Chuyên mục
Nga ráo riết chuẩn bị cho 'Ngày tận thế'

Nga ráo riết chuẩn bị cho 'Ngày tận thế'

Thứ bảy 17/10/2020 16:47 GMT + 7

Nga đang phát triển phiên bản thế hệ mới của “Chuyên cơ ngày tận thế” trên nền tảng máy bay dân dụng Il-96-400M.

 

Nga phát triển phiên bản mới của “Chuyên cơ ngày tận thế”?

Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp hàng không Nga, các trạm chỉ huy trên không, còn được gọi là “Chuyên cơ ngày tận thế” hay “tổ hợp bộ chỉ huy trên không, điều khiển chiến lược” của Nga, sẽ được chuyển từ máy bay chuyên dụng Ilyushin Il-80 sang Il-96-400M.

Theo cơ quan này, việc thay thế bằng máy bay Il-96-400M sẽ làm tăng đáng kể thời gian làm nhiệm vụ chiến đấu của đài chỉ huy trên không và tăng phạm vi bao phủ của việc kiểm soát quân đội.

Nguồn tin cho biết, máy bay dân dụng Il-96-400M sẽ được trang bị động cơ PS-90A1 của Nga và chỉ sử dụng các linh kiện do Nga sản xuất. IL-96-400M mới sẽ có sẵn ba biến thể: Ba loại 305 chỗ ngồi, hai loại 350 chỗ và một loại chuyên cho thuê bay gồm 402 chỗ. Máy bay sẽ trở thành biến thể của Il-96-300 được sản xuất hàng loạt.

Tuy nhiên, nguồn tin không tiết lộ về thời điểm “Chuyên cơ ngày tận thế” mới của Nga sẽ được chế tạo, và sẽ có bao nhiêu bản sao của đài chỉ huy trên không dựa trên cơ sở Il-96-400M.

Theo giới thiệu sơ bộ “Tổng hành dinh trên không thế hệ mới” có tính bảo vệ rất cao, hoạt động đa chức năng, độ tin cậy, các tính năng về trọng lượng và tiêu thụ điện cũng được nâng cấp cải thiện so với “Chuyên cơ Ngày tận thế” thế hệ thứ nhất và thứ hai, được chế tạo trên cơ sở máy bay Il-80.

Thông tin về việc Nga phát triển phiên bản “Máy bay ngày tận thế” trên cơ sở Il-96-400M được tiết lộ một cách bất ngờ bởi tổ hợp thế hệ thứ hai được lắp đặt trên Il-80 mới được biên chế cho Bộ tư lệnh tối cao Nga chưa lâu [thế hệ thứ nhất cũng được lắp đặt trên Il-80].

 


“Máy bay ngày tận thế” Il-96-400M có ngoại hình tương đối khác so với Il-80.


Hồi tháng 12/2015, Tập đoàn liên hiệp chế tạo máy (OPK, thuộc Tập đoàn Công nghệ Quốc gia Nga Rostec) Nga mới kết thúc thành công các thử nghiệm nhà nước cho máy bay Il-80 thế hệ 2 và đến đầu năm 2016 mới bàn giao chiếc đầu tiên cho Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.

Theo dữ liệu, Nga hiện có 4 ‘Chuyên cơ ngày tận thế’ Il-80 và một cặp máy bay Il-76SK. Thông tin chi tiết của các máy bay này được xếp vào loại bí mật nhà nước nhưng vẫn có những tham số và tính năng cơ bản được tiết lộ.

Chức năng của “Chuyên cơ ngày tận thế”


Biệt danh “Máy bay ngày tận thế” được người Mỹ đặt cho các trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên không. Tại Hoa Kỳ, chức năng của các trạm chỉ huy như vậy được thực hiện bởi máy bay E-4B, được cải hoán dựa trên cơ sở máy bay dân dụng Boeing 747.

Lầu Năm Góc tin rằng, Nga sẽ sử dụng chúng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, nếu các trạm chỉ huy quân sự mặt đất bị phá hủy. Hiện nay, cũng chỉ có Nga và Hoa Kỳ mới đủ trình độ khoa học kỹ thuật để chế tạo những chiếc chuyên cơ loại này.

“Chuyên cơ Ngày tận thế” là máy bay cỡ lớn được thiết kế đặc biệt dành riêng cho tổng thống và các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng trong kịch bản có chiến tranh hạt nhân.

