Chuyên mục
Khủng hoảng năng lượng: Trừng phạt Nga, loay hoay tìm đồng thuận, Đức ''chơi trội'' và thế ''khó trăm bề'' của EU

Khủng hoảng năng lượng: Trừng phạt Nga, loay hoay tìm đồng thuận, Đức ''chơi trội'' và thế ''khó trăm bề'' của EU

Thứ hai 10/10/2022 10:22 GMT + 7

Lợi ích và thái độ khác nhau giữa các quốc gia châu Âu khiến việc đạt được một lập trường thống nhất về trừng phạt Nga vô cùng khó khăn. Điều này đang trở thành bài kiểm tra lớn đối với EU.

 

Các lệnh trừng phạt trước đây của EU đối với năng lượng Nga đã gây ra những thiệt hại về kinh tế cho lục địa này. (Nguồn: Getty)

 

Bài toán khó đối với EU


Khi cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu ngày một căng thẳng, các nhà lãnh đạo ở châu lục này đã không đạt được đồng thuận trong cuộc họp mới nhất về cách thức xử lý tình trạng giá tăng vọt.

Trong bối cảnh đó, châu Âu không chỉ đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt hơn nhiều mà còn có nguy cơ khủng hoảng, suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị có thể xảy ra.

Với việc một số quốc gia châu Âu đang chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất về thiếu hụt nguồn cung cấp điện, các thành viên hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) như Đức đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, triển khai hỗ trợ tài chính co người dân và doanh nghiệp. Việc này đang bị các nước khác chỉ trích, khiến sự đoàn kết của khối đối mặt thử thách.

Một số quốc gia châu Âu đã và đang cố gắng đi đúng luật khi EU nhất trí về gói trừng phạt mới chống lại Moscow. Các lệnh trừng phạt trước đây của liên minh này đối với năng lượng Nga đã gây ra những thiệt hại về kinh tế cho lục địa này.

Gần đây nhất, việc đường ống Nord Stream gặp sự cố rò rỉ cũng giáng một đòn nặng nề vào quan hệ năng lượng Nga-châu Âu. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, bất kỳ ai đứng sau vụ việc cũng đều được hưởng lợi.

Theo giới truyền thông, trong cuộc họp thượng đỉnh không chính thức ở Prague (Czech) hôm 7/10, các nhà lãnh đạo châu Âu đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về cách cắt giảm giá khí đốt, vốn đã tăng vọt trong những tháng gần đây. Liên minh cũng gặp khó trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các gia đình và doanh nghiệp trong khối.

Các quốc gia như Italy thất vọng trước các quyết định của những thành viên EU giàu có hơn như Đức. Berlin vốn đã công bố kế hoạch chi tiêu lớn trong nước để giảm bớt tác động từ giá cả tăng vọt.

 

Wall Street Journal cho biết, các quốc gia mắc nợ nhiều chia sẻ lo ngại rằng các nước giàu có hơn "sẽ đạt được lợi thế không công bằng, bằng cách hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp và người dân nước họ”.

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận về áp giá trần khí đốt trong cuộc gặp vào ngày 20-21/10 tới tại Brussels (Bỉ). Các chuyên gia nhận định, nếu xét đến những chia rẽ và khác biệt sâu sắc, triển vọng đạt được một kết quả tích cực dường như không mấy khả quan.

Ông Cui Hongjian, Giám đốc Khoa Nghiên cứu châu Âu tại Viện quốc tế Trung Quốc nói: "Các nước châu Âu có cấu trúc năng lượng khác nhau với mức độ phụ thuộc khác nhau vào nhập khẩu năng lượng. Ví dụ, một số nước Baltic như Ba Lan đã tìm ra giải pháp thay thế cho năng lượng của Nga”.

Chuyên gia Cui Hongjian lưu ý: “Các quốc gia nghèo hơn không thể tung ra các gói tài chính khổng lồ như Đức đã làm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và họ cũng có thái độ khác đối với xung đột Nga-Ukraine.

Một số nước quyết tâm sử dụng năng lượng như một công cụ để trừng phạt Nga, nhưng một số quốc gia khác chưa hẳn đã đồng thuận”.

Một số chuyên gia nhận định, lợi ích và thái độ khác nhau giữa các quốc gia châu Âu khiến việc đạt được một lập trường thống nhất về trừng phạt Nga trở nên vô cùng khó khăn. Điều này đang là bài kiểm tra lớn đối với EU về việc liệu Liên minh này có thể phát huy hết vai trò của mình hay không.

