Chuyên mục
Người Mỹ lo trừng phạt Nga ''quá tay''?

Người Mỹ lo trừng phạt Nga ''quá tay''?

Thứ bảy 06/03/2021 05:21 GMT + 7

Nga cảnh báo các biện pháp trừng phạt sẽ phá hủy kết quả quan hệ song phương Nga – Mỹ cũng như với EU và tuyên bố sẽ đáp trả.

Nga sẽ trả đũa

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/3 tuyên bố, Moscow sẽ sớm công bố danh sách các công dân Mỹ mà nước này sẽ đáp trả nhằm phản ứng với các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với những công dân Nga liên quan tới vụ Alexei Navalny.

Cũng trong ngày 5/3, Điện Kremlin bày tỏ hy vọng những lời kêu gọi quá đà về việc trừng phạt doanh nhân Nga sẽ không thành hiện thực, song Moscow đang lên kế hoạch tốt nhất để bảo vệ lợi ích, công dân và các doanh nghiệp Nga. Điện Kremlin cho biết đang giám sát chặt chẽ các thông tin truyền thông về khả năng Mỹ áp đặt vòng trừng phạt mới.

Ngày 3/3, Điện Kremlin cho biết sẽ trả đũa bằng các biện pháp tương ứng với các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt liên quan vụ Navalny. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt theo cách tốt nhất với lợi ích của nước này.

 


Tổng thống Mỹ J. Biden "ra đòn" đầu tiên với Nga


Khi được hỏi về cách Nga sẽ đáp trả các trừng phạt mới nhất, ông Dmitry Peskov nói: "Tất nhiên không thể áp dụng các nguyên tắc có đi có lại". Ông Peskov cũng cảnh báo các biện pháp trừng phạt sẽ phá hủy kết quả quan hệ song phương Nga – Mỹ cũng như với EU.

Ngày 2/3, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì những gì mà Washington mô tả là âm mưu của Moscow nhằm đầu độc nhân vật Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh hồi năm ngoái. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào 7 quan chức cấp cao của Nga, trong số đó có người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và 14 thực thể. Đây được coi là thách thức trực tiếp của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Điện Kremlin.

Bình luận về các biện pháp trừng phạt, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói: "Cộng đồng tình báo (Mỹ) tự tin đánh giá rằng các sĩ quan của FSB đã dùng chất độc thần kinh đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexi Navalny”. Trong số những người bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen có Alexander Bortnikov, Giám đốc FSB; Andrei Yarin, trưởng ban chính sách đối nội của Điện Kremlin; và các Thứ trưởng Quốc phòng Alexei Krivoruchko và Pavel Popov.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết “danh sách đen” cũng bao gồm cựu Thủ tướng Sergei Kiriyenko, người hiện là Phó Chánh văn phòng Điện Kremlin; Alexander Kalashnikov, người phụ trách Nhà tù liên bang; và Tổng công tố Igor Krasnov. Do đó, tất cả tài sản của 7 cá nhân thuộc quyền tài phán của Mỹ sẽ bị đóng băng và người dân Mỹ sẽ bị cấm giao dịch với họ.

Ngoài ra, người nước ngoài nào cố tình “tạo điều kiện cho giao dịch quan trọng" với những người trên cũng có nguy cơ bị xử phạt. Vấn đề là hiện không rõ liệu 7 cá nhân trên có tài sản tại Mỹ hay không. Do đó, giới phân tích hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, thậm chí coi động thái này chỉ mang tính biểu tượng.

Người Mỹ lo sợ

Đánh giá về các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Nga, tạp chí National Interest (NI) cho rằng Washington có thể công bố các biện pháp tiếp theo trong những tuần tới. Mặc dù vậy, đội ngũ của Tổng thống Biden cũng đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác với Nga trong những lĩnh vực cùng quan tâm mặc dù trước đó tuyên bố rõ ràng Mỹ sẽ không nỗ lực để cài đặt lại quan hệ với Moscow.

