Chuyên mục
Gặp 'chú khủng long diệt khuẩn' trong cuốn nhật ký 14 ngày cách ly của nữ du học sinh: 'Khi nào hết dịch thì mình và đồng đội mới về nhà!'

Gặp 'chú khủng long diệt khuẩn' trong cuốn nhật ký 14 ngày cách ly của nữ du học sinh: 'Khi nào hết dịch thì mình và đồng đội mới về nhà!'

Thứ tư 18/03/2020 10:27 GMT + 7

Cuốn nhật ký bằng tranh ký họa kể về 14 ngày cách ly tại Đà Nẵng, được cô nữ du học sinh trở về từ Hàn Quốc gửi tặng các chú bộ đội đang ngày đêm làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, đã gây xúc động cộng đồng mạng.

 

"Tớ sẽ chẳng quên được đâu, Đà Nẵng trong tim tớ"


"Vỏn vẹn 14 ngày cách ly tại Đà Nẵng. Tất cả mọi người ở đây, chẳng ai ngờ được chúng ta sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh này.

Một chút lo sợ bị nhiễm bệnh, một chút bồi hồi vì trở về quê hương. Đối với tớ, 14 ngày được sống với cái nắng gắt gỏng ở Đà Nẵng là 14 ngày yên bình nhất từ trước đến giờ.

5h sáng mỗi ngày lại nghe thấy tiếng kẻng báo thức, tiếng radio vang khắp khu cách ly. Là mỗi sáng xịt khử trùng mà như chạy giặc, cùng nhau đoán xem bữa sáng, trưa, tối có gì.








 

 Một số hình ảnh trong cuốn nhật ký 14 ngày cách ly ở Đà Nẵng của nữ du học sinh về từ Hàn Quốc lay động cộng đồng mạng.


Là Đà Nẵng đã luyện một đứa sợ ăn cá như tớ được ăn đầy đủ cá ngày 2 bữa sáng tối không trừ một bữa nào. Cơm ngon, đầy ăm ắp mà quá nhiều, nhường cơm người này người kia nhưng chẳng dám bỏ cơm vì tôn trọng người nấu. Là những lúc mất nước phải vào nhà tắm nam xách nước lên phòng.

Là bắt wifi chùa vào 6h tối. Là nói chuyện với nhau, chơi đùa với nhau mà chẳng biết mặt nhau. Qua lớp khẩu trang là tiếng nói, chúng tớ giao tiếp với nhau khi đeo khẩu trang.

Là tự nhiên thấy yêu nước, yêu cái cách nói chuyện chân chất ở đây, yêu cách được giả giọng miền Trung miền Nam bị mọi người trêu đùa. Là khi bên ngoài kia với biết bao nhiêu công việc khác nhau, nhưng điều những người ở đây chọn là bảo vệ công dân, bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Clip: Gặp chú “khủng long diệt khuẩn” trong cuốn nhật ký 14 ngày cách ly lay động cộng đồng mạng của nữ sinh về từ Hàn Quốc.


Tớ sẽ chẳng quên được đâu, Đà Nẵng trong tim tớ. Đẹp nhẹ nhàng mà chân thành biết bao. Cảm ơn và xin lỗi nơi này vì tất cả. Cầu mong mọi người ở đây luôn hạnh phúc, bình an. Đà Nẵng 12/3/2020. Ngày cách ly cuối cùng".

Đây là những dòng tâm sự được viết trong cuốn nhật ký bằng tranh "siêu dễ thương" của cô bé Phạm Thị Hảo (19 tuổi, quê Tuyên Quang), nữ du học sinh trở về từ Seoul (Hàn Quốc), vừa kết thúc thời gian cách ly tại Trung tâm bồi dưỡng quốc phòng an ninh (Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng), gửi các cán bộ, chiến sĩ... đang làm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại đây.

Cuốn nhật ký là những hình vẽ đơn giản nhưng rất đỗi chân thực và ngộ nghĩnh. Mộc mạc, chân thành nhưng không kém phần sâu sắc là những gì mà tôi cảm nhận được qua những lời tâm sự của Hảo. Chỉ với 18 bức ký họa, cô bé này đã khắc họa được nhiều góc nhỏ tại nơi mình sống suốt 14 ngày cách ly, khi lần đầu em được đến thành phố biển miền Trung này và lại ở trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, đã để lại cho Hảo nhiều kỷ niệm ấn tượng về Đà Nẵng, nơi có những "chú khủng long" (cách gọi đáng yêu của Hảo với những anh bộ đội nhận nhiệm vụ chăm sóc những người cách ly) tận tình giúp đỡ mọi người.

