Chuyên mục
Cuộc chiến giá dầu: Mỹ và đồng minh Saudi giương cờ trắng, liệu Nga có buông?

Cuộc chiến giá dầu: Mỹ và đồng minh Saudi giương cờ trắng, liệu Nga có buông?

Thứ sáu 03/04/2020 14:46 GMT + 7

Nga tự tin có thể vượt qua cuộc chiến giá dầu với tuyên bố đủ tiền mặt để trụ vững trong vòng 6-10 năm khi giá dầu ở mức từ 25-30 USD/thùng.

Mỹ-Saudi hạ giọng

Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, ngày 2/4 đã bất ngờ kêu gọi tổ chức một hội nghị của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhằm “bình ổn thị trường dầu mỏ”. Trong khi đó, người Mỹ cũng bắt đầu tỏ dấu hiệu nao núng khi cảm nhận rõ tác động cay đắng từ cuộc chiến giá dầu hiện nay.

Hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia dẫn một tuyên bố cho hay: “Vương quốc (Saudi Arabia) kêu gọi tổ chức một hội nghị khẩn cấp của OPEC+ và một nhóm quốc gia khác với mục đích cố gắng đạt được một thỏa thuận công bằng nhằm khôi phục sự cân bằng đối với thị trường dầu mỏ”.


Saudi Arabia chính thức "buông súng"?


Tuy nhiên, sau lời kêu gọi của Saudi Arabia, các nguồn tin từ OPEC cùng ngày cho biết, hiện chưa có bất cứ hội nghị nào được lên kế hoạch giữa liên minh này với các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác.

Trong khi đó, Điện Kremlin cũng trong ngày 2/4 đã bác bỏ thông tin mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định trên mạng xã hội Twitter về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận với Thái tử Saudi Arabia - Mohammed bin Salman, động thái đã khiến giá dầu tăng vọt.

Phát biểu với hãng tin Interfax, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định: “Không, không có bất cứ cuộc thảo luận nào”. Theo quan chức này, “đến nay” vẫn chưa có bất cứ kế hoạch nào dành cho những cuộc thảo luận như vậy.

Trước đó, cùng ngày 2/4, ông Trump thông báo đã trao đổi với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Riyadh và Moscow sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức khoảng 10 triệu thùng.

Ông Trump viết trên Twitter: “Vừa mới trao đổi với người bạn Saudi Arabia (Thái tử) MBS của tôi, người đã thảo luận với Tổng thống Nga Putin, tôi chờ đợi và hy vọng rằng, họ sẽ cắt giảm khoảng 10 triệu thùng, và có thể còn nhiều hơn con số này. Nếu điều đó xảy ra, sẽ là Tuyệt vời đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt”.

Ngày 31/3, ông Trump cũng thông báo rằng, ông sẵn sàng “giúp” giải quyết cuộc chiến giá dầu ngày càng leo thang giữa Nga và Saudi Arabia, nhất là sau khi Riyadh tuyên bố sẽ gia tăng xuất khẩu dầu lên mức 10,6 triệu thùng/ngày từ tháng 5 tới.

Trong một cuộc họp báo, ông Trump buộc phải thừa nhận cuộc tranh chấp về sản lượng đã đe dọa hàng nghìn việc làm tại nước Mỹ.


Mỹ đang cảm nhận rõ "nỗi đau" từ cuộc chiến giá dầu


Tổng thống Trump hạ giọng và tỏ rõ ý muốn “đình chiến” giá dầu trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt vô vàn thách thức từ tác động của đại dịch COVID-19 và mối đe dọa treo lơ lửng trên đầu ngành dầu đá phiến.

Ngày 1/4, tập đoàn Dầu mỏ Whiting của Mỹ “tiên phong” khi nộp đơn phá sản lên Tòa án Quận Nam Texas. Cổ phiếu của tập đoàn này đã ngay lập tức bị đình chỉ giao dịch.

Whiting là một trong những công ty dầu mỏ đá phiến lớn nhất của Mỹ hoạt động tại khu vực Bakken ở Bắc Dakota. Doanh nghiệp này đã chịu áp lực tài chính lớn trước khi giá dầu thô Mỹ sụp đổ.

Trong một tuyên bố, Whiting cho biết hội đồng quản trị công ty đã kết luận rằng đây là thời điểm phù hợp để chọn ra con đường tái cấu trúc tài chính, hay nói cách khác “phá sản” là "con đường tốt nhất" cho công ty trong bối cảnh hiện nay.