Giới phân tích cũng tin rằng, mùa Đông sắp tới sẽ là thách thức lớn nhất đối với châu Âu, vì cuộc khủng hoảng năng lượng - liên quan mật thiết đến mọi khía cạnh của sinh kế, kinh doanh và sản xuất của người dân - có thể gây ra các vấn đề kinh tế và xã hội lớn hơn với một cuộc khủng hoảng chính trị đang rình rập.

Đối tác đáng tin cậy?


Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Đức cho biết, Thủ tướng nước này Olaf Scholz hôm 7/10 đã thúc giục các nhà lãnh đạo EU làm việc với người mua ở châu Á và các nhà cung cấp như Mỹ và Na Uy để tìm ra một phương pháp bền vững, lâu dài hơn nhằm giảm giá khí đốt.

Chỉ vài ngày trước, báo chí dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cáo buộc Mỹ và các quốc gia được gọi là “nhà cung cấp khí đốt thân thiện” khác bán hàng với "mức giá cao ngất ngưởng".

Quan chức Đức kêu gọi Washington đoàn kết hơn nữa trong việc hỗ trợ các đồng minh châu Âu vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng năng lượng.

 


Hình ảnh vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ngoài khơi bờ biển đảo Bornholm của Đan Mạch, ngày 27/9. Các quốc gia phương Tây cho rằng, sự cố rò rỉ ở hai đường ống dẫn khí đốt của Nga, Nord Stream 1 và 2, có khả năng là kết quả của hành động phá hoại. (Nguồn: AP)

 

Wang Yiwei, Giám đốc Viện các vấn đề quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói: "Liệu Mỹ có phải là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy hay không vẫn còn là một câu hỏi.

Người ta cũng cần có câu trả lời cho câu hỏi rằng, làm thế nào khí đốt của Mỹ có thể được vận chuyển và lưu trữ ở những nơi khác nhau tại châu Âu trong khi một số cảng và cơ sở hạ tầng ở đây cần được cải tạo".

Theo CBS News trong một bài báo xuất bản vào tháng 9/2022, trước khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng Hai, 55% lượng khí đốt tại Đức tới từ Nga.

Tuy nhiên, theo Bộ Kinh tế Liên bang Đức, vào tháng 8/2022, tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 9,5%. Và khí đốt của Nga sẽ không thể được thay thế hoàn toàn tại Đức cho đến ít nhất là năm 2024.

Sun Keqin, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Viện Đương đại Trung Quốc nhận định: "Đức hiện đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Và xét về mặt chính trị, nước này phải đứng trước các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng chính Berlin lại là nạn nhân lớn nhất của các lệnh trừng phạt đó".

Ông Sun cho biết, Đức có thể đạt được thỏa thuận nhất định với Mỹ và Na Uy về giá năng lượng, nhưng trong ngắn hạn, không thể thay thế hoàn toàn năng lượng của Nga bởi tỷ lệ khí đốt từ Moscow quá cao tại Đức.

Sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí Nord Stream gần đây được nhiều người coi là đòn giáng nặng nề đối với một số quốc gia châu Âu như Đức khi nước này đang bước vào một mùa Đông lạnh giá trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Rò rỉ cũng gây ra nhiều xáo trộn về giá năng lượng toàn cầu.

Khi cuộc điều tra về sự cố vẫn đang được tiến hành, một số nhà quan sát cho rằng, những "bàn tay đen" đứng sau vụ việc rất có thể là những người được hưởng lợi.

Hôm 6/10, Reuters dẫn thông báo từ Cơ quan an ninh Thụy Điển cho biết: "Sau khi hoàn thành cuộc điều tra hiện trường vụ án, Cơ quan an ninh Thụy Điển có thể kết luận rằng đã có vụ nổ tại Nord Stream 1 và Nord Stream 2 trong vùng kinh tế Thụy Điển".

Cơ quan trên cho biết thêm, đã có nhiều hư hại đối với các đường ống dẫn khí đốt và một số vật chứng từ hiện trường sẽ được phân tích.

"Bằng chứng đã củng cố những nghi ngờ về sự phá hoại tổng thể", cơ quan này nhấn mạnh.

 

HẢI AN

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.