 

 

Suốt 14 ngày cách ly, Hảo đã nhận được nhiều sự quan tâm động viên của các cô chú ở đây. Từ hình ảnh những cán bộ y tế, chiến sĩ quân đội đang ngày đêm làm công tác phòng, chống dịch, đến lọ cồn sát trùng, ổ bánh mỳ đậm vị quê hương, bữa cơm theo tiêu chuẩn quân đội, hay câu chuyện về bà mẹ trẻ vất vả chăm 2 con nhỏ trong khu cách ly và những cuộc gặp gỡ, tình bạn nảy sinh giữa những con người xa lạ… Tất cả đều được Hảo chuyển tải thành những bức ảnh, tranh với những lời chú thích đáng yêu, chân tình.

"14 ngày vừa qua, đối với con là cả sự biết ơn rất lớn. Con thương các bác, cô, chú đã vất vả vì tụi con quá nhiều, cùng tụi con ở lại chiến đấu (...) Con hy vọng những bức vẽ này sẽ được đưa đến tay của tất cả mọi người để cùng coi đó là kỷ niệm đẹp, sự hy sinh của tất cả mọi người luôn được người khác nhìn thấy và công nhận.


Nữ du học sinh Phạm Thị Hảo. Ảnh: FB nhân vật


Có thể các cô chú sẽ quên tên con, quên mặt con, nhưng nếu con có đến lại Đà Nẵng hay nơi này một lần nữa, các cô chú sẽ nhận ra con qua những hình vẽ này.

Con luôn tin những người hy sinh, cống hiến cho xã hội luôn có một cuộc đời đầy ý nghĩa và vô cùng đáng sống. Con rất mong có thể được gặp lại mọi người một lần nữa. Khi mà con đã trưởng thành hơn sau khi đi du học về. Khi mà mọi người vẫn ở đây, khỏe mạnh, yêu Tổ quốc như ngày hôm nay...!"
, những lời tâm sự đầy cảm xúc mà Hảo gởi gắm vào cuốn nhật ký của mình.

 


Các chiến sỹ ở khu cách ly xem cuốn nhật ký của nữ du học sinh gởi tặng.


Chia sẻ về lý do vẽ cuốn nhật ký này, Hảo cho biết: "Chỉ là em muốn thể hiện tình cảm, sự biết ơn của mình đến các cô chú. Em rất vui vì nhận được tình cảm từ mọi người, nhất là các cô chú bộ đội, bác sỹ trong khu cách ly… Họ là những người đã vất vả vì tụi em nhưng vẫn rất chân thành. Em muốn các cô chú thấy, sự vất vả của cô chú luôn được người khác công nhận và thầm ủng hộ, như một động lực nho nhỏ thôi ạ. Do muốn ghi nhớ những kỷ niệm đẹp đó lâu hơn, kĩ hơn nên em đã vẽ ra giấy. Vừa để nhớ, vừa muốn gởi gắm món quà đến các cô chú ở đây…".

"Tôi xem cô bé như là em mình vậy"


Bất ngờ và xúc động – Đó là cảm xúc của Đại úy Võ Mai Bình (42 tuổi) – Người được nữ sinh Hảo tặng cuốn nhật ký và cũng là anh bộ đội được các bạn trẻ tại khu cách ly của Trung tâm bồi dưỡng quốc phòng an ninh (Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng) đặt cho cái biệt danh dễ thương: "Chú Khủng long diệt khuẩn".




Đại úy Võ Mai Bình, người được nữ du học sinh gọi biệt danh là "chú khủng long diệt khuẩn".

 


Những hình ảnh trong cuốn nhật ký bằng tranh vẽ của nữ du học sinh sau 14 ngày ở khu cách ly tại Đà Nẵng.


Đại úy Bình cho biết, bản thân là Y sỹ nên hằng ngày nhiệm vụ đầu tiên của anh là mặc bộ đồ bảo hộ và mang bình phun thuốc đến từng phòng cách ly để diệt khuẩn. Công việc này được anh thực hiện đều đặn mỗi ngày 2 lần. Tiếp đến, anh cùng với các chiến sỹ khác chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ và theo dõi sức khỏe cho những công dân đang cách ly tại đây.