Nó thực chất là một trung tâm chỉ huy di động trên không cho trong tình huống khẩn cấp [ví dụ như có chiến tranh hạt nhân] cần triển khai lực lượng tác chiến, trong điều kiện thiếu cơ sở hạ tầng trên mặt đất hoặc trong trường hợp các điểm chỉ huy, sở chỉ huy và đường dây liên lạc trên mặt đất bị phá hủy.


Một chiếc Il-80 được tiêm kích Su-27 hộ tống trong “Ngày chiến thắng” năm 2013.


Thiết kế của máy bay cho phép tiếp nhận vận chuyển Bộ chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang, các nhóm sỹ quan điều khiển tác chiến Bộ Tổng tham mưu và đội ngũ kỹ thuật viên đảm bảo hoạt động thiết bị đặc biệt trên máy bay, biến máy bay thành một Tổng hành dinh điều khiển chiến lược trên không.

Theo thông tin của trang web Global Security, tính năng kỹ thuật của những tổ hợp chỉ huy đặc biệt trên không của Nga và Mỹ có thể đảm bảo việc chỉ huy-điều khiển lực lượng lục quân, các hạm đội hải quân, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược trong tình huống xảy ra xung đột hạt nhân.

Với tính năng đặc biệt của mình, rất hiếm khi người ta nhìn thấy các “Chuyên cơ Ngày tận thế” bay trên bầu trời, ví dụ như ở Nga có một vài lần được giới thiệu tổng quan ở các triển lãm hàng không Moscow (MARK) hay bay trên bầu trời trong lễ kỷ niệm “Ngày chiến thắng”.

Sơ bộ tính năng của “Máy bay ngày tận thế” Il-80 Aimak

Tập đoàn liên hiệp chế tạo máy (OPK) cho biết, Ilyushin Il-80 (sau này Nga đặt là Aimak), được NATO định danh “Maxdome”, được hoán cải, nâng cấp và lắp đặt thêm nhiều thiết bị trên cơ sở máy bay hàng không dân dụng Il-86. Nó được biên chế chính thức trong quân đội Liên Xô vào năm 1987, lần đầu tiên công khai trước phương Tây vào năm 1992.

Il-80 có chiều dài 60,21m, chiều cao 15,68m, sải cánh 48,06m. Máy bay có trọng lượng không tải 117,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa (MTOW) 215 tấn, trọng lượng hạ cánh tối đa 175 tấn.

Nó có khả năng mang theo 86 tấn (189.630 lb) nhiên liệu và tải trọng hữu ích lên tới 40 tấn, có khả năng chuyên chở hơn 350 người.



Một chiếc Il-80 được 3 máy bay tiêm kích MiG-29 bảo vệ.


Chiếc chuyên cơ độc đáo này được trang bị 4 động cơ phản lực NK-86, lực đẩy 127,5kN, tốc độ hành trình từ 850-900 km/h, phạm vi hoạt động 5.000 km, độ cao hành trình 12 km.

Máy bay còn được lắp thêm hai hệ thống máy phát điện độc lập nằm dưới cánh, sát bụng máy bay để cung cấp điện năng cho toàn bộ hệ thống bên trong.

Il-80 Maxdome nổi bật với phần ăng ten liên lạc vệ tinh SATCOM nhô cao trên lưng gần phía trước mũi, nhằm đảm bảo liên lạc trong suốt quá trình làm nhiệm vụ. Đuôi máy bay có ăng ten liên lạc vô tuyến, để kết nối với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Toàn thân máy bay được phủ một lớp sơn đặc biệt, nhằm giảm thiểu tối đa bức xạ hạt nhân, phần khoang chứa trung tâm chỉ huy thiết kế không có cửa sổ, nhằm tránh thiệt hại bởi các sóng xung kích và bụi phóng xạ trong các vụ nổ hạt nhân.

Hệ thống điều hòa không khí trên máy bay cũng có khả năng lọc bỏ bụi phóng xạ thẩm thấu từ vụ nổ hạt nhân, khi lấy không khí từ bên ngoài vào.

Toàn bộ hệ thống điện tử trên máy bay được thiết kế đặc biệt, có thể chống chịu với từ trường lớn gây ra bởi các vụ tấn công bằng vũ khí xung mạch điện từ (EMP).

Đã có 4 chiếc Il-80 được đưa vào hoạt động trong Không quân Liên Xô/Nga từ năm 1987, mang số hiệu RA-86.147, RA-86.148, RA-86.149 và RA-86.146. Hiện nay, chúng đang triển khai tại căn cứ Chkalovsky, cách thủ đô Moscow 30km (19 dặm) về phía đông bắc.


Thiên Nam

Nguồn: baodatviet.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.