Chuyên mục
EU trừng phạt Nga: Bổn cũ soạn lại

EU trừng phạt Nga: Bổn cũ soạn lại

Thứ tư 24/02/2021 10:20 GMT + 7

Ngày 22/2, Hội nghị các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) quyết định trừng phạt Nga với lý do từ chối yêu cầu thả tự do cho nhân vật đối lập Alexei Navalny. Chuyện không bất ngờ. Liệu có gì mới không?

Nói không bất ngờ bởi việc EU trừng phạt Nga đã diễn ra từ hơn chục năm nay, liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền và các mối đe dọa an ninh... Những sự kiện mà EU từng viện dẫn để áp đặt lệnh trừng phạt là xung đột ở miền Đông Ukraine, Nga sáp nhập bán đảo Crimea (2014), vụ đầu độc cựu điệp viên Alexander Litvinenko (2006) và Sergei Skripal (2018)…

 


Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Moscow đầu tháng 2/2021. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Nga)


Công cụ quen dùng


Các quyết định trừng phạt Nga của EU và Mỹ thường không đưa ra được chứng cứ vững chắc. Nhiều cáo buộc khó thuyết phục hoặc khó có bằng chứng cụ thể kiểu như Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ, tấn công mạng SolarWinds, xâm nhập hơn 100 công ty toàn cầu và 9 cơ quan chính phủ Mỹ, dẫn dụ Donald Trump gây bạo loạn ở Nhà Quốc hội Mỹ...

Ngay từ tháng 10/2020, EU đã ban hành lệnh trừng phạt Nga vì lý do đầu độc Alexei Navalny. Đầu tháng 2, Nga trục xuất 3 nhà ngoại giao Đức, Ba Lan và Thụy Điển vì tham gia cuộc biểu tình trái phép phản đối chính quyền bắt giữ, xét xử, phạt tù Alexei Navalny. EU đáp trả bằng lệnh trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga.

Ngày 4-6/2, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Joseph Borrells có chuyến công cán đến Nga, nhằm trao đổi một số nội dung, trong đó có vấn đề Alexei Navalny. Chuyến công cán đầu tiên của quan chức cấp cao đến Nga tính từ năm 2017 thất bại. Ngày 9/2, ông Joseph Borrells tuyên bố EU sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt, vì Nga đang đi theo con đường rời xa châu Âu và EU cần gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Nga.

Các lệnh trừng phạt hơn chục năm qua cùng với nhiều hoạt động khác nhằm tô vẽ hình ảnh Nga là quốc gia mất dân chủ, vi phạm nhân quyền, mối đe dọa của phương Tây, gây áp lực, cô lập Nga khỏi thế giới, làm Nga suy yếu. Ngoài mục đích trên, Alexei Navalny còn là cái cớ để EU kích động lực lượng chống đối biểu tình, gây bất ổn trước cuộc bầu cử Quốc hội Nga diễn ra vào tháng 9.

Có ý kiến cho rằng Nga hành động không khôn khéo, tạo cớ cho EU trừng phạt, trong lúc rất cần bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây. Nhưng đặt yêu sách, gây áp lực đòi thả Alexei Navalny là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, xâm phạm “lằn ranh đỏ”. Nga bác bỏ cáo buộc và phản ứng cứng rắn bởi không thể nhượng bộ.

Tổng thống Putin tuyên bố “chúng ta không thể và sẽ không cho phép xảy ra bất kỳ đòn nào giáng vào chủ quyền của mình và quyền làm chủ của người dân Nga trên mảnh đất của họ”. Thế và lực của Nga đủ để tiến hành các biện pháp đối phó cần thiết với EU.

Không có gì mới


Trước cuộc họp các Ngoại trưởng EU, đã có tuyên bố sẽ lần đầu tiên áp đặt cơ chế trừng phạt quốc tế với Nga, đẩy quan hệ với Nga lên một nấc thang căng thẳng mới.

