Chuyên mục
Những lực cản của kinh tế toàn cầu

Những lực cản của kinh tế toàn cầu

Chủ nhật 01/01/2023 11:43 GMT + 7

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng rõ ràng ở châu Âu, dẫn đến giá cả tăng vọt....


Vốn được kỳ vọng là năm phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, năm 2022 lại bất ngờ chứng kiến một cuộc xung đột quân sự, thúc đẩy làn sóng lạm phát kỷ lục cùng sự giảm tốc của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong bối cảnh thảm họa thiên nhiên diễn ra ngày càng khắc nghiệt.

Tai ương chồng chất

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng rõ ràng ở châu Âu, dẫn đến giá cả tăng vọt. Các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng từ Nga - chẳng hạn như Đức và Italia - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn cung khí đốt tự nhiên bị hạn chế do các biện pháp trừng phạt và trả đũa giữa phương Tây và Moscow.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Financial Times.


Lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng 10,6% trong tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm trước đó, tăng từ mức 9,9% của tháng trước. Lạm phát ở Vương quốc Anh cũng tăng cao do hóa đơn năng lượng tăng chóng mặt. Vào tháng 10, giá tiêu dùng ở Anh đã tăng 11,1% so với một năm trước đó.

Chiến tranh cũng đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lương thực như lúa mì, dầu hướng dương và các sản phẩm khác, làm căng thẳng nguồn cung lương thực toàn cầu và đẩy lạm phát lên cao hơn nữa. Những đợt tăng giá này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng, vì thực phẩm và khí đốt có xu hướng là những thứ không thể thiếu đối với các hộ gia đình.

Raghuram Rajan, giáo sư tại trường Booth thuộc Đại học Chicago và là cựu nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lưu ý rằng nếu người tiêu dùng châu Âu phải chi nhiều hơn cho những mặt hàng thiết yếu, họ sẽ ít có tiền cho các hàng hóa và dịch vụ khác.

Một số nhà kinh tế tin rằng Mỹ - nền kinh tế số một thế giới - vẫn đang ở vị trí tốt hơn so với nhiều quốc gia khác. Theo lý giải của Pierre Lafourcade - một nhà kinh tế toàn cầu tại UBS, các hộ gia đình châu Âu không tích lũy được nhiều khoản tiết kiệm vượt mức như người Mỹ. Trước đó trong đại dịch, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua nhiều biện pháp kích thích hơn và gửi séc trực tiếp cho người tiêu dùng, dẫn đến tiết kiệm nhiều hơn giúp hỗ trợ ngân sách hộ gia đình.

Tuy nhiên, nỗi lo suy thoái gia tăng và lạm phát vẫn ở mức cao tại Mỹ. Giới đầu tư và nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp cuối năm, bất chấp nguy cơ có thể làm suy yếu nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngân hàng trung ương của Mỹ đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980 trong năm nay để đối phó lạm phát kỷ lục 40 năm qua tại nước này. Tốc độ lạm phát đang được theo dõi sát sao sẽ là yếu tố quyết định để Fed xem xét điều chỉnh lãi suất ra sao và giữ ở mức đó trong bao lâu.

Mặc dù chiến tranh ở Ukraine làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu, nhưng thực tế giá tiêu dùng đã tăng trên khắp thế giới ngay cả trước khi chiến sự nổ ra.

Các biện pháp hạn chế Covid-19 dẫn đến việc nhà máy phải đóng cửa và nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng tăng, đẩy giá nhiều mặt hàng tăng cao. IMF dự đoán rằng lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên 8,8% vào năm 2022, mặc dù cơ quan này dự đoán mức tăng giá chung sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2023.

Và khi tai ương chiến tranh bất ngờ ập đến chưa thấy hồi kết, cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục diễn ra, để lại hậu quả đắt giá cho những nền kinh tế yếu ớt nhất: Theo công ty tái bảo hiểm khổng lồ Swiss Re, các thảm họa tự nhiên và nhân tạo đã gây ra thiệt hại kinh tế 268 tỷ USD trong năm 2022. Chỉ riêng cơn bão Ian đã gây thiệt hại được bảo hiểm ước tính khoảng 50 - 65 tỷ USD; lũ lụt ở Pakistan đã gây thiệt hại 30 tỷ USD.

