Chuyên mục
Nhiều phụ huynh TP.HCM lo con ở nhà học online khi đi làm trở lại

Nhiều phụ huynh TP.HCM lo con ở nhà học online khi đi làm trở lại

Thứ sáu 08/10/2021 17:30 GMT + 7

Trẻ không có người ngồi bên hỗ trợ thao tác khi đăng nhập vào lớp học online, thiếu thiết bị học tập, là những lo lắng của nhiều phụ huynh khi quay trở lại công việc.


Đi làm lại từ ngày 4/10 nhưng đến nay chị Nguyễn Thị Duyên (quận 8, TP.HCM), phụ huynh học sinh lớp 1, chưa tìm ra cách hỗ trợ con học online hiệu quả. Con ở nhà với bà ngoại đã 60 tuổi, việc đăng nhập vào lớp khó khăn với hai bà cháu.

Buổi sáng 8h, chị Duyên mở sẵn lớp học online cho con trên máy tính bảng rồi nhờ bà trông cháu để đi làm. Đến khoảng 9h30, chị phải chạy từ cơ quan về nhà để mở link lớp học Tiếng Anh rồi quay trở lại làm việc.

"Tiết đầu con học với cô giáo chủ nhiệm đã có link cố định nhưng môn Tiếng Anh là một phòng học khác. Ngày tôi đổi được lịch làm việc với đồng nghiệp, có thể ở nhà hỗ trợ con. Ngày không đổi được lịch, tôi đành chạy đi chạy về", nữ phụ huynh cho biết.

 


Đi làm lại, nhiều phụ huynh không yên tâm khi để con nhỏ xoay xở với máy tính, ổ điện. Ảnh minh họa: Phạm Thắng.


Học qua truyền hình, xem lại video


Ởlớp chủ nhiệm, cô Phạm Ngọc Hoài Ngân, giáo viên lớp 1, trường Tiểu học Mê Linh (quận 3), cũng gặp trường hợp phụ huynh tâm sự khi đi làm lại, không thể cho bé học online vào ban ngày.

Vì số lượng trẻ bị ảnh hưởng không nhiều, cô Ngân hướng dẫn phụ huynh cho trẻ xem bài giảng trên kênh của Đài truyền hình TP.HCM (HTV). Trình tự chương trình bài giảng trên HTV trùng khớp với nội dung bài hàng ngày của lớp chị Ngân và được chiếu lại nhiều lần.

"Nếu học sinh không thể học trực tiếp với giáo viên, có thể học qua truyền hình, cô giao bài tập qua hệ thống, tối về phụ huynh vẫn có thể kèm con học, làm bài. Giáo viên có thể hỗ trợ thêm nếu bé gặp khó khăn. Ngoài ra, mỗi quận đều có một kho bài giảng video chung, học sinh có thể xem nên đều học được", cô Ngân đưa ra phương án.

Theo cô, lịch học online của một lớp rất khó thay đổi chỉ vì một, hai trường hợp. Hơn nữa, phụ huynh ban ngày đi làm, về đến nhà cũng phải chăm lo gia đình, cần nghỉ ngơi nên khó có thể ngồi học cùng con được. Theo kinh nghiệm của cô Ngân, dạy online vào buổi tối, hiệu quả không cao đối với trẻ. Thời gian này để trẻ làm bài tập, ôn lại bài sẽ hợp lý hơn.

Cô Phạm Đình Cúc Hân, giáo viên lớp 3, trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn, cho rằng sau 2 tuần học chính thức, trẻ đã quen với thao tác trên thiết bị như đăng nhập, bật mở microphone, camera để vào lớp. Với các phòng học online, mỗi lớp làm một đường link duy nhất, dùng lâu dài. Phụ huynh chỉ cần cài đặt sẵn vào laptop, máy tính bảng là con có thể tự đăng nhập vào lớp mỗi ngày.

Ngoài ra, mỗi tiết dạy online, giáo viên còn ghi hình lại, đăng lên YouTube để học sinh xem lại. Nếu vắng mặt buổi nào, học sinh vẫn có thể xem lại buổi đó.

 


Một số phụ huynh mong chuyển giờ học online sang buổi tối để có thể hỗ trợ con. Ảnh: PN.


Linh động chuyển giờ học online


Thầy Trần Văn Tám, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học An Phú 2 (huyện Củ Chi) cho biết thực tế trường có nhiều phụ huynh là công nhân nhà máy đi làm lại từ ngày 1/10.

Với học sinh tiểu học, đây mới là tuần thứ 3 các em chính thức học online. Học sinh lớp 1, 2 vẫn cần người lớn hỗ trợ. Phụ huynh đi làm, không có người trông con, ngồi kèm con học online hoặc có trường hợp bố mẹ đi làm thì trẻ không có điện thoại, máy tính để học.

"Ban giám hiệu nhà trường dự đoán được tình huống này nên đã chỉ đạo giáo viên họp phụ huynh, lấy ý kiến thỏa thuận thống nhất thời gian giờ dạy trong ngày sao cho thuận lợi để phụ huynh có điều kiện giúp con. Nếu lớp có nhiều phụ huynh đã đi làm lại, có nhu cầu chuyển giờ học online sang buổi tối, giáo viên phải linh động theo số đông, không cứng nhắc", thầy Tám nói.

Tương tự, thầy Nguyễn Trung Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) chia sẻ sự vất vả của phụ huynh khi vừa lo toan công việc vừa tìm phương án trông con khi đi làm trở lại. Thầy cho rằng tình trạng này sẽ ngày càng phổ biến trong thời gian tới, nên giáo viên, nhà trường phải linh động hỗ trợ học sinh.

"Tôi nghĩ việc chuyển giờ học khá dễ dàng, giáo viên có thể linh động, trao đổi với phụ huynh, miễn sao hiệu quả tốt nhất cho học sinh", thầy Hải chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8), cho biết việc trẻ gặp khó khăn trong lịch học online khi phụ huynh đã bắt đầu đi làm lại là có và sẽ nhiều lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mỗi buổi dạy online các giáo viên đều ghi hình lại và đăng lên YouTube. Nếu trẻ nào không thể học chung với lớp thì có thể lên YouTube học lại sau. Giáo viên sẽ hỗ trợ thêm nếu phụ huynh cần.

"Một lớp học có đến gần 50 học sinh hoặc hơn, việc thống nhất giờ giấc học online theo ý kiến phụ huynh là điều rất khó", cô Trang cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thừa nhận từ ngày 1/10, cha mẹ học sinh đi làm lại nên việc giám sát, hỗ trợ thiết bị điện thoại di động cho con cái học tập sẽ gặp khó khăn. Nắm bắt tình hình đó, sở đã chỉ đạo các trường và giáo viên chủ động chọn phương án phù hợp để dạy trực tuyến cho học sinh, đặc biệt các lớp 1, lớp 2.


Minh Nhật

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.