Kết cục lệnh trừng phạt lần này là: Cấm đi lại trong phạm vi châu Âu và đóng băng tài sản của một số quan chức (4 người) có liên quan với Tổng thống Putin và việc bắt giữ, xét xử, bỏ tù Alexei Navalny. Quyết định này cần được Ủy ban châu Âu phê chuẩn vào đầu tháng 3 và chắc chắn sẽ được thông qua. Có thể kèm thêm một số biện pháp trừng phạt khác. Nhưng không xảy ra điều mà Ba Lan và một số nước Baltic muốn là “một trận chơi lớn” bao gồm trừng phạt kinh tế, dừng xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2. Cũng không có chuyện cắt đứt quan hệ.

 


Hội nghị các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quyết định trừng phạt Nga vì lý do từ chối yêu cầu thả tự do cho nhân vật đối lập Alexei Navalny không phải là chuyện bất ngờ. (Nguồn: RIA Novosti)


Ngoại trưởng Mỹ hoan nghênh quyết định của các Ngoại trưởng EU. Ngoại trưởng Nga tỏ thái độ “thất vọng”. Nhưng nhiều nhà chính trị, ngoại giao quốc tế cho rằng hành động như vậy khá nhẹ, ít tác động thực tế, chỉ có ý nghĩa tượng trưng, không có gì mới!

Nhận xét như vậy cũng đúng. Vì trước đó, EU đã từng áp đặt các lệnh trừng phạt cao hơn về kinh tế, cấm vào châu Âu và đóng băng tài sản của nhiều quan chức Nga cấp cao (Tổng công tố viên, người đứng đầu Vệ binh Quốc gia…), doanh nghiệp, tổ chức, trục xuất 150 nhà ngoại giao, đóng cửa các dự án truyền hình Nga ở Baltic, dừng các kênh truyền hình Nga ở Ukraine…

Về lý do, một số cho rằng dư địa đối phó của EU với Nga khá hạn chế. Nội bộ EU chia rẽ vì lợi ích khác nhau trong quan hệ với Nga. Pháp, Đức và một số nước có vai trò lớn kêu gọi tiếp cận có mục tiêu hơn, mang tính chính trị, bỏ qua các biện pháp kinh tế.

Chục năm cấm vận tuy gây ra cho Nga nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Nga vẫn đứng vững, ngày càng tự chủ hơn. Cấm vận cũng tác động trở lại nhiều nước EU. Dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là tự bắn vào chân mình, các công ty châu Âu sẽ phải đền bù số tiền rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn khí đốt cho sản xuất, đời sống của Đức và một số nước. Bộ trưởng Kinh tế Đức nêu quan điểm không nên liên hệ vấn đề xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 với vụ ông Alexei Navalny.

Nga đã xây dựng Hiến pháp mới, tạo tiền đề củng cố Nhà nước Nga, ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Nga có lực lượng quân sự mạnh, có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Xung đột ở nhiều khu vực, thỏa thuận hạt nhân Iran khó dàn xếp nếu không có sự tham gia của Nga.

Trước đó, ngày 12/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo: Nga sẵn sàng cắt đứt quan hệ với EU nếu tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt vào các lĩnh vực gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm. Nga “không muốn cô lập mình với thế giới, nhưng chúng tôi cần chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó”. Có câu “bạn muốn có hòa bình, bạn phải chuẩn bị cho chiến tranh”.

Trong bối cảnh đó, EU khó có thể làm gì hơn.

Tiếp theo là gì?


Tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 ở Đức đầu năm 2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi thúc đẩy đối thoại và bình thường hóa quan hệ với Nga. Tổng thống Nga Putin cũng một số lần bày tỏ sẵn sàng hợp tác với quân sự, an ninh, kinh tế với EU và bình thường hóa quan hệ mang lại lợi ích chung cho cả 2 bên. Nhưng vực sâu khó lấp đầy.

Nga và EU cần nhau nhưng khó có thể hợp tác. Hai bên không thể tách rời nhau nhưng lại luôn đối phó với nhau. EU lại sẽ đối phó, trừng phạt như đã từng làm, không chỉ theo nguyên tắc, lợi ích của họ mà còn vì các mối quan hệ khác. Nhưng chắc chắn trừng phạt không khuất phục được Nga, không buộc Nga thay đổi lập trường đối với Ukraine, Crimea và nhiều vấn đề khác.

 

Vũ Đăng Minh

Nguồn: baoquocte.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.