Các chính phủ đã đồng ý tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp quốc COP27 ở Ai Cập vào tháng 11 để thành lập một quỹ nhằm bù đắp những tổn thất mà các nước đang phát triển dễ bị tổn thương bị tàn phá bởi thiên tai. Nhưng hội nghị thượng đỉnh COP27 đã kết thúc mà không có các cam kết mới nhằm loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp nhu cầu cắt giảm khí thải nhà kính và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.

“Đó không phải là một cuộc khủng hoảng cấp tính, mà là một cuộc khủng hoảng rất dài hạn” - Roel Beetsma, giáo sư kinh tế vĩ mô tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), nói - “Nếu chúng ta không hành động đủ thì điều này sẽ tấn công chúng ta ở quy mô chưa từng có”.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Năm 2022 tiếp tục chứng kiến các đợt phong tỏa thường xuyên ở Trung Quốc - một phần trong chính sách “zero-Covid” của Bắc Kinh - được cho đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với chính nước này cũng như nền kinh tế toàn cầu hóa của thế giới. “Với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc và tầm quan trọng của nước này đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động và thương mại toàn cầu” - IMF nhấn mạnh trong báo cáo mới nhất.

Việc Trung Quốc bắt đầu giảm bớt các hạn chế Covid-19 vào tháng cuối năm này được xem là chìa khóa cho sự phục hồi tăng trưởng dự kiến vào năm tới, nhưng sự gia tăng các ca nhiễm bệnh gần đây của Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi về tốc độ “bình thường hóa” có thể diễn ra nhanh như thế nào.

Magdalene Teo - trưởng bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định ở châu Á của Julius Baer nhận định: “Việc tinh chỉnh chính sách Covid-19 này của Trung Quốc hiện đang được thử nghiệm khi các ca bệnh tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở trung tâm sản xuất Quảng Châu của họ. Trung Quốc đang nhận ra rằng việc mở cửa trở lại vào mùa Đông này sẽ là điều không dễ dàng”.

Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản - chiếm khoảng 1/5 hoạt động kinh tế ở Trung Quốc - đang suy yếu nhanh chóng. Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp nhà ở Trung Quốc chứng kiến doanh số bán hàng và giá bất động sản tăng cao. Nhưng việc vay mượn quá nhiều từ các nhà phát triển đã dẫn đến việc xây dựng bị đình trệ và giá nhà giảm trong năm 2022, dấy lên làn sóng phẫn nộ của các chủ sở hữu nhà ở Trung Quốc.

Đầu tháng 11 vừa qua, Chính phủ Bắc Kinh đã ban hành một số chỉ thị nhằm “giải cứu” bất động sản, nhưng các nhà kinh tế cho rằng lĩnh vực này khó có thể phục hồi trong “một sớm một chiều”.

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, GDP toàn cầu đã tăng 90% trong khoảng thời gian gần 20 năm (từ 2001 - 2021). Trong giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc liên tục phát triển mạnh với con số tăng trưởng 5,3%/năm và đóng góp 31% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Để so sánh, Mỹ chỉ đóng góp 10%.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc cũng đã tung ra gói kích cầu nhằm duy trì tăng trưởng và hỗ trợ nền kinh tế thế giới. Nhưng giờ đây, không một quốc gia hay khu vực nào được cho có thể đảm đương vai trò đó.

Theo S&P Global, chỉ số quản trị thu mua (PMI) của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mức 50 điểm (mức mức bùng nổ và suy thoái) trong 2 tháng liên tiếp kể từ tháng 9 năm nay. Chỉ số PMI của Mỹ và Eurozone đã ở dưới ngưỡng 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 7/2022.

Dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ 6,0% năm 2021 xuống 3,2% năm 2022 và 2,7% năm 2023, báo cáo của IMF nhận định: “Sức khỏe trong tương lai của nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào việc điều chỉnh thành công chính sách tiền tệ, diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine và khả năng xảy ra thêm những gián đoạn nguồn cung, chẳng hạn như dịch bệnh ở Trung Quốc”.


Nam Trung

Nguồn: kinhtedothi.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.