Chuyên mục
Giá dầu đạt đỉnh 18 tháng
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Giá dầu đạt đỉnh 18 tháng

Thứ ba 13/12/2016 03:42 GMT + 7
Trong phiên giao dịch ngày 12/12, giá dầu có thời điểm tăng 6,5% lên mức cao nhất 18 tháng qua. Nguyên nhân của sự phục hồi mạnh mẽ này là thỏa thuận cắt giảm sản lượng vừa đạt đươc giữa Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) và các đối thủ.

Giá dầu Brent tăng 1,12 USD (2,1%) lên mức 55,45 USD/thùng. Có thời điểm, giá dầu Brent đạt mức 57,89 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 7/2015.

Diễn biến giá dầu Brent trong 1 tháng qua (Nguồn: CNBC)

Giá dầu WTI tăng 1,33 USD (2,6%) lên mức 52,83 USD/thùng. Có thời điểm, giá dầu WTI chạm ngưỡng 54,51 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 7/2015.

Diễn biến giá dầu WTI trong 1 tháng qua (Nguồn: CNBC)

Ngày 10/12, Nga dẫn đầu các nước sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC tiến tới ký kết một thỏa thuận cắt giảm sản lượng 558.000 thùng/ngày kể từ tháng 1/2017. Mặc dù con số này chưa đạt được mục tiêu 600.000 thùng/ngày nhưng cũng ghi nhận sự hợp tác lớn nhất trong lịch sử của các quốc gia này,

Trước đó, OPEC tuyên bố cắt giảm sản lượng từ mức kỷ lục 33,7 triệu thùng/ngày hiện nay xuống 32,5 triệu thùng/ngày từ đầu năm sau. Trong đó, quốc gia đứng đầu tổ chức là Saudi Arab sẽ cắt giảm khoảng 486.000 thùng/ngày.

Kể từ sau khi thông tin về thỏa thuận lịch sử của OPEC được thị trường biết tới, giá dầu tăng 23% kể từ giữa tháng 11 tới nay.

Nhà phân tích Gên McGillian của Tradition Energy (Mỹ) dự báo giá dầu WTI có thể tăng lên mức 55 USD/thùng và giá dầu Brent có thể tăng lên 60 USD/thùng. Tuy nhiên, khi giá dầu đạt những ngưỡng này, một vài vấn đề sẽ nảy sinh và hạn chế đà tăng của dầu mỏ.

Mặc dù thỏa thuận đã được ký kết nhưng sản lượng dầu mỏ của các quốc gia trong và ngoài OPEC vẫn tăng mạnh trong tháng 11. Do đó, nếu vấn đề tuân thủ thỏa thuận không đạt được, đây sẽ là con dao hai lưỡi giành cho thị trường.

Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ sớm đạt ngưỡng 55 USD/thùng và có thể tăng lên 61 USD/thùng nếu các quốc gia giữ đúng cam kết của họ.

Giá dầu tăng cũng thúc đẩy sự hồi sinh của các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ. Số lượng giàn khoan tăng đều trong những tháng trở lại đây tại nền kinh tế số 1 thế giới. Sản lượng sản xuất tại quốc gia này hiện đạt khoảng 8,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1 triệu thùng so với mức đỉnh đạt được năm 2015.

Thạch Thảo/Theo CNBC - Reuters

Mỹ sẽ phá vỡ thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu của OPEC?


Sự sôi động trở lại của thị trường dầu lửa khi giá dầu tăng cao trở lại được đánh giá là một yếu tố có lợi đối với kinh tế thế giới. Nhưng triển vọng tươi sáng đó có lẽ sẽ không kéo dài, khi nó đang bị đe dọa phá vỡ bởi sự hồi sinh của ngành khai thác dầu phiến khổng lồ của nước Mỹ.

Diễn biến tích cực trên thị trường dầu lửa đang là những tin tức tốt nhất đối với nền kinh tế thế giới trong những ngày cuối cùng của năm 2016. Việc tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước xuất khẩu ngoài OPEC đều đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng bắt đầu từ ngày 1.1.2017 (lần lượt là 1,2 triệu thùng/ngày với OPEC và 558.000 thùng/ngày với các nước ngoài OPEC) đang đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong vòng gần 2 năm qua.

Sự sôi động trở lại của thị trường dầu lửa khi giá dầu tăng cao trở lại được đánh giá là một yếu tố có lợi đối với kinh tế thế giới. Nhưng triển vọng tươi sáng đó có lẽ sẽ không kéo dài, khi nó đang bị đe dọa phá vỡ bởi sự hồi sinh của ngành khai thác dầu phiến khổng lồ của nước Mỹ. Tập đoàn tài chính-ngân hàng nổi tiếng của nước Mỹ là Goldman Sachs vừa lên tiếng cảnh báo: OPEC đã sai lầm khi không tính đến khả năng hồi phục của ngành công nghiệp dầu phiến Mỹ.

