Chuyên mục
Nếu gửi tên lửa Taurus cho Ukraine, Đức đối mặt cuộc chiến đầu tiên với Nga sau Thế chiến II

Nếu gửi tên lửa Taurus cho Ukraine, Đức đối mặt cuộc chiến đầu tiên với Nga sau Thế chiến II

Thứ tư 28/05/2025 11:20 GMT + 7

Liệu Berlin có triển khai viện trợ tên lửa Taurus cho Kiev và chấp nhận trở thành mục tiêu trực tiếp để Nga trả đũa?

 


Tên lửa Taurus KEPD-350 được trang bị trên máy bay Eurofighter Typhoon của Không quân Đức. Ảnh: Taurus System


Trang RT của Nga vừa có bài viết của tác giả Tarik Cyril Amar - nhà sử học người Đức làm việc tại Đại học Koç (Istanbul), chuyên nghiên cứu về Nga, Ukraine, Đông Âu – bàn về kế hoạch mới của Đức ám chỉ việc gửi tên lửa Taurus cho Ukraine.

Theo tác giả Amar, Thủ tướng Friedrich Merz, đại diện cho đảng CDU/CSU bảo thủ dòng chính của Đức, đã gây ra một cơn chấn động – lần này là qua những tuyên bố liên quan đến vũ khí Đức tại Ukraine. Chính xác hơn, là về việc quân đội Kiev có thể sử dụng những vũ khí do Berlin cung cấp như thế nào.

Phát biểu tại một diễn đàn công cộng do một kênh truyền hình lớn của Đức tổ chức, ông Merz tuyên bố rằng không còn giới hạn tầm bắn đối với việc quân đội Ukraine sử dụng vũ khí Đức để tấn công lãnh thổ Nga.

Ông Merz ám chỉ rằng đây là một sự thay đổi chính sách, nhưng sau đó chính ông và các đối tác liên minh Dân chủ Xã hội lại nói ngược lại: rằng chẳng có gì mới cả.

Trên thực tế, những hệ thống vũ khí mà Ukraine đang có từ Đức – MARS II và Panzerhaubitze 2000 – chỉ có tầm bắn khiêm tốn (lần lượt 84 và 56 km). Việc gỡ bỏ giới hạn chính trị với chúng về mặt quân sự gần như vô nghĩa.

Nhưng có một cách lý giải khác cho rằng ông Merz đang có tính toán. Theo Thomas Röwekamp, một đồng minh cùng đảng và là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức, việc tuyên bố "không giới hạn tầm bắn" của Thủ tướng Merz là để mở đường cho việc chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Kiev.

Dưới thời người tiền nhiệm Olaf Scholz, tầm bắn hơn 500km của Taurus từng là lý do để Berlin từ chối cung cấp chúng cho Ukraine. Nay, nếu loại bỏ giới hạn tầm bắn, lập luận đó cũng không còn.

Taurus sẽ kéo người Đức tham chiến ở Ukraine?

Tác giả Amar cho rằng, những rủi ro lớn của bước đi này ai cũng đã biết, nhưng phần lớn giới tinh hoa Đức vẫn dường như đang phủ nhận: Taurus không chỉ có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga – thậm chí nhắm tới Moskva – mà theo lời thú nhận của chính Tư lệnh Không quân Đức trong một cuộc trò chuyện bị rò rỉ, quân đội Ukraine không thể tự vận hành Taurus. Việc điều khiển, lập trình và phóng tên lửa quá phức tạp, người Đức sẽ phải trực tiếp tham gia vào việc sử dụng chúng để tấn công Nga.

Do đó, ngay cả khi được phóng đi từ Ukraine, thì một quả Taurus cũng đồng nghĩa với việc Đức trực tiếp khai hỏa. Bất kể Nga có chặn được tên lửa hay không, Moskva sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc coi Đức là bên tham chiến trực tiếp. Nói đơn giản: Nga sẽ coi mình đang ở trong tình trạng chiến tranh với Đức.

 


Thủ tướng Đức Friedrich Merz. Ảnh: Getty Images/RT


Một chuyên gia quân sự cấp cao của Nga đã xuất hiện trên chương trình chính trị nổi tiếng “60 phút” và lập luận rằng trong trường hợp này, Moskva nên – ít nhất – tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa phi hạt nhân nhưng gây đau đớn vào các nhà máy sản xuất Taurus ở Đức.

