Chuyên mục
Ngại dịch COVID-19 không đến viện, nhiều ca mắc sốt xuất huyết nguy kịch

Ngại dịch COVID-19 không đến viện, nhiều ca mắc sốt xuất huyết nguy kịch

Thứ sáu 08/10/2021 14:23 GMT + 7

Theo các chuyên gia, đây là một trong những sai lầm thường gặp hiện nay trước nguy cơ “dịch chồng dịch” COVID -19 và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.


Anh Nguyễn Việt Long, 21 tuổi, ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội bị sốt xuất huyết và đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Long chia sẻ, bị sốt cao liên tiếp trong 5 ngày nhưng do dịch COVID-19 nên Long ngại đến bệnh viện. Anh tự mua thuốc về nhà để uống nhưng không đỡ.

Ngày 29/9 vừa qua, Long đến bệnh viện khám và được chẩn đoán men gan tăng quá cao, chảy máu chân răng do sốt xuất huyết và phải nhập viện điều trị. Đến nay, tình trạng sức khỏe của Long dần ổn định, tuy nhiên do men gan vẫn còn tăng cao nên bệnh nhân vẫn đang được theo dõi sát sao.

 


Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).


Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân N.V.A (ở quận Đống Đa, Hà Nội) chạy thận chu kỳ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo. Ngày 1/10, khi đang thực hiện lọc máu chu kỳ tại bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện rét run kèm sốt cao nên được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9 và chuyển vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới sau khi xét nghiệm Dengue dương tính, test Covid âm tính.

Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy bạch cầu, tiểu cầu đều hạ, thiếu máu, có dịch trong ổ bụng. Bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và hiện đang theo dõi chặt chẽ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm 2021 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện, nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính… Các bệnh nhân đến từ hầu hết các địa bàn quận, huyện ngoại thành và các vùng lân cận của Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

 


Một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).


Số ca nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu,…

PGS Cường nêu rõ, điểm khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu. “Dịch sốt xuất huyết năm nay xảy ra khi Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, người dân lo ngại đi bệnh viện nên dễ xảy ra những bất cập do nguy cơ “dịch chồng dịch”, BS Cường cho hay.

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.

 


PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm.


Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như sốt, đau mỏi cơ. Vì vậy, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Các chuyên gia khuyến cáo, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như cảnh đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, người dân thấy sốt hoặc vấn đề bất thường cần phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Với người bị sốt xuất huyết, khi phát hiện bệnh sớm sẽ điều trị nhanh khỏi, tránh trường hợp phát hiện bệnh muộn, không điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm.

“Chúng tôi thường xuyên phun khử khuẩn xung quanh bệnh viện để tránh muỗi và trong những đợt mưa, cố gắng không để đọng những vũng nước lâu ngày. Trong công tác phòng chống dịch, việc tuyên truyền rất quan trọng, nhằm nâng cao ý thức của người dân, ý thức của nhân viên y tế để cùng chung tay, góp sức với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch”- BS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.

 

Minh Khánh

Nguồn: vov.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.