Chuyên mục
Những lằn ranh đỏ Mỹ từng vượt qua và tương lai hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Những lằn ranh đỏ Mỹ từng vượt qua và tương lai hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Thứ bảy 31/12/2022 07:47 GMT + 7

Cuộc xung đột ở Ukraine trong năm 2023 sẽ chứng kiến phép thử khó khăn khi đứng trước những lằn ranh đỏ mà chính các nước phương Tây đặt ra đối với các vũ khí mà họ cung cấp cho Kiev.


Những lằn ranh đỏ Mỹ tự đặt ra và vượt qua

Giao tranh ác liệt ở Bakhmut cũng như căng thẳng gia tăng trên các tiền tuyến ở phía Nam và phía Đông Ukraine đã báo trước rằng cuộc xung đột hiện nay sẽ kéo dài. Mỹ và châu Âu sẽ cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ Ukraine cho đến khi nhìn thấy lối thoát của xung đột. Câu hỏi cho phương Tây và Ukraine lúc này là: Liệu họ muốn một kết cục như thế nào và làm thế nào để tiến đến mục tiêu đó?

 

Việc cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine trong 10 tháng qua đã đánh dấu sự dịch chuyển đáng kể so với hướng tiếp cận trước đó của Washington với Kiev. Ảnh: AP

 

Trên thực tế, câu trả lời có thể nằm ở các vũ khí mới mà Mỹ và đồng minh sẽ cung cấp cho Ukraine trong những tháng tới, các quan chức Mỹ nhận định.

"Điều tôi nghĩ là Mỹ và các nước khác đang vật lộn lúc này là: Kết cục của cuộc chiến này là gì", một quan chức phương Tây giấu tên đánh giá.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội châu Âu bình luận, bất kỳ tính toán sai lầm nào đều có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.

“Chính quyền Mỹ sẽ cố gắng hết sức để cân nhắc kỹ lưỡng về việc làm thế nào để hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể mà không dẫn đến xung đột giữa Mỹ và Nga hoặc giữa NATO và Nga", ông Ben Hodges cho hay.

Các nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng các tên lửa tầm xa và xe tăng chiến đấu hiện đại - các vũ khí được coi là không nằm trong giới hạn hỗ trợ của các nước phương Tây - là cách duy nhất để đẩy lùi quân đội Nga và đưa cuộc xung đột đến hồi kết. Các quan chức Mỹ vẫn đang tranh luận về tính hiệu quả của các vũ khí trên trong những cuộc giao tranh sắp tới và liệu việc cung cấp chúng cho Kiev có khiến Nga leo thang xung đột đến ngưỡng nguy hiểm hơn hay không, hoặc có thể kéo dài thời gian cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Hai bên vẫn chưa tiến gần triển vọng đàm phán, bất chấp việc Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhận định trong tuần này rằng Kiev sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận do Liên Hợp Quốc làm trung gian vào tháng 2/2023 nhưng chỉ sau khi Nga đối mặt với phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh. Yêu cầu từ phía Ukraine rõ ràng là điều mà điện Kremlin không thể chấp nhận.

Trong khi đó, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là phương Tây sẽ cung cấp cho nước này nhiều vũ khí, đạn dược và trang thiết bị hơn. Nhà lãnh đạo này đã nhắc lại yêu cầu trên trong chuyến thăm bất ngờ tới Washington vào tuần trước. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như vẫn chưa thay đổi quyết định về việc cung cấp xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa, thì chuyến thăm trên của Tổng thống Ukraine đã chứng kiến những thông báo quan trọng từ Washington về việc mở rộng mức độ hỗ trợ quân sự. Washington sẽ sớm cung cấp hệ thống phòng không Patriot và bom chính xác mới cho Ukraine - cả hai loại vũ khí được cho là gần như bất khả thi và phi thực tế chỉ cách đây vài tuần.

Việc cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine trong 10 tháng qua đã đánh dấu sự dịch chuyển đáng kể so với hướng tiếp cận trước đó của Washington với Kiev. Thậm chí sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, chính quyền cựu Tổng thống Obama vẫn từ chối cung cấp các vũ khí tấn công cho Ukraine, mà thay vào đó cung cấp các chương trình huấn luyện và các thiết bị không gây tranh cãi như kính nhìn đêm. Cho tới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, Lầu Năm Góc mới thông qua việc cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev nhưng tên lửa này phải được lưu trữ ở khu vực phía Tây của Ukraine, cách xa tiền tuyến.

Nói về việc cung cấp vũ khí, Mỹ đã nhiều lần thay đổi lằn ranh đỏ kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2. Chỉ trong 1 tuần của tháng 3, Mỹ và NATO đã cung cấp hơn 17.000 tên lửa Javelin cho Ukraine. Trong mùa xuân vừa qua, chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu cung cấp cho Kiev lựu pháo 155mm. Sau đó, vào tháng 6, Lầu Năm Góc thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống pháo phản lực HIMARS M142 với khả năng sát thương cao.

Thông báo Mỹ sẽ sớm vận chuyển hệ thống phòng không Patriot và bom thông minh - những vũ khí trong gói hỗ trợ mới nhất từng được coi là sẽ làm leo thang xung đột vào giai đoạn đầu xung đột, đã cho thấy những thay đổi chính sách xa hơn trong năm tới của Washington khi tất cả các bên đều tìm cách nhanh chóng chấm dứt giao tranh.

