Chuyên mục
Nhiều trẻ nguy cơ biến chứng khi mắc virus hợp bào hô hấp (RSV)

Nhiều trẻ nguy cơ biến chứng khi mắc virus hợp bào hô hấp (RSV)

Thứ sáu 30/10/2020 14:59 GMT + 7

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ em mắc virus RSV tăng gấp đôi trong một tháng trở lại đây, với khoảng 30-40 trẻ/ngày, có ngày hơn 40 em.

Mấy ngày qua, tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), các giường đều kín bệnh nhi. Nhiều trẻ được hỗ trợ thở oxy do viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp…

Tại phòng chăm sóc đặc biệt, anh B.T.L. (Nghệ An) đang chăm sóc con gái 4 tháng tuổi. Anh cho biết con gái có biểu hiện sốt, khò khè nên được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An 10 ngày, sau đó, chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé được xác định nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).

 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi Sức hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bé mắc virus RSV.

 

Hiện bé điều trị được 5 ngày và hồi phục rất chậm, phải thở máy. Bác sĩ cho biết con anh L. sinh non ở tuần 28, là trường hợp có nhiều nguy cơ cao gặp biến chứng khi mắc virus này.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trung tâm có 147 giường bệnh nhưng hiện tại tiếp nhận tới 150-160 ca/ngày. Các bệnh nhi đều dưới 6 tháng tuổi. Những trường hợp nặng hầu hết đều có bệnh lý nền đi kèm. Trong đó, 1/3 bệnh nhi mắc virus hợp bào hô hấp.

Được biết, trước đây Trung tâm chỉ tiếp nhận 10-15 bệnh nhi/ngày mắc virus hợp bào hô hấp. Nhưng hiện nay, mỗi ngày có khoảng 30-40 trẻ, có ngày hơn 40 em.

“Hiện số ca mắc tăng vì vào giai đoạn giao mùa, điều kiện không khí, độ ẩm có sự thay đổi tạo điều kiện để virus phát tán mạnh”- PGS Lê Thị Hồng Hanh cho biết.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi Sức hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.

Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi điểm là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí, tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh…, bệnh diễn biến rất nhanh và nặng.



BS Lê Thanh Chương cho biết, virus RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.


BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hơn 80% trẻ dưới 5 tuổi bị viêm mũi họng, ho, thở khò khè, viêm phế quản, viêm phổi là do virus RSV gây ra. Tùy theo vị trí viêm mà có biểu hiện lâm sàng khác nhau.

BS Phúc phân tích, tổn thương viêm đường hô hấp trên, tức là viêm mũi họng, biểu hiện lâm sàng là các triệu chứng kích ứng đường hô hấp trên như nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho và khàn tiếng; thường không kèm theo sốt.

Viêm đường hô hấp dưới, chủ yếu là viêm tiểu phế quản, nặng hơn nữa là viêm phổi. Bệnh phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi. Trong 2-4 ngày đầu, xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp trên nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt; các triệu chứng đường hô hấp dưới như ho, thở khò khè xuất hiện ngay sau đó. Nặng hơn, trẻ khó thở, thở gấp gáp và khó bú, đó là những dấu hiệu của viêm phổi.

Bệnh tiến triển rõ ràng vào khoảng ngày thứ 3-4, tình trạng nặng vào ngày 5-6, sau ngày thứ 7-10 giảm dần và tự khỏi.

“Virus RSV dễ biến đổi nên hệ miễn dịch cơ thể không đặc hiệu, nhất là trẻ em không thể tạo ra miễn dịch bền vững sau khi nhiễm virus, trẻ không tránh khỏi nhiễm RSV nhiều lần”- BS Phúc cho biết.

Các chuyên gia y tế cho rằng, mặc dù virus RSV không phải là bệnh truyền nhiễm theo quy định, nhưng do khả năng lây lan cao, nên khuyến cáo để trẻ ở nhà trong thời gian bị bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế đưa trẻ đến chơi ở những nơi quá đông người.

Đối với trẻ nhỏ, tiếp tục cho trẻ bú mẹ sau 6 tháng, tốt nhất là bú đến 1 tuổi, bởi IgA trong sữa mẹ giúp trẻ có thêm sức đề kháng các bệnh đường hô hấp.

“Bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cho con uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin… Trẻ có thể tự khỏi nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa tới bệnh viện kịp thời. Cha mẹ lưu ý nếu trẻ không có bội nhiễm vi khuẩn thì không cần dùng kháng sinh”- PGS Hanh khuyến cáo./.


Minh Khánh

Nguồn: vov.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.