tỏ ra hoài nghi về kế hoạch hòa bình của Tổng thống Lula da Silva. Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Ryan Berg nhận định: “Brazil muốn chứng tỏ vị thế trong việc góp phần giải quyết các vấn đề và đáp ứng những thách thức toàn cầu. Vấn đề là Brazil không có vị thế phù hợp để có thể tác động đến cuộc xung đột này, cũng không được nhiều người coi là trọng tài trung lập vì là thành viên của BRICS (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi)”.

Về phía Nga, tại buổi họp báo với người đồng cấp Brazil Mauro Vieira hôm 17/4 (giờ địa phương) ở Brasilia, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định Moscow muốn kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine “càng sớm càng tốt”. Ông gửi lời cảm ơn những người bạn Brazil vì “sự thấu hiểu tuyệt vời” về nguồn gốc của tình hình cũng như vì những nỗ lực giải quyết xung đột. Về phần mình, Ngoại trưởng Mauro Vieira nhắc lại quan điểm của Brazil về mong muốn đóng góp vào việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Brazil về phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương.

“Những biện pháp như vậy, cùng với sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng đã gây tác động tiêu cực lên kinh tế của cả thế giới, nhất là ở những nước kém phát triển, khi hầu hết các quốc gia đó chưa phục hồi sau đại dịch”, ông nói. Trong một diễn biến liên quan, 5 đồng minh của Ukraine là Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Pháp đã thành lập một liên minh nhằm loại Nga ra khỏi thị trường năng lượng hạt nhân quốc tế.

Trong thỏa thuận đạt được tại Nhật Bản, bên lề cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ngày 17/4, 5 quốc gia trên đã nhất trí sử dụng các nguồn lực và tiềm năng về ngành năng lượng hạt nhân của mỗi quốc gia để làm suy yếu quyền kiểm soát của Nga đối với chuỗi cung ứng. Theo đó, các nước đồng minh của Ukraine sẽ hợp tác cung cấp nhiên liệu ổn định theo nhu cầu tiêu thụ hiện nay, cũng như đảm bảo việc phát triển và sử dụng nhiên liệu an toàn cho các lò phản ứng tiên tiến trong tương lai. Thỏa thuận này được lên kế hoạch nhằm làm cơ sở để đánh bật Nga ra khỏi thị trường nhiên liệu hạt nhân nhanh nhất có thể. Mục đích sau cùng của nó là để cắt đứt các nguồn thu của Moscow. Bên cạnh đó, các ngoại trưởng của Nhóm G7 đã cam kết ngăn cản Nga né tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời ngăn chặn hoạt động chuyển giao vũ khí tới Moscow thông qua các bên thứ 3.

Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã lên tiếng ủng hộ việc EU đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Bộ Kinh tế Đức cho biết tháng 2 vừa qua, EU đã phê duyệt gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, nhưng các biện pháp trừng phạt trị giá thương mại hàng trăm triệu USD không ảnh hưởng trực tiếp đến ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho rằng, việc này cần được tất cả các nước thành viên nhất trí, tuy nhiên Hungary từng tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Nga.


Khổng Hà

Nguồn: cand.com.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.