Chuyên mục
Nagorno-Karabakh: Cuộc chiến đầu tiên của kỷ nguyên UAV tấn công

Nagorno-Karabakh: Cuộc chiến đầu tiên của kỷ nguyên UAV tấn công

Thứ bảy 17/10/2020 05:22 GMT + 7

Xin giới thiệu phần cuối bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Boris Rozhin bàn về chủ đề cuộc xung đột hiện nay tại Nagorno-Karabakh.

Armenia cần UAV

Vấn đề của Armenia không chỉ là ở chỗ nước này chỉ có các tổ hợp phòng không đã lạc hậu bố trí tại Nagorno-Karabakh.

Armenia cũng còn không có một số lượng đáng kể các UAV tấn công, mặc dù sau cuộc chiến năm 2016 Yerevan không gặp khó khăn gì nếu bắt đầu mua những vũ khí như vậy ở nước ngoài và đến năm 2020 đã có trong trang bị một lực lượng hùng hậu các UAV nhiều chức năng khác nhau.

Nếu đã như vậy, cái giá mà Azerbaijan phải trả cho chiến dịch tấn công vào sâu trong nội địa Nagorno-Karabakh sẽ cao hơn nhiều.

 

 

UAV IAI Nagor . Ảnh: Cơ quan Thông tấn Liên bang. Chú thích từ trên xuống: chiều dài- 2,5m, sải cánh- 3m, trọng lượng-135kg, cự ly bay-1.000km, thời gian bay- 6 giờ:

Các tính năng: 1/ tàng hình, 2/ có thể tự dẫn (tới mục tiêu) theo sóng vô tuyến, 3/ có thể được sử dụng khi sỹ quan điều khiển có mặt ở vòng ngoại vi-ND).

Tuy đang tự sản xuất các máy bay không người lái trinh sát (như X-55 và "Krunk"), với các UAV tấn công- Armenia chỉ mới đang trong giai đoạn thiết kế.

Theo các tuyên bố chính thức của Bộ Quốc phòng Armenia thì Quân đội nước này sử dụng máy bay không người lái lần đầu tiên ngày 13/ 7, còn các mẫu UAV tấn công- mới chỉ bắt đầu vào tháng 8 năm nay, không lâu trước khi nổ ra chiến tranh.

Kết quả là, trong bốn năm qua (từ năm 2016), khoảng cách tụt hậu (về UAV) ngày càng lớn và sự tụt hậu này đang được Azerbaijan với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ khai thác tối đa trên chiến trường.

Armenia cố gắng nhảy lên toa cuối của đoàn tàu đang rời khỏi ga- nhưng đã bị bỏ lại phía sau, trong khi trên cái thế giới ăn thịt này những kẻ tụt lại phía sau bao giờ cũng bị ăn đòn, kể cả bằng chân, nếu như có điều kiện.

Giờ đây, Armenia chỉ có thời gian vài tháng để chạy hết quãng đường mà những quốc gia khác phải mất nhiều năm để đi qua (đối với cuộc chiến này, Armenia đã bị chậm chân).

 

Thị trường có tầm quan trọng chiến lược

Armenia có thể mua UAV tấn công hiện đại ở đâu trong khi dự án của chính họ mới chỉ ở giai đoạn thiết kế? Thổ Nhĩ Kỳ, cũng dễ hiểu, sẽ không bán.

Rất có thể Israel cũng vậy. Mỹ - chắc chắn là không, vì điều đó đồng nghĩa với việc Nga sẽ có cơ hội tiếp cận miễn phí các công nghệ của Mỹ.

 

 

UAV C-70 "Thợ săn" (“Okhotnhik”) . Ảnh: Cơ quan Thông tấn Liên bang. (Chú thích từ trên xuống: Máy bay không người lái tấn công hạng nặng:

Chiều dài- 14m, sải cánh- 19m, trọng lượng cất cánh tối đa- 25 tấn, cự ly bay- 6.000km, tốc độ bay tối đa- 1.400km/h (1,14M), tải trọng tác chiến- từ 2,8 đến 8 tấn. Các tính năng: 1/ hệ thống điều khiển tự động, 2/ tổ hợp radar,3/ tích hợp với máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57-ND)

Nga thì hiện vẫn đang đi sau trong cuộc đua này và sẽ chỉ có thể loại bỏ hoàn toàn khoảng cách tụt hậu về thiết kế- chế tạo UAV tấn công sớm nhất là sau 2 đến 3 năm nữa, nếu không muốn nói là phải vào giữa những năm 2020.

Đến khi đó, các thiết kế hiện đại sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt và bắt đầu đưa vào trang bị và xuất khẩu. Tuy vậy, Armenia vẫn có thể mua của Nga các UAV trinh sát đã thể hiện mình một cách xuất sắc trên chiến trường Syria.

Vào thời điểm hiện tại có thể mua các máy bay không người lái tấn công đẳng cấp thế giới của Iran và Trung Quốc. Việc mua của Iran một lô máy bay không người lái kamikaze (hoặc mua công nghệ sản xuất ) sẽ có tác động rất đáng kể đến cục diện cuộc chiến.

Cũng có thể nhắc tới trường hợp Yemen, nơi mà người Houthy, dù trong điều kiện Liên quân Ả Rập Xê-út đã chiếm ưu thế tuyệt đối trên không, nhưng vẫn không chỉ có thể tiếp nhận các UAV như vậy từ Iran mà còn có thể tự triển khai sản xuất chúng trong một đất nước đổ nát.

Bằng các UAV đó, họ đã giáng những đòn chí tử vào lực lượng của Liên quân Ả Rập Xê Út, trong đó có cả việc tiến hành các đòn tấn công tiêu diệt sinh lực địch, các cuộc tấn công có độ chính xác rất cao tiêu diệt các chỉ huy cấp cao và thậm chí là cả tấn công vào cơ sở hạ tầng công nghiệp ngay trên lãnh thổ Ả Rập Xê Út.

Một lợi thế cạnh tranh quan trọng của các máy bay không người lái Iran là đơn giản trong sử dụng và mức giá vừa phải,- một ưu thế rất quan trọng đối với ngân sách quân sự hạn hẹp của Armenia.

Theo các đánh giá khác nhau, mức giá của các UAV Iran hiện nay dao động từ vài nghìn đến vài trăm nghìn USD, tùy thuộc vào chủng loại và tính năng kỹ- chiến thuật.

 

UAV của Houthi. Ảnh: Cơ quan Thông tấn Liên bang. (Chú thích: các mảnh vỡ của UAV mà phong trào “Ansar Allakh” đã sử dụng tại Yemen-ND).

 

Nếu chính phủ hiện tại tại Yerevan là một chính phủ thân thiện với Nga (chính phủ của Nikol Pashinyan chắc chắn không phải là một chính phủ như vậy), thì Matxcova có thể giúp Armenia đàm phán và mặc cả với Iran trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc phòng tương lai về việc Nga cung cấp các tổ hợp phòng không cho Iran.

Các UAV Wing Long II của Trung Quốc đang sử dụng tại Libya đã thể hiện mình rất khá – cho dù phải chịu một số tổn thất nhất định, kể cả vì hỏa lực “quân ta bắn quân mình” bầng “Pantsỉr”- những tổ hợp Nga này đã bắn hạ không chỉ các UAV Thổ Nhĩ Kỳ và các UAV Mỹ, mà còn làm rơi ít nhất 2 UAV Trung Quốc.

Nếu xuất phát từ các sân bay trên lãnh thổ Armenia, các UAV tấn công của Trung Quốc nói trên có thể bay tuần tiễu ở khu vực biên giới Armenia và Karabakh và trong trường hợp cần thiết, sẽ thực hiện các đòn tấn công chính xác cao chống lại đội hình tấn công của đối phương.

Ở những khu vực vùng núi như Karabakh, nơi cần phải di chuyển theo những con đường hẹp, những cuộc tấn công như vậy sẽ khiến người Azerbaijan phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.

Nhưng như chúng ta đã biết, người Armenia đã không mua bất cứ thứ gì như vậy. Kết quả nhãn tiền là: "áo giáp" thì đã lạc hậu, trong khi lại không có một "thanh kiếm" không người lái nào cả.

Chỉ có thể đặt ra câu hỏi - liệu có ai đó phải chịu trách nhiệm về những tính toán sai lầm trong việc chuẩn bị cho cuộc chiến năm 2020 này không?

Bởi vì rốt cuộc thì những sai lầm đó đã phải trả giá bằng sinh mạng của những người lính Armenia,- họ đang buộc phải chiến đấu trong điều kiện đối phương có những ưu thế rất rõ ràng về công nghệ và chiến thuật và những ưu thế này đang giúp họ tiếp tục những nỗ lực nhằm chọc thủng tuyến phòng ngự của Armenia.

Kỷ nguyên chiến tranh mới

Nếu tính đến kinh nghiệm chiến tranh tại Libya và Karabakh, thì những quốc gia không có khả năng tự thiết kế và sản xuất UAV sẽ đổ xô đi mua chúng.

 

Đó là lý do tại sao Ucraine lại mua UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ (Cộng hòa Nhân dân Donbass và Cộng hòa Nhân dân Lugansk cần phải tính đến yếu tố này trong tương lai trung hạn), còn Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhấtEmirates đang mua các lô Wing Long II mới từ Trung Quốc (vừa để bù đắp cho các tổn thất, vừa tăng số lượng UAV để sử dụng cho các chiến dịch trong tương lai tại Libya và nhiều nơi khác nữa).

 


UAV Bayraktar TB2. Ảnh: Cơ quan Thông tấn Liên bang. (Chú thích từ trên xuống: máy bay không người lái tấn công chiến thuật. Chiều dài- 6,5m, sải cánh- 12m, trọng lượng cất cánh tối đa- 650kg, cự ly bay- 6.000km, thời gian bay- 24 giờ, tải trọng tác chiến-4 tên lửa MAM-L, MAM-C.


Các đáng giá :1/ UAV được sản xuất nhiều nhất của Thổ Nhĩ Kỳ,2/ được nhiều nước trên thế giới sử dụng,3/đang được sử dụng trong các cuộc xung đột tại Syria, Nagornyi- Karabakh-ND).

