Chuyên mục
Quan chức Pháp: Lạm phát tăng vọt buộc châu Âu phải ra quyết sách đầu tháng 3

Quan chức Pháp: Lạm phát tăng vọt buộc châu Âu phải ra quyết sách đầu tháng 3

Thứ tư 16/02/2022 18:11 GMT + 7

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp cho rằng, chương trình mua vào tài sản của châu Âu có thể kết thúc vào quý III/2022, còn việc tăng lãi suất có thể không được tiến hành ngay lập tức.



Ngân hàng Trung ương châu Âu được kỳ vọng tiến hành 2 đợt tăng lãi suất trong năm 2022. Ảnh: AFP.


Phát biểu trên đài CNBC, ông Francois Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp nhận định rằng lạm phát tăng vọt và rủi ro địa chính trị sẽ khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải đưa ra một mức độ "tùy chọn" chính sách trong cuộc họp ngày 10/3 tới.

"Theo tôi, tính tùy chọn tăng lên có nghĩa rằng có lẽ chúng tôi nên ấn định ngày kết thúc việc mua tài sản... Và tôi cho rằng đó có thể là khoảng quý III, nhưng thời điểm chính xác cần phải được thảo luận", ông Francois Villeroy de Galhau, thành viên có tiếng nói trong Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết thêm.

Hoạt động mua vào trái phiếu theo Chương trình mua vào khẩn cấp thời đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro (tương đương 2.190 tỷ USD) của Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ kết thúc vào tháng 3 tới. Tuy nhiên, các giao dịch mua vào theo Chương trình mua vào tài sản trước (gọi tắt là APP) vẫn đang được đẩy mạnh để nới lỏng định lượng khi kết thúc chương trình PEPP.

Thời dịch bệnh, châu Âu thực hiện chương trình APP với tốc độ mua vào hàng tháng là 20 tỷ euro, sonh hành cùng với chương trình PEPP. Chương trình này sẽ tăng quy mô lên 40 tỷ euro trong quý II, giảm về mức 30 tỷ euro trong quý III, và sau đó hạ xuống 20 tỷ euro nếu cần thiết". Ngân hàng Trung ương châu Âu dự tính tất cả hoạt động mua vào trái phiếu sẽ dừng lại ngay trước khi bắt đầu tăng các mức lãi suất quan trọng của họ.

Tuy nhiên, theo kiến nghị của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, thì tiến trình điều chỉnh chính sách của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ thay đổi. Đại diện Ngân hàng Trung ương Pháp cũng cho biết cụm từ "trong ngắn hạn" trong định hướng chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ bị loại bỏ. Do đó, việc chấm dứt mua vào trái phiếu trong quý III năm nay có thể không nhất thiết mang hàm ý rằng việc tăng lãi suất sẽ được thực hiện sau đó, tức là vào quý IV.

"Tôi đang băn khoăn rằng chúng tôi có nên bỏ cụm từ 'trong ngắn hạn' hay không, để có thêm lựa chọn về lộ trình tiến hành bước thứ hai (tăng lãi suất - BTV)", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp nói.

Về vấn đề này, ông Constantinos Herodotou, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Cyprus (Síp) cho rằng, sự ủng hộ đề xuất của ông Villeroy - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp về việc loại bỏ cụm từ "trong ngắn hạn" ra khỏi định hướng chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phụ thuộc vào dự báo lạm phát mà cơ quan này đưa ra vào tháng 3 tới.

"Không chỉ triển vọng lạm phát ngắn hạn phải ổn định ở mức 2%, mà chúng tôi cũng cần phải xem xét liệu kỳ vọng lạm phát có thay đổi hay không", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Cyprus nêu.

Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, bất luận lạm phát đã lên mức kỷ lục 5,1% trong tháng 1. Tuy nhiên, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nghiêng về quan điểm "diều hâu" hơn khi từ chối loại trừ khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay.

Giới đầu tư và các nhà giao dịch tài chính kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiến hành 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay, nhưng các động thái này sẽ vẫn đi sau lộ trình bình thường hóa của Ngân hàng Trung ương Anh và Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Các dự đoán về thời điểm kết thúc chương trình kích thích tài khóa và nới lỏng tiền tệ đã làm chao đảo thị trường trái phiếu châu Âu, đơn cử như lợi suất trái phiếu tham chiếu của một số quốc gia như Italia và Hy Lạp đã tăng vọt trong những tuần gần đây.

Trong khi đó, tranh luận về lạm phát của Eurozone đang diễn ra gay gắt. Một số quan điểm cho rằng áp lực lạm phát hiện nay sẽ giảm bớt và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ ở một mức độ nào đó. Trái lại, các ý kiến phản bác lại cho rằng Eurozone cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát đã liên tục tăng cao hàng tháng.

Tuần trước, ông Joachim Nagel, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) là thống đốc ngân hàng trung ương thứ hai hé lộ thông tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tăng lãi suất vào cuối năm nay.

 

Lê Quân 

Nguồn: baodautu.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.