Chuyên mục
Nằm giữa ''vùng cấm'' trừng phạt của EU, sức khỏe người khổng lồ hạt nhân Nga - Rosatom ra sao?

Nằm giữa ''vùng cấm'' trừng phạt của EU, sức khỏe người khổng lồ hạt nhân Nga - Rosatom ra sao?

Thứ sáu 19/05/2023 17:25 GMT + 7

Trước khi gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga được châu Âu đưa ra bàn bạc, gã khổng lồ năng lượng hạt nhân - Rosatom lại một lần nữa được coi là mục tiêu không thể nằm ngoài các chế tài trừng phạt của phương Tây.

 

Nga-EU: Nằm trong ‘vùng cấm’ không thể bị trừng phạt, sức khỏe người khổng lồ hạt nhân Rosatom ra sao? (Nguồn: fdd.org)

 

Những người theo đường lối cứng rắn đối với Nga từ lâu đã muốn gây áp lực, nhằm thẳng vào ngành công nghiệp hạt nhân Nga. Nhưng trong gói trừng phạt thứ 11, kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) vẫn không thể “chạm” vào Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước của Nga - Rosatom.

Rosatom "sống khỏe"

Theo các chuyên gia năng lượng, trả lời cho câu hỏi tại sao Rosatom không nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây rất đơn giản.

Thực tế, Nga thu được rất ít lợi ích tài chính từ việc xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân, nhưng lại hướng tới việc kinh doanh cơ sở hạ tầng quan trọng hơn, bao gồm cả việc xây dựng các lò phản ứng ở EU, đã mang lại một nguồn tài chính đáng kể cho Điện Kremlin.

Theo dữ liệu công khai, Nga hiện cũng cung cấp khoảng 20% vật liệu cần thiết cho hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân thuộc EU. Vì vậy, việc thay thế Rosatom trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân không phải là nhiệm vụ đơn giản và sẽ mất rất nhiều thời gian.

Đây cũng là lý do tại sao phương Tây không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế ngay lập tức đối với Rosatom, mặc dù thực tế rằng, công ty này rất có thể là một trong những nhân tố then chốt cung cấp nguồn tài chính cho Moscow.

Thu nhập của Rosatom đã tăng 17% trong năm ngoái. Giám đốc điều hành Rosatom Alexei Likhachev cho biết, Tập đoàn đã tạo ra doanh thu hơn 1,7 nghìn tỷ Ruble vào năm 2022. Cũng trong năm này, các khoản đầu tư riêng của Rosatom có tổng trị giá hơn một nghìn tỷ Ruble.

Rosatom không tiết lộ số tiền dành cho chương trình đầu tư năm 2021 trong báo cáo thường niên, chỉ lưu ý rằng Rosenergoatom - một công ty quản lý các nhà máy điện hạt nhân của Rosatom tại Nga, đã hoàn thành chương trình đầu tư 105,5% vào năm 2021.

Trong khi đó, theo technology.org, trong điều tra độc lập của Bloomberg và Viện Nghiên cứu An ninh và quốc phòng Anh (RUSI), năm 2022, nguyên doanh số bán và xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân của Rosatom đã tăng tới 20%, đạt mức cao nhất trong 3 năm đối với thị trường EU.

Trên thực tế, nguồn nguyên liệu hạt nhân được bán cho Đông Âu chỉ chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu từ Rosatom. Không chỉ có các nước EU mua nhiên liệu hạt nhân từ Nga, mà tại Mỹ, khoảng 20% số lò phản ứng hạt nhân cũng đang sử dụng nhiên liệu được mua từ cùng nguồn Nga.

Không đối đầu nhưng chia rẽ

Trong khi đó, kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (2/2022), EU đã đưa ra 10 gói biện pháp trừng phạt đối với cá nhân và thực thể Nga. Ngày càng nhiều quan chức và nhà ngoại giao EU thừa nhận rằng, khối này đang cạn kiệt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể đặt lên bàn đàm phán trong tương lai, có hy vọng tìm thấy sự đồng thuận giữa tất cả các quốc gia thành viên.

Không còn nhiều “khoảng trống” trong các lệnh trừng phạt dày đặc, nhưng gói trừng phạt tiếp theo này EU sẽ tập trung vào việc chống lại việc lách các hạn chế hiện có, đặc biệt là đối với các phụ tùng và thiết bị mà Moscow có thể triển khai trong xung đột quân sự với Ukraine, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Đông Âu cho rằng, như vậy “vẫn chưa đi đủ xa”, gói trừng phạt thứ 11 cần triệt để hơn.