Tương lai hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Tổng thống Zelensky đã khẳng định rõ những điều ông muốn. Nhà lãnh đạo Ukraine và các cố vấn hàng đầu của ông đã vạch ra mục tiêu cuối cùng: Đó là giành lại tất cả lãnh thổ do Nga kiểm soát từ năm 2014, bao gồm cả Crimea.

Trong suốt cuộc họp báo chung với Tổng thống Biden ở Nhà Trắng, Tổng thống Zelensky đã gọi hòa bình là "không có sự bất kỳ sự nhượng bộ nào về chủ quyền, tự do và sự thống nhất lãnh thổ". Tổng thống Biden đã nhanh chóng tán thành với nhận định này khi nói rằng: "Tôi nghĩ là chúng ta có chung một tầm nhìn".

Lập trường này hoàn toàn đối lập với quan điểm của Tổng thống Putin khi nhà lãnh đạo Nga tuyên bố rằng sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine nếu điều đó đồng nghĩa Nga phải nhượng bộ lãnh thổ mà nước này sáp nhập từ năm 2014.

"Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế rằng Tổng thống Putin và giới lãnh đạo cấp cao điện Kremlin không có dấu hiệu sẽ từ bỏ mục tiêu của mình dựa trên thực tế chiến trường hiện nay", Michael Carpenter, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cho hay.

Hiện nay, các lực lượng Ukraine đang tập trung vào việc tiếp tục tiến công ngay cả trong điều kiện thời tiết mùa đông lạnh giá.

Giới quan sát nhận định, nếu Ukraine tiếp tục mục tiêu rằng, chỉ có giành lại Crimea thì xung đột mới kết thúc thì giao tranh có thể sẽ kéo dài nhiều năm, chừng nào mà hai bên vẫn còn công cụ để tiếp tục chiến đấu.

Nga và Ukraine hiện đang đào hào chiến ở 2 bờ của sông Dnieper, sau khi Nga rút quân khỏi thành phố Kherson ở phía Nam. Để tiến công, quân đội Ukraine phải vượt sông và giành quyền kiểm soát ở phía đối diện trong một cuộc tấn công đổ bộ khó khăn được ví như cuộc tấn công đổ bộ Normandy trong Thế chiến 2, Trung tướng đã nghỉ hưu Mark Hertling, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ ở châu Âu cho hay.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hai bên sẽ không thể tiến hành một cuộc tấn công lớn trong tương lai gần bởi thời tiết bùn lầy sẽ hạn chế việc di chuyển. Cho tới khi đó, Nga và Ukraine sẽ tiếp tục tiến hành các trận đánh nhỏ dọc tiền tuyến ở phía Đông và phía Nam.

Trong khi HIMARS từng chứng tỏ được khả năng nhắm trúng mục tiêu thì hiện nay, quân đội Nga đã tìm ra cách đối phó với chúng. Moscow đã di chuyển các bốt chỉ huy và kiểm soát, cũng như các kho vũ khí ra khỏi tầm bắn của HIMARS. Giải pháp này đã hạn chế tính hiệu quả của hệ thống trên và khiến Ukraine tăng cường kêu gọi Mỹ hỗ trợ tên lửa ATACMS với tầm bắn lên đến gần 300km.

Cựu chỉ huy Lục quân Mỹ ở châu Âu Hodges cho rằng, ATACMS "chính xác là những gì Ukraine cần hiện nay. Các vũ khí tầm xa này cho phép Ukraine tấn công vào các vị trí trọng yếu của Nga như cầu Kerch, các căn cứ không quân ở Crimea và các tuyến liên lạc.

Tổng thống Zelensky đã đề cập đến vũ khí này trong cuộc trao đổi với Tổng thống Biden vừa qua nhưng Mỹ vẫn từ chối cung cấp chúng.

Trong khi các tên lửa tầm xa vẫn nằm trong tốp ưu tiên hàng đầu của Ukraine thì những vũ khí khác có thể giúp Kiev tiếp tục đà tiến công ở Bakhmut và ở phía Nam như xe tăng Abrams của Mỹ và xe tăng Leopard của Đức.

Các chuyên gia nhận định, các vũ khí hiện đại hơn như hệ thống Patriot và ATACMS không quan trọng bằng việc huấn luyện, công tác hậu cần và thực hiện chiến thuật hiệu quả trong những cuộc giao tranh sắp tới. Chẳng hạn Patriot là một hệ thống tên lửa tầm xa được sử dụng để đối phó với tên lửa đạn đạo và chiến đấu cơ nhưng một hệ thống Patriot không đủ để bảo vệ toàn bộ tiền tuyến 500km của Ukraine, ông Hertling nói, nhấn mạnh rằng, nó phải được sử dụng kết hợp với các hệ thống phòng không tầm trung hoạt động ở độ cao thấp.

Cũng theo ông Hertling, một chương trình huấn luyện mới mà Lầu Năm Góc thông báo gần đây sẽ huấn luyện cho binh lính Ukraine các chiến thuật mới để huy động bộ binh và hỗ trợ pháo binh, vốn là đóng vai trò then chốt để thực hiện các cuộc vượt sông thành công./.

 

Kiều Anh

Nguồn: vov.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.