Chuyên mục
Thuế quan mới của ông Trump: Cú sốc lớn đối với ngành dầu mỏ vùng Vịnh

Thuế quan mới của ông Trump: Cú sốc lớn đối với ngành dầu mỏ vùng Vịnh

Thứ bảy 05/04/2025 10:25 GMT + 7

Tuyên bố về 'Ngày Giải phóng' của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 2/4 đã gây chấn động thị trường toàn cầu, đánh dấu một bước leo thang mạnh mẽ trong căng thẳng thương mại với loạt thuế quan trả đũa quy mô lớn.

 

Chính sách thuế mới của ông Trump phá vỡ các quy tắc thương mại đã tồn tại hàng thập kỷ, đẩy các nền kinh tế thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vào tình thế bấp bênh. Ảnh AFP


Động thái này phá vỡ các quy tắc thương mại đã tồn tại hàng thập kỷ, đẩy các nền kinh tế thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - bao gồm UAE, Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman - vào tình thế bấp bênh. Khi xuất khẩu dầu khí chiếm từ 40-60% GDP, khu vực này đối mặt với một bối cảnh kinh tế đầy bất ổn, quan hệ Mỹ-GCC căng thẳng và sự chuyển hướng nhanh chóng sang các thị trường thay thế, đặc biệt là Trung Quốc.

Tuyên bố của ông Trump đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường năng lượng. Giá dầu Brent tương lai lao dốc 3,2%, xuống còn 72,98 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ giảm 3,4% xuống 69,70 USD/thùng - mức sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tuần qua. Đợt bán tháo này phản ánh lo ngại của giới đầu tư rằng các mức thuế mới của ông Trump, bao gồm mức áp thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu, và thuế cao hơn đối với một số quốc gia, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và kéo giảm nhu cầu dầu mỏ.

Dù Nhà Trắng đã miễn trừ dầu khí khỏi các mức thuế mới, nhưng ảnh hưởng đối với các nhà xuất khẩu vùng Vịnh vẫn rất nghiêm trọng. “Mỹ là thị trường quan trọng đối với dầu thô và LNG của vùng Vịnh. Ngay cả khi dầu không bị đánh thuế trực tiếp, chi phí cao hơn đối với hóa dầu và nhôm sẽ khiến lợi nhuận bị thu hẹp”, ông Joseph Webster từ Trung tâm Năng lượng Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.

Sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu khí khiến GCC đặc biệt dễ bị tổn thương. Ả Rập Xê Út, nền kinh tế lớn nhất khu vực, xuất khẩu khoảng 10% sản lượng dầu thô sang Mỹ, trong khi Qatar là một trong những nhà cung cấp LNG lớn cho thị trường Mỹ. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong các dòng chảy này đều có thể buộc các nhà khai thác vùng Vịnh phải gánh thêm chi phí hoặc tìm kiếm thị trường thay thế - một nhiệm vụ không hề dễ dàng khi nhu cầu tại châu Á đang dần bão hòa.

Ngoài dầu mỏ, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của GCC không sẵn sàng đối phó với làn sóng bảo hộ kéo dài. Chẳng hạn như, UAE và Bahrain dựa nhiều vào hoạt động tái xuất thông qua các trung tâm logistics như cảng Jebel Ali ở Dubai. Nếu chuỗi cung ứng toàn cầu đình trệ, các mạng lưới này có thể bị tê liệt, trong khi kế hoạch đa dạng hóa kinh tế theo Tầm nhìn 2030 của Ả Rập Xê Út có nguy cơ chững lại nếu nhà đầu tư nước ngoài rút lui vì bất ổn.

“Các nền kinh tế nhỏ của GCC không thể tránh khỏi ảnh hưởng này. Chiến lược cắt xén thương mại quốc tế của ông Trump gây tổn thương nghiêm trọng cho khu vực này”, Valentina Pasquali, nhà phân tích tại AGBI, nhận định.

Các mức thuế mới cũng có nguy cơ làm suy yếu liên minh Mỹ-GCC vốn đã tồn tại hàng thập kỷ, dựa trên nguyên tắc trao đổi dầu mỏ lấy an ninh. Quan điểm thương mại cứng rắn của ông Trump, kết hợp với chính sách đối đầu Iran, đang đẩy Washington vào thế đối lập với các lãnh đạo vùng Vịnh, những người muốn duy trì các mối quan hệ kinh tế ổn định.

“Chính sách “có qua có lại” của ông Trump đang làm lung lay trật tự thương mại truyền thống”, Barbara C. Matthews, chuyên gia thương mại tại Hội đồng Đại Tây Dương, bình luận.

Ông Ellen Wald từ Trung tâm Ả Rập tại Washington DC cũng cho rằng: “Các quốc gia vùng Vịnh từ lâu đã cố cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng các mức thuế này có thể đẩy họ ngày càng nghiêng về Bắc Kinh”.

Thực tế, các thỏa thuận thương mại miễn thuế cùng nhu cầu dầu mỏ khổng lồ của Trung Quốc khiến nước này trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn. Saudi Aramco và Adnoc đã tăng cường đầu tư vào các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc - một xu hướng có thể tăng tốc nếu cánh cửa vào thị trường Mỹ ngày càng thu hẹp.

Trong khi một số quốc gia như Canada dọa áp thuế đáp trả, các nước vùng Vịnh không có nhiều đòn bẩy tương tự. “Dòng dầu có thể dễ dàng chuyển hướng - nếu cắt nguồn cung cho Mỹ, vùng Vịnh chỉ việc bán sang châu Á, nhưng giá sẽ thấp hơn do tình trạng dư cung”, ông Joseph Webster nhận định.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài, thị trường có thể dư thừa 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày vào cuối năm 2025, buộc OPEC+ phải cắt giảm sản lượng một lần nữa. Kịch bản này sẽ gây thêm áp lực lên ngân sách các nước vùng Vịnh, vốn vẫn đang phục hồi sau cú sốc giá dầu.

“Ngày Giải phóng” của ông Trump có thể là biểu tượng cho chủ quyền kinh tế của Mỹ, nhưng với vùng Vịnh, đó là một thực tế khắc nghiệt: Mô hình kinh tế dựa vào dầu mỏ đang bị đe dọa, các liên minh trở nên mong manh và nhu cầu đa dạng hóa ngày càng cấp bách.

Giới phân tích nhận định rằng, trong những tháng tới, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng, hoặc đối phó với cơn bão thương mại của ông Trump, hoặc nhanh chóng xoay trục về phía Đông. Một điều chắc chắn: Các quy tắc thương mại toàn cầu đang thay đổi, và các nước GCC buộc phải thích nghi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.


Nh.Thạch

Nguồn: nangluongquocte.petrotimes.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.