"Có lẽ, do ‘bộ dạng’ của mình lúc mặc đồ bảo hộ, kèm theo tiếng kêu đặc biệt của máy phun thuốc nên các bạn trẻ tại khu cách ly này mới gọi mình là chú khủng long diệt khuẩn", Đại úy Bình cười tươi nói.





Đại úy Võ Mai Bình rất vui khi được các bạn du học sinh tại khu cách ly gọi mình bằng biệt danh: "Chú khủng long diệt khuẩn".


Chú "khủng long diệt khuẩn" đang làm nhiệm vụ xịt thuốc khử khuẩn tại trung tâm cách ly để phòng dịch Covid-19.


Theo anh Bình, Hảo là trường hợp trong nhóm công dân về từ Hàn Quốc đầu tiên được cách ly tại trung tâm, cũng là cô bé để lại cho anh và các cán bộ ở đây nhiều ấn tượng nhất. Mới ngày đầu vào đây, mỗi tối đi tuần tra, anh đều để ý thấy Hảo vẽ tranh trong cuốn sổ nhỏ, nhưng cứ nghĩ là chỉ vẽ chơi thôi, không ngờ mãi đến khi được rời khu cách ly, Hảo chạy lại đưa anh cuốn nhật ký và nói "con tặng chú khủng long diệt khuẩn" giữ làm kỷ niệm, khiến anh khá bất ngờ và xúc động.

"Cô bé có phong cách thời trang khá nổi bật và cắt tóc ngắn giống con trai nên thường hay bị mọi người ở đây trêu chọc là lấy đồ của anh nào mặc. Hảo rất thông minh, nhanh nhẹn và hòa đồng, nên ai cũng quý mến cả. Tôi xem Hảo như em ruột và tất cả mọi người đang cách ly ở đây như người thân của mình vậy…", Đại úy Bình nói và cho biết mình sẽ cất giữ cuốn nhật ký này như một kỷ niệm của người lính.


Chị Nguyễn Thanh Giang (quê Quảng Ninh), nhân vật người phụ nữ ẵm con tại khu cách ly trong cuốn nhật ký của nữ du học sinh, cho biết: "Em đưa 2 con em từ Hàn Quốc thăm quê, nhưng trúng đợt dịch virus Corona nên vào khu cách ly 14 ngày. Ở đây, 3 mẹ con em được các anh chị bộ đội rất quan tâm và chăm sóc chu đáo".


 

Được biết, thời gian qua, Trung tâm bồi dưỡng quốc phòng an ninh (Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng) đã tiếp nhận cách ly và chăm sóc cho 179 công dân Việt về từ vùng dịch Hàn Quốc.

 

Phút chia tay bịn rịn những người bạn mới quen trong khu cách ly.


Được biết, anh Bình công tác trong quân ngũ đã hơn 20 năm. Bản thân là người lính quân y nên khi nhận nhiệm vụ nào cấp trên giao phó, anh đều cố gắng làm hết sức mình. Năm 2014, anh từng là chiến sỹ xung phong lên tàu CSB 4033, để ra quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) 2 tháng, trong sự kiện Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981.

Cuối tháng 2 vừa qua, ngay sau khi đón nhóm người dân trở về từ những nước có dịch, anh và đồng đội cũng đã "tự cách ly" mình ở lại đơn vị để chăm sóc tốt nhất cho các công dân. Tính đến nay, cũng đã hơn 20 ngày anh Bình chưa về thăm nhà. Hiểu trách nhiệm của 1 người lính, vợ anh cũng cảm thông và thường xuyên điện thoại động viên chồng cố gắng hoàn thành tốt công tác chống dịch, chị ở nhà gồng gánh bán buôn và chăm 2 con nhỏ.


Lời cảm ơn chân thành và dễ thương của nữ du học sinh trong cuốn nhật ký gởi tặng các anh bộ đội.


"Cũng đã hơn nửa tháng rồi chưa về nhà thăm con nên cũng nhớ lắm chứ, nhưng là lính sống xa nhà nhiều rồi nên dần cũng quen. Biết hằng ngày mình tiếp xúc với nhiều người trở về từ vùng dịch, vợ cũng lo lắm nhưng mình cố động viên vợ chăm sóc tốt cho 2 con, để mình yên tâm làm nhiệm vụ của 1 người chiến sỹ. Đến khi nào hết dịch Covid-19 thì mình và đồng đội mới về!", anh Bình tâm sự.

 

Hà Nam 

 



 

 

Nguồn: ttvn.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.