Nga không buông súng?

Truyền thông Nga thừa nhận xuất khẩu dầu sẽ không đem lại lợi nhuận nếu tình hình giá dầu thấp hiện nay tiếp tục kéo dài. Các doanh nghiệp Nga sẽ không còn lợi nhuận nếu xuất khẩu dầu Ural ở mức 15-16 USD/thùng theo tỷ giá hối đoái và cước vận tải hiện nay.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu khai thác trên đất liền có thể âm. Các nhà phân tích ngân hàng này nêu tên các quốc gia dễ bị tổn thương nhất là Nga, Mỹ, và Canada.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn một nguồn tin giấu tên trong Chính phủ Nga cho biết các công ty khai thác dầu nước này đã quyết định không tăng sản lượng dầu từ ngày 1/4 như dự kiến trước đó.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette nhằm thảo luận việc đảo ngược sự sụt giảm của giá dầu trên toàn cầu.

Bộ Năng lượng Nga ra thông cáo cho biết: “Hai bên đã thảo luận tình hình thị trường dầu thế giới hiện nay và các lĩnh vực hợp tác tiềm tàng giữa hai nước trên thị trường năng lượng thông qua G20 và Ngân hàng Thế giới”.

Quan chức Nga và Mỹ đã phải thừa nhận “rủi ro” do nhu cầu sụt giảm và nguồn cung dư thừa, đồng thời kêu gọi phản ứng mang tính “xây dựng” và tiếp tục cuộc đối thoại.

 


Mỹ tuyên bố sẵn sàng "giúp" giải quyết cuộc chiến giá dầu!


Hôm 30/3, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump cũng đã có cuộc điện đàm, trong đó hai nguyên thủ quốc gia trao đổi quan điểm về thị trường dầu mỏ thế giới và thống nhất tham vấn giữa bộ trưởng năng lượng hai nước.

Đến ngày 1/4, Tổng thống Nga đã kêu gọi cả nhà khai thác dầu lẫn người tiêu dùng tìm ra giải pháp cải thiện tình hình thị trường dầu mỏ toàn cầu, mà ông mô tả là đầy "thách thức". Ông Putin đánh giá Mỹ cũng lo ngại về tình hình trên thị trường dầu mỏ.

Trong gần 3 năm qua, kể từ khi thị trường dầu thô mất giá và dầu đá phiến của Mỹ bùng nổ vào năm 2016, Nga và Saudi Arabia đã hợp tác với nhau để ổn định giá dầu toàn cầu như một phần của đàm phán liên minh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+).

Giới phân tích cho rằng Nga từ chối tiếp tục thỏa thuận với OPEC vì hy vọng có thể tận dụng việc các nước khác cắt giảm sản lượng.

Để đáp trả, Saudi Arabia đã thực hiện chiến lược “bên miệng hố chiến tranh”, thông báo rằng nước này sẽ tăng sản lượng thêm 2,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020 để hạ giá dầu và gây sức ép buộc Nga phải nhượng bộ.

Chính phủ Saudi Arabia đã chỉ ra rằng nước này đang trong cuộc đua gia tăng sức ép đối với Điện Kremlin khi gia tăng sản lượng lên gần 5 lần so với mức tăng sản lượng dầu thô của Nga.

 


Nga thiệt hại để đối thủ chịu "đau đớn"?


Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá Riyadh có thể phải chấp nhận thua cuộc trước Moscow. Saudi Arabia cần duy trì giá dầu ở mức 91 USD/thùng – cao hơn 3 lần so với giá dầu hiện tại – để cân bằng ngân sách năm 2020.

Trái lại, ngân sách năm 2020 của Nga dựa trên giá dầu ở mức 42,40 USD/thùng, nghĩa là Nga có thể chịu đựng được giá dầu thấp lâu hơn so với Saudi Arabia.

Trên thực tế, nước này đã gia tăng sản lượng 0,5 triệu thùng/ngày, bằng một nửa mức tăng của Saudi Arabia. Điều này chứng tỏ Nga có thể vượt qua cuộc chiến giá dầu. Thêm vào đó, Điện Kremlin nói rằng Nga có đủ tiền mặt để trụ vững trong vòng 6-10 năm khi giá dầu ở mức từ 25-30 USD/thùng.


Đông Triều

Nguồn: baodatviet.vn
34 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.