Chuyên mục
Chuyên gia bình luận về khả năng Ukraine sử dụng vũ khí NATO tấn công lãnh thổ Nga

Chuyên gia bình luận về khả năng Ukraine sử dụng vũ khí NATO tấn công lãnh thổ Nga

Thứ ba 28/05/2024 10:09 GMT + 7

Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông qua tuyên bố mới kêu gọi các thành viên của liên minh dỡ bỏ một số hạn chế cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ trên lãnh thổ Nga.

 

Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 của Mỹ trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Kharkiv. Ảnh: AP/TTXVN

 

Hôm 24/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với tờ The Economist rằng các nước phương Tây nên dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí bên trong lãnh thổ Nga. Tờ báo cho hay mục tiêu của ông Stoltenberg là hạn chế Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và các loại vũ khí khác bên trong lãnh thổ Nga, ngoại trừ Crimea và các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào nước này hồi tháng 9/2022.

Ngày 27/5, Hội đồng Nghị viện NATO (NATO PA) - cơ quan tham vấn liên nghị viện - đã thông qua Tuyên bố 489 kêu gọi các thành viên của khối dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí của họ tấn công “các mục tiêu hợp pháp” của Nga.

Đại diện NATO PA từ 9 quốc gia được cho là không ủng hộ sáng kiến này. Trước đó, Italy và Đức đã lên tiếng phản đối đề xuất này vì cho rằng