Chuyên mục
Đâu nhất thiết tỉnh nào cũng phải có sân bay?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đâu nhất thiết tỉnh nào cũng phải có sân bay?

Thứ năm 18/03/2021 07:49 GMT + 7

Xây dựng hạ tầng giao thông là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng sân bay cần phải có những điều kiện nhất định

Mới đây, tỉnh Bình Phước đã xin Chính phủ giao cho địa phương quản lý sân bay quân sự tại huyện Hớn Quản để mở rộng thành sân bay có kết hợp dân sự với quy mô 400-500 ha để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Đua nhau đề xuất xây sân bay

Trước đó, tháng 4-2019, Bạc Liêu đề xuất dời sân bay Cà Mau lên Bạc Liêu với mục tiêu sẽ phục vụ được khoảng 5 triệu dân (gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang với một phần của tỉnh Kiên Giang) thay vì chỉ phục vụ khoảng 1 triệu dân của tỉnh Cà Mau.

Đến đầu năm 2020, Cao Bằng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung địa phương mình vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Tiếp đó, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Ninh Bình, Quảng Trị… cũng có đề nghị tương tự.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay cả nước đang có 22 sân bay (9 sân bay quốc tế, 13 nội địa). Mật độ đạt khoảng 16.000 km2/cảng hàng không, ở mức trung bình so với một số nước trong khu vực. Trong đó, số sân bay có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài... Phân nửa sân bay còn lại đều trong tình trạng hòa vốn hoặc phải bù lỗ do lượng khách quá thấp, chỉ đạt 10%-30% công suất thiết kế.

 

Hiện cả nước đang có 22 sân bay (9 sân bay quốc tế, 13 nội địa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Trong khi đó, khu vực 14 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã có 9 sân bay. Đây được cho là mật độ quá dày, công suất hoạt động của các sân bay này rất thấp, hiệu quả kinh doanh cũng hết sức hạn chế. Có sân bay đang thua lỗ, như Rạch Giá (Kiên Giang) dù vị trí thuận lợi nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 50.000-60.000 khách; sân bay Điện Biên cũng chỉ vài chục ngàn khách/năm. Thế nhưng thực trạng này cũng không cản được mơ ước có sân bay riêng của nhiều địa phương, ngay cả ở những tỉnh còn nghèo. Trong khi đó, nếu các địa phương chỉ cách nhau vài chục đến hơn trăm km lại có 1 sân bay thì khả năng bị phân lưu dòng khách giữa các sân bay là rất lớn, khó bảo đảm hiệu quả tài chính.

Ngay cả với các sân bay đã được phê duyệt trong quy hoạch, tình trạng sân bay mọc san sát, cách nhau chỉ 100-200 km cũng tạo nguy cơ cạnh tranh lẫn nhau rất lớn. Chỉ riêng khu vực Tây Bắc Bộ, trong tương lai sẽ có tới 4 sân bay của 4 địa phương sát nhau là Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên. Với hình thức đầu tư xã hội hóa, sẽ rất khó cho các dự án sân bay này đạt tới điểm hòa vốn, chưa nói tới có lãi.

Cần xem xét đến các điều kiện nhất định

Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng sân bay là công trình đầu tư công và hạ tầng giao thông kết nối đều đòi hỏi kinh phí vô cùng lớn. Nếu nói về đầu tư công cho giao thông, tính đến nay, đường bộ cao tốc tại Việt Nam mới hoàn thành được khoảng 20% tổng quy hoạch. Trong bối cảnh đất nước đang khó khăn, mà nhu cầu chưa cấp thiết, lại chi thêm vài tỉ USD để xây dựng sân bay liệu ngân sách đáp ứng được?

Trên thực tế, với một số địa bàn trọng yếu đặc biệt, việc xây dựng sân bay sẽ có tác động tốt tới phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, việc cân đối giữa bài toán kinh tế dự án và bài toán phát triển tổng thể cần hết sức chặt chẽ, tránh đi vào vết xe đổ một số địa phương trước đây từng chạy đua xây dựng cảng biển, để rồi cuối cùng xây nhiều mà sử dụng chẳng được bao nhiêu, thừa cảng nhỏ mà thiếu cảng lớn... Những bài học đầu tư tràn lan ở các địa phương diễn ra trong thời gian qua như sân golf, cảng biển, khu công nghiệp, các nhà máy đóng tàu… mà không mang lại hiệu quả kinh tế vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

Theo tính toán, nếu khoanh vùng bán kính 100 km cho 28 cảng hàng không tại Quy hoạch 236 thì tỉ lệ dân số Việt Nam tiếp cận cảng hàng không trong bán kính 100 km là khoảng 95,94%, cao hơn so với mức 75% bình quân trên thế giới. Khách quan mà nói do đặc thù địa lý trải dài trên kết cấu hạ tầng giao thông còn lạc hậu, việc các tỉnh muốn xây dựng sân bay cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng phải nhớ rằng ngoài việc cần một lượng kinh phí rất lớn, lên tới hàng trăm triệu USD, diện tích đất chiếm dụng 200-500 ha để xây 1 sân bay có quy mô 2-3 triệu lượt hành khách/năm, trong trường hợp công trình được đưa vào quy hoạch đầu tư sau 20-30 năm nữa thì cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân vùng dự án sẽ bị treo theo và việc chuyển quyền sử dụng đất hoặc xây dựng các công trình kiên cố sẽ bị đóng băng.

Xây dựng hạ tầng giao thông là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng sân bay cần phải có những điều kiện nhất định. Trong đó, phải làm sao để lợi nhuận thu được cao hơn chi phí xây dựng và hoạt động. Đó là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách cần phải đặt ra. 

 

CHUNG THANH HUY

Nguồn: nld.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.