Theo NI, các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Nga do chính quyền của ông Biden đưa ra có thể được coi là một sự thỏa hiệp thỏa đáng. Cũng như các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt với một số quan chức Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, các biện pháp trừng phạt Nga nằm trong nỗ lực cân bằng những lợi ích mâu thuẫn và cạnh tranh của Mỹ.

 


Ông Biden muốn thể hiện cứng rắn với Nga hơn người tiền nhiệm?


Ngay từ ngày đầu tiên, chính quyền ông Biden đã muốn có sự khác biệt trong cách tiếp cận của mình đối với Nga, đặc biệt là khác biệt so với người tiền nhiệm Donald Trump nhưng cũng sẽ không mang tính trực tiếp so với những nỗ lực trong nhiệm kỳ đầu của các chính quyền Bush và Obama. Các biện pháp này nhằm tạo ra dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden sẽ không ngần ngại "đẩy lùi" các hành động của Nga mà Washington thấy "chướng tai gai mắt".

NI cho rằng, các biện pháp trừng phạt cho thấy rằng đội ngũ an ninh quốc gia của ông Biden không có quan điểm thống nhất về 2 vấn đề quan trọng. Đầu tiên là đánh giá về sức mạnh của Nga và thứ hai là rủi ro trong việc hợp tác với Nga xử lý các vấn đề Iran và Triều Tiên.

Tờ tạp chí Mỹ thừa nhận rằng dường như đội ngũ của Tổng thống Biden vẫn chưa sẵn sàng để đánh cược rằng nước Nga của Tổng thống Putin đang ở giai đoạn cuối cùng của thời kỳ hùng mạnh hoặc Moscow không thể tăng phí tổn nếu Nga quyết định phản đối các sáng kiến của Mỹ.

Ngoài ra, NI băn khoăn hành động của Mỹ đối với Nga ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của Mỹ với Đức và Trung Quốc. Đức đã báo hiệu rõ ràng với Washington rằng Berlin sẽ không "theo gót" Mỹ trong vấn đề này và rằng Đức có những lợi ích trong quan hệ với Nga mà họ không muốn Mỹ phớt lờ.

NI còn lo ngại việc Mỹ tập trung quá nhiều vào Nga trong ngắn hạn sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục củng cố vị thế của mình. Hơn nữa, khi các cán cân quyền lực tương đối tiếp tục nghiêng nhiều hơn theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, điều này có thể tạo cơ hội khuyến khích Moscow xem xét lại chiều sâu của quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc.

 


Người Mỹ tỏ rõ sự lo lắng khi "quá tay" với Nga


Với những nhận định trên, NI cho rằng bất kỳ biện pháp nào áp đặt đối với Nga cần có những “đường tắt” rõ ràng có thể mang lại cơ hội bình thường hóa quan hệ với Moscow. Khi chính quyền Biden cố gắng tạo ra một sự đồng thuận mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương trong chính sách đối với Trung Quốc, điều này có thể đòi hỏi Mỹ sẽ phải thỏa hiệp với Đức về chính sách đối với Nga để đạt được cam kết của Berlin tham gia những nỗ lực mạnh mẽ hơn của Washington.

Trong khi đó, hai chuyên gia về nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 4/3 đánh giá các biện pháp trừng phạt của Mỹ dựa trên các tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã vi phạm quyền của công dân các quốc gia khác, trong đó có Nga, Trung Quốc và Cuba.

Tuyên bố chung của bà Alena Douhan, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về tác động tiêu cực của các biện pháp hăm dọa đơn phương đối với quyền con người, và ông Obiora C. Okafor, Chuyên gia Độc lập LHQ về quyền con người và đoàn kết quốc tế, cho rằng các tình trạng khẩn cấp dường như chỉ là cớ để Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt một cách "tùy tiện".

Tuyên bố nhận định hệ thống chính trị Mỹ cho các tổng thống nhiều quyền lực để ban bố những lệnh trừng phạt vi phạm các quyền căn bản như tự do đi lại, tụ họp, kinh tế và xã hội của người dân tại nhiều nước như Trung Quốc, Cuba, Haiti, Iran, Nicaragua, Nga, Syria, Venezuela, Zimbabwe và những nước khác trên thế giới.


Đông Triều

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.