Nhìn vào bản thỏa thuận cắt giảm sản lượng vừa được thông qua tại Vienna, có thể thấy Ả Rập Saudi và OPEC không quá coi trọng đến khả năng hồi phục của ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ có thể ảnh hưởng đến cuộc chơi. Bộ trưởng dầu lửa Ả Rập Saudi, Khalid al-Falih tuyên bố vào ngày10.12 rằng, ông không cho rằng ngành khai thác dầu phiến Mỹ sẽ kịp hồi phục trong năm 2017. Bản thân phái đoàn Saudi tại hội nghị Vienna cũng tuyên bố nước này sẵn sàng cam kết giảm sản lượng của mình sâu hơn để vực dậy giá dầu nếu cần thiết. Theo dự kiến của các nhà lãnh đạo OPEC và ngoài OPEC tại Vienna, nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng được tuân thủ đầy đủ, giá dầu sẽ vượt mức 60 USD/thùng trong năm 2017. Trong khi đó theo tính toán chỉ cần giá dầu đạt khoảng 55 USD/thùng là đủ để các công ty dầu phiến Mỹ quay trở lại hoạt động.

Có lẽ sự tự tin của Ả Rập Saudi và OPEC nằm ở việc ngành khai thác dầu phiến ở Mỹ đã trì trệ ở quy mô lớn và trong một thời gian dài để khó có thể phục hồi trở lại trong năm 2017. Theo thống kê, sản lượng khai thác dầu phiến Mỹ đạt đỉnh vào tháng 6.2015 và dần tụt dốc khá mạnh kể từ thời điểm đó. Tính đến thời điểm hiện tại, nó đã sụt giảm tổng cộng khoảng 1-1,5 triệu thùng/ngày, và cần nhiều hơn 1 năm để Mỹ có thể hồi phục được mức sản lượng này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đang dự báo điều ngược lại. Theo dự báo của tập đoàn tài chính-ngân hàng Goldman Sachs, nếu mức giá được duy trì ở mức 55 USD/thùng, ngành dầu phiến của Mỹ có thể tăng sản lượng thêm 800.000 thùng/ngày ngay trong quý đầu tiên của năm 2017. Nếu giá dầu càng cao, khả năng hồi phục sản lượng của các công ty dầu phiến Mỹ càng nhanh, do lĩnh vực này đang nằm trong danh sách ưu tiên cho vay vốn của các ngân hàng Mỹ. Nếu giá dầu vượt mức 60 USD/thùng, ngành dầu phiến Mỹ có thể đạt mức sản lượng ngang bằng với mức mà OPEC và các nước ngoài OPEC vừa cam kết cắt giảm là 1.758.000 thùng/ngày chỉ trong vòng nửa đầu năm 2017.

Và trong kịch bản này, Mỹ lại đang nhận được sự trợ giúp lớn không chỉ từ OPEC và các nước ngoài OPEC vừa cam kết cắt giảm ở Vienna, mà còn từ Trung Quốc và một số nước xuất khẩu dầu lửa khác trên thế giới. Ngoài mức sản lượng cắt giảm 1.758.000 thùng/ngày vừa được OPEC và 5 nước ngoài OPEC (bao gồm Nga, Mexico, Oman, Azerbaijan, Kazakhstan), thì một số nước khác cũng sẽ cắt giảm sản lượng của mình trong năm 2017. Chẳng hạn như Trung Quốc.

Tính đến cuối năm 2015, Trung Quốc là nước đứng thứ 5 thế giới về sản lượng khai thác, ở mức 4,3-4,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh khiến nước này bắt đầu giảm sản lượng khai thác, trung bình khoảng 300.000 thùng/ngày trong năm 2016, và dự kiến sẽ giảm thêm khoảng 200.000 thùng/ngày nữa trong năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2016, sản lượng trung bình của Trung Quốc chỉ còn khoảng 4 triệu thùng/ngày, và dự kiến trong năm 2017 sẽ chỉ còn khoảng 3,7-3,8 triệu thùng/ngày mà thôi.

Điều tương tự cũng diễn ra tại các nước xuất khẩu dầu lửa ở Đông Nam Á như Malaysia hay Brunei. Tập đoàn Morgan Stanley dự báo Malaysia (hiện có sản lượng 664.000 thùng/ngày) sẽ giảm sản lượng khoảng 20.000 thùng/ngày từ đầu năm 2017, còn Brunei (hiện có sản lượng 142.000 thùng/ngày) sẽ giảm khoảng 4.000 thùng/ngày. Giám đốc phụ trách thị trường dầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty Wood Mackenzie có trụ sở tại Singapore, Sushant Gupta, cho rằng: “Nếu tất cả những cắt giảm của Trung Quốc, Malaysia và Brunei được thực hiện cùng lúc với OPEC và 5 nước ngoài OPEC, giá dầu có thể cán mốc 65 USD/thùng trong ít nhất là nửa đầu năm 2017”.

Điều này dĩ nhiên là sẽ có lợi cho ngành dầu đá phiến Mỹ. Càng nhiều nước trên thế giới cắt giảm sản lượng khai thác, giá dầu sẽ càng tăng, và ngành dầu phiến Mỹ sẽ càng phục hồi nhanh hơn. Và rất có thể, cuộc họp thượng đỉnh OPEC lần kế vào giữa năm 2017 thì các nhà lãnh đạo của tổ chức này sẽ lại phải xem xét việc có tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm này để Mỹ hưởng lợi hay không.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Nguồn: ndh.vn, motthegioi.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.