Nguy cơ mới với Đức nếu Taurus tấn công mục tiêu Nga

Theo tác giả Tarik Cyril Amar, việc gửi Taurus cho Kiev từ lâu đã là một ý tưởng tệ, nhất là khi chính các sĩ quan Đức cũng thừa nhận rằng loại vũ khí này không thể làm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine. Điều Taurus có thể làm, là giúp Ukraine đẩy cuộc chiến lên một cấp độ mới bằng cách lôi kéo Đức – một thành viên NATO – vào cuộc. Ông Amar cho rằng, đây là lựa chọn cảm tử mà những con diều hâu liều lĩnh nhất trong NATO và EU đang chờ đợi, dù nó vô cùng điên rồ.

Vậy tại sao Thủ tướng Merz lại phát tín hiệu kỳ quặc này ngay lúc này?

Ông có phải là một trong những con diều hâu đó? Có muốn chiến tranh trực tiếp với Nga? Có lẽ là không, ít nhất là chưa. Ông Merz ám ảnh với việc tái vũ trang toàn diện nước Đức, vì ông cho rằng nước Đức hiện quá yếu. Đồng thời, ông cũng biết rằng việc tái thiết một đội quân mạnh nhất châu Âu – ít nhất là về sức mạnh thông thường – sẽ mất nhiều năm, nếu như có thể thành công.

Ông Merz biện minh rằng phát biểu của mình là phản ứng phù hợp trước loạt tấn công bằng drone và tên lửa của Nga cuối tuần qua vào Ukraine. Các chính trị gia Đức ủng hộ Merz cũng lập luận như vậy – rằng đó là các đòn tấn công lớn, nhằm vào dân thường.

Nhưng bằng chứng lại bác bỏ cả hai luận điểm đó. Trước hết, rõ ràng là Nga không nhắm vào dân thường. Làm sao biết được điều đó? Không cần tin vào lời Nga. Hãy nhìn vào số liệu – được công bố không phải bởi truyền thông Nga, mà bởi Strana.ua, một trang tin đáng tin cậy và quan trọng của Ukraine:

Cuối tuần qua, từ đêm thứ Sáu (23/5) đến đêm Chủ nhật (25/5), Nga phóng tổng cộng 92 tên lửa và trên 900 drone vào Ukraine. Quân đội Ukraine thừa nhận khoảng 30 mục tiêu bị trúng trực tiếp, nhưng không nói rõ là gì. Vì Ukraine có chính sách không tiết lộ tổn thất quân sự và thường tận dụng tối đa tổn thất dân sự để tuyên truyền, nên có thể suy đoán rằng đó là các cơ sở quân sự hoặc công nghiệp quốc phòng – đúng như Nga tuyên bố. Ngoài ra, theo Không quân Ukraine và truyền thông chính thống Đức, đêm 26/5, Nga còn phóng thêm 60 drone nữa.

Về thiệt hại dân thường, rõ ràng, mỗi sinh mạng đều quý giá, mỗi cái chết là một bi kịch, và mỗi thương tích đều đáng tiếc. Nhưng tỷ lệ tổn thất là điều không thể bỏ qua.

Trong loạt tấn công của Nga cuối tuần đó, theo BBC, tính đến 24/5, có “ít nhất 13 người thiệt mạng” và “56 dân thường bị thương” trên toàn Ukraine. Theo Strana.ua, đêm 25/5 có thêm 16 người chết, trong đó có 3 trẻ em (Washington Post đưa tin là 12 người chết); đêm 26/5 có 10 người bị thương.

Những con số này không hoàn toàn nhất quán, nhưng nhìn chung, với gần 100 tên lửa và 1.000 drone, thiệt hại như vậy không phải dấu hiệu của tấn công vào dân thường.

Trở lại với Merz. Ông đưa ra một tuyên bố leo thang tưởng như quan trọng, nhưng sau lại phủ nhận. Hay cuối cùng nó vẫn là một bước ngoặt? Và lý do chính mà ông nêu ra – phản ứng với các đòn tấn công “vào dân thường” – thì lại dựa trên thông tin sai lệch.

Tác giả Amar kết luận rằng, đây chỉ là một kiểu "mơ hồ chiến lược" mà Berlin nên cẩn thận tránh xa, nếu không muốn lãnh những đòn tấn công từ Nga, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II.


Thu Hằng

Nguồn: baotintuc.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.