Ba Lan, cùng với các quốc gia Baltic có cùng chí hướng, đã trình bày một đề xuất cập nhật lên EC về một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Từ mùa Xuân năm ngoái, Nhóm này cũng đã đề xuất các biện pháp chống lại khả năng hạt nhân dân sự của Nga, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có hiệu quả. Đề xuất cập nhật lần này nhằm đưa gã khổng lồ năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga Rosatom trở lại tâm điểm trừng phạt.

Bốn quốc gia thành viên cho rằng, EU có thể nhắm mục tiêu vào Rosatom bằng cách hạn chế nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân, ngừng đầu tư mới vào các nhà máy điện và hạn chế xuất khẩu sang Nga các hàng hóa, thiết bị phục vụ cho ngành này. Theo họ, bước đầu tiên có thể là nhắm mục tiêu vào các giám đốc điều hành hàng đầu của công ty này.

Ngoài ra, lần này, thay vì đề xuất cấm hoàn toàn các sản phẩm và dịch vụ của Rosatom, các quốc gia ủng hộ trừng phạt đề xuất các biện pháp hạn chế mang nhiều sắc thái hơn, bao gồm cả miễn trừ đối với các công ty hạt nhân của EU có hợp đồng hiện tại với Rosatom, hay áp dụng các biện pháp bảo hộ để ngăn chặn sự phụ thuộc vào các sản phẩm hạt nhân của Nga…

Áp lực bổ sung nhằm vào Rosatom còn có thể đến từ các đối tác phương Tây, như Mỹ và Anh - những quốc gia đã đi theo hướng này và đang tìm thêm các biện pháp hạn chế hà khắc hơn nữa "đánh thẳng" lĩnh vực hạt nhân của Nga. Kể từ khi Rosatom nắm quyền kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở Đông Nam Ukraine, châu Âu và phương Tây càng tỏ ra "nóng ruột".

Mới đây, Washington cũng áp thêm lệnh trừng phạt đối với hơn 120 mục tiêu, nhằm siết chặt hơn nữa hoạt động của các cá nhân và thực thể Nga do cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó đã có các thực thể liên quan đến Rosatom. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính Rosatom.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, sự phản kháng mạnh mẽ nhất đối với các biện pháp trừng phạt năng phạt hạt nhân Nga đến từ Đông Âu. Bởi 5 quốc gia thành viên, bao gồm CH. Czech (6), Slovakia (5), Phần Lan (2) và Bulgaria (2) đang vận hành 15 lò phản ứng hạt nhân do Nga chế tạo và hiện không có nhiên liệu có thể thay thế từ nguồn cung cấp Nga.

Trong khi Slovakia cho biết, họ chỉ có đủ nhiên liệu hạt nhân để sử dụng đến cuối năm 2023, bởi vậy lệnh cấm nhập khẩu của Nga có thể là một vấn đề trong dài hạn.

Hungary lại là trường hợp đặc biệt hơn, không chỉ liên quan mật thiết với năng lượng Nga, nước này còn có mối liên hệ chặt chẽ với Rosatom. Bởi vậy, Budapest nhiều lần lên tiếng phản đối việc loại bỏ năng lượng hạt nhân của Nga và đưa các quan chức của Rosatom vào danh sách trừng phạt. Trước đó, Hungary cũng khẳng định không tham gia các lệnh trừng phạt của EU đối với việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga vào năm 2022.

Hồi tháng 2/2023, ngay khi châu Âu bàn về gói trừng phạt thứ 10 và mục tiêu nhằm vào Rosatom, cũng như ban lãnh đạo của tập đoàn này mới là ý tưởng, Budapest đã lập tức phản đối gay gắt, tuyên bố phải có hành động quyết đoán chống lại các biện pháp trừng phạt của EU.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó nói rõ rằng, các biện pháp trừng phạt đối với Rosatom sẽ không chỉ gây tổn hại đến lợi ích quốc gia cơ bản của Hungary, mà còn đe dọa đối với an ninh hạt nhân toàn cầu. Vì Rosatom là một trong những thành tố then chốt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới, đang cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân ở nhiều quốc gia.

Đầu tháng Tư, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã đến thăm Moscow để đạt được các thỏa thuận năng lượng mới với Nga và đồng ý sửa đổi hợp đồng với Rosatom để mở rộng Nhà máy hạt nhân Paks.

Ngoài những nước Đông Âu rất do dự với việc nên hay không nên đưa lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga vào gói trừng phạt mới, Đức và Pháp cũng đã mua uranium làm giàu từ Nga trị giá 452 triệu Euro vào năm 2022.

Tuy nhiên, Đức hiện đã đánh tín hiệu sẽ đồng ý với các biện pháp trừng phạt của EU đối với nhiên liệu hạt nhân Nga. Do các hợp đồng hiện tại vẫn ràng buộc Pháp và Đức, phía Ba Lan và một số thành viên vùng Baltic đề xuất thời hạn hai năm cho Berlin và Paris.

Minh Anh

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.