Chính Pakistan, quốc gia đang ủng hộ Azerbaijan về mặt tinh thần, cũng đã mua các UAV tấn công để đối đầu với Ấn Độ tại Kashmir. Giá một chiếc máy bay không người lái là vào khoảng 2 triệu USD.

Mua 50 phương tiện như vậy – cùng vũ khí và trang thiết bị, cũng như chi phí đào tạo sỹ quan điều khiển... - sẽ vào khoảng 130-140 triệu USD.

Đối với Armenia, đây không phải là một gánh nặng không kham nổi, trong khi đó Trung Quốc còn có các UAV khác để xuất khẩu, kể cả những loại có giá “mềm” hơn, trong đó có máy bay không người lái- kamikaze.

Dĩ nhiên, Armenia lẽ ra đã phải làm chuyện này từ ngày hôm qua. Việc thực hiện các hợp đồng như vậy cần phải có thời gian, trong đó có cả thời gian triển khai và đào tạo nguồn nhân lực.

Trong thời gian đầu, lực lượng mới sẽ thua kém đối phương về kinh nghiệm chiến đấu.

Cùng thời gian đó, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng giống như người Iran, đã có được lợi thế rất lớn về máy bay không người lái do tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực chiến, kể cả trong cuộc chiến chống lại các hệ thống phòng không hiện đại do Nga và Mỹ sản xuất.

Thành tố mới của cỗ máy chiến tranh

 

Các UAV tấn công cuối cùng đã trở thành một thành tố quan trọng trong cỗ máy quân sự của bất kỳ quốc gia hiện đại nào trên thế giới.

Chúng đã không còn là một "công cụ mong muốn" nữa- chúng là một thành phần tuyệt đối cần thiết trong trang bị, - và việc không có UAV sẽ giúp cho đối phương có một lợi thế rõ ràng và lợi thế đó sẽ được thể hiện rõ ở cả cấp chiến thuật lẫn cấp chiến dịch.

Và điều này không chỉ liên quan đến các UAV trinh sát mà còn cả các UAV tấn công, cũng như cả các mẫu UAV- kamikaze.

 

UAV Shahed-129. Ảnh: Hãng Thông tấn Liên bang. (Chú thích từ trên xuống: Máy bay không người lái trinh sát- tấn công. Chiều dài- 8m, sải cánh- 16m, trọng lượng- 135kg, tải trọng tác chiến-400kg, cự ly bay- 1.700km, thời gian bay- 24 giờ, vũ khí- 4 bom hàng không có điều khiển SADID-345.


Các đặc điểm:1/ máy bay không người lái tấn công chủ yếu của Iran,2/ đã sử dụng trong các hoạt động tác chiến tại Syria,3/ được sử dụng nhiều để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên Vịnh Ba tư và Vịnh Oman.

Do đó, vừa rất cần phải có một hệ thống phòng không hiện đại sử dụng nhiều các phương tiện tác chiến điện tử - những phương tiện tác chiến điện tử này cần phải có khả năng đối phó hiệu quả với các bầy máy bay không người lái hoặc "đánh đổi" với chúng (đừng hy vọng rằng trong tương lai gần hệ thống phòng không sẽ chiếm ưu thế trước các UAV tấn công hiện đại và có thể tiêu diệt chúng mà không chịu tổn thất nào), và vừa có các mẫu UAV tự sản xuất có khả năng gây ra tổn thất đối xứng cho đối phương, khiến đối phương khó phát huy chiến quả trên mặt đất.

Điều này sẽ chuyển cuộc đối đầu từ tình trạng "đánh đổi" lực lượng phòng không lấy UAV (tức cuối cùng sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh giữa các nguồn lực tài nguyên), sang sự gia tăng đối xứng về tổn thất về trang thiết bị và sinh lực do sử dụng ồ ạt các máy bay không người lái.

Có thể thấy rằng hiện đang hình thành xu hướng tiến hành hình thái chiến tranh trận địa.

Cùng với sự gia tăng số lượng các UAV tấn công hoạt động cùng với MLRS và pháo phản lực, bất kỳ một hoạt động tấn công lớn nào cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng tổn thất ngay trước khi bên tấn công tiếp xúc hỏa lực trực tiếp với hệ thống phòng ngự mặt đất.

Thành thử, cái giá phải trả cho một cuộc đụng độ trực tiếp như vậy về sinh lực, phương tiện kỹ thuật và các nguồn lực khác sẽ tăng theo cấp số nhân đối với cả hai bên.

Đối với các chính trị gia, đây sẽ là một lập luận có sức nặng khi họ phải đưa ra các quyết định về chiến tranh hoặc hòa bình, - mặc dù có một điều rất rõ ràng là đối với Bộ Tổng tham mưu của những cường quốc theo đuổi chính sách đối ngoại chủ quan, điều này chỉ có mỗi một ý nghĩa là cần phải lập kế hoạch các chiến dịch tấn công trong những điều kiện phức tạp hơn nhiều so với thời kỳ tiền kỷ nguyên máy bay tấn công không người lái.

 

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn: baodatviet.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.