Chuyên mục
Lộ trình hướng đến hòa bình

Lộ trình hướng đến hòa bình

Thứ năm 26/10/2023 17:20 GMT + 7

Một loạt chuyển động ngoại giao đã được thúc đẩy cả trong khu vực và trên trường quốc tế kể từ khi giao tranh giữa lực lượng Hamas và Israel bùng phát tại Dải Gaza ngày 7/10. Đáng tiếc, sau hơn 3 tuần, tiếng súng vẫn chưa im, con số dân thường thương vong tiếp tục tăng.


Cảnh đổ nát sau các vụ oanh tạc của Israel xuống thị trấn Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN.


Thống kê mới nhất của cơ quan y tế Dải Gaza cho biết các cuộc không kích của quân đội Israel nhằm vào Gaza khiến ít nhất 6.500 người Palestine thiệt mạng, trong đó có trên 2.300 trẻ em và 1.100 phụ nữ, trên 14.245 người bị thương. Phía Israel thông báo khoảng 1.500 người thiệt mạng và trên 4.200 người bị thương trong các cuộc tấn công của lực lượng Hamas, trên 200 người đang bị Hamas bắt làm con tin.

Trong cuộc họp mới đây về tình hình Dải Gaza, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về các vấn đề nhân đạo, bà Joyce Msuya nêu rõ: “Dân thường ở đây không có nơi nào để đi, không có nơi nào để tránh bom và tên lửa, không có nơi nào để tìm nước uống, thực phẩm hoặc để thoát khỏi thảm họa nhân đạo”. Theo LHQ, hơn một triệu người ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi hơn 170.000 ngôi nhà bị phá hủy.

Các nỗ lực quốc tế hiện nay đều tập trung vào hai mục tiêu chính là thúc đẩy lệnh ngừng bắn và thiết lập các hành lang nhân đạo để giải quyết cuộc khủng hoảng khẩn cấp tại Dải Gaza. Ngay sau khi xung đột bùng phát, nhiều nước có ảnh hưởng trong khu vực, như Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, đã đề nghị làm trung gian hòa giải, cũng như đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt.

Hàng loạt cuộc tiếp xúc, điện đàm giữa các nhà lãnh đạo thế giới, nhiều chuyến thăm ngoại giao con thoi đã diễn ra. Ai Cập đã chủ trì hội nghị hòa bình Cairo nhằm tìm cách ngăn chặn bạo lực, Hội đồng Bảo an LHQ thúc đẩy các phiên họp thảo luận biện pháp vãn hồi hòa bình. Đây là những minh chứng rõ nhất cho thấy quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình, duy trì sự ổn định của khu vực.

Nhờ các nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế trong những ngày qua, nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Kể từ ngày 21/10, khi hoạt động viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza được nối lại, ít nhất 3 đoàn xe với hơn 50 chiếc xe tải chở hàng viện trợ đã đi qua cửa khẩu biên giới Rafah (của Ai Cập) vào Dải Gaza, đem theo 457 tấn vật tư y tế, 251 tấn lương thực và 87 tấn nước. Đây là nguồn hỗ trợ nhân đạo hết sức quan trọng đối với người dân Gaza bởi sau khi xung đột với Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát, Israel đã phong tỏa hoàn toàn vùng lãnh thổ này, cắt điện, nước, năng lượng. Tuy nhiên, LHQ cho rằng cần ít nhất 100 xe tải/ngày chở hàng viện trợ đến Gaza mới có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho 2,4 triệu cư dân tại đây.

 


Quang cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ về xung đột Hamas - Israel tại New York, Mỹ ngày 24/10/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN.


Một loạt nước cũng đã công bố các khoản viện trợ khẩn cấp dành cho Dải Gaza theo lời kêu gọi của LHQ, như Đức (hơn 50 triệu USD), Anh (hơn 12 triệu USD) Nhật Bản (10 triệu USD), Nga (27 tấn hàng viện trợ), Hà Lan sẵn sàng giải ngân gói viện trợ bổ sung trị giá 10,5 triệu USD,… Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy quốc hội thông qua gói viện trợ lớn có tổng trị giá lên tới 106 tỷ USD, trong đó hơn 9 tỷ USD được dành cho viện trợ nhân đạo tại Israel và Gaza.

Đáng chú ý, thông qua nỗ lực trung gian của Qatar, phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas, kiểm soát Dải Gaza, đã quyết định trả tự do cho 2 con tin người Mỹ và 2 con tin người Israel, đồng thời tuyên bố đang làm việc với các đại diện của Qatar, Ai Cập để thả các con tin là dân thường. Việc Hamas lần đầu tiên thả con tin kể từ khi nổ ra xung đột cho thấy giải pháp ngoại giao đang đi đúng hướng và ít nhiều phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, với một môi trường đầy rẫy những toan tính và sự khác biệt của các cường quốc thế giới nhằm tranh giành ảnh hưởng tại khu vực có vị trí địa - chiến lược trọng yếu này, hy vọng sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn trở nên mờ nhạt. Vụ tấn công bệnh viện Al Ahli ở Dải Gaza tối 17/10, khiến hàng trăm người thiệt mạng, buộc Jordan phải hủy cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ với các lãnh đạo Ai Cập và Palestine đã được lên kế hoạch tại Amman, đã “phủ bóng” lên triển vọng hòa bình. Việc Mỹ tuyên bố hỗ trợ đồng minh Israel khoảng 14,3 tỷ USD, trong đó phần lớn để mua hệ thống phòng không và tên lửa, điều nhóm tàu sân bay USS Gerald Ford và USS Dwight D.

Eisenhower đến Địa Trung Hải và đặt khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ trong tình trạng báo động cao về khả năng huy động, báo hiệu cuộc xung đột khó có thể kết thúc trong “một sớm, một chiều”. Mặc dù Ai Cập đã rất nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế, song sự khác biệt về quan điểm giữa các phái đoàn Arab và phái đoàn châu Âu về lời kêu gọi ngừng bắn đã cản trở quá trình ra tuyên bố chung của hội nghị. Thậm chí, dư luận còn cho rằng ngay cả khi hội nghị ra được tuyên bố chung, thì việc thực thi cũng sẽ là bài toán “khó nhằn”, nhất là khi hội nghị thiếu vắng lãnh đạo của các cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh và Đức. Cũng chính do bất đồng mà cho đến nay, sau nhiều cuộc họp, Hội đồng Bảo an LHQ vẫn chưa thể thông qua bất kỳ nghị quyết nào liên quan đến cuộc xung đột.

Trong khi đó, Đài phát thanh quân đội Israel ngày 26/10 đưa tin Lực lượng bộ binh của Israel đã thực hiện một cuộc tấn công tương đối lớn vào Dải Gaza trong đêm. Trong bài phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình cũng trong đêm 25/10, Thủ tướng Israel Bejamin Netanyahu tuyên bố sẽ làm mọi cách để giải thoát cho số con tin đang bị Hamas giam giữ, đồng thời khẳng định sắp mở cuộc tấn công bộ binh vào Dải Gaza. Các cuộc tấn công quy mô lớn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas không chỉ xảy ra ở Dải Gaza mà đã lan sang vùng lãnh thổ Bờ Tây của Palestine, khiến nhiều người thiệt mạng. Nguy hiểm hơn, cuộc khủng hoảng hiện nay có nguy cơ leo thang và lan rộng trên toàn khu vực, thậm chí ra ngoài biên giới Trung Đông, cuốn thêm nhiều quốc gia vào vòng xoáy bạo lực.



Công nhân bốc dỡ hàng viện trợ tại Dải Gaza ngày 21/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN.


Lịch sử cho thấy không ít lần các đợt giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, song chỉ sau một thời gian, các thỏa thuận này đều bị phá vỡ, do những nguyên nhân gốc rễ của xung đột chưa được giải quyết triệt để. Đây cũng chính là lý do cộng đồng quốc tế không chỉ bây giờ mà trong nhiều năm qua vẫn hối thúc các bên tiến hành đối thoại nghiêm túc để giải quyết các mầm mống xung đột, hướng tới đạt được giải pháp hai nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ, trong đó có việc thành lập nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình bên cạnh nhà nước Israel với đường biên giới trước năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.

Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ đạt được khi các bên thực sự thiện chí, ngừng các hoạt động bạo lực, chấm dứt sự chiếm đóng và hoạt động mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người Israel và người Palestine. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy nỗ lực mang tính xây dựng làm giảm căng thẳng, hỗ trợ các bên nối lại đối thoại và đàm phán. Đó là lộ trình hướng đến một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột được coi là phức tạp nhất thế giới này.


Ngọc Hà (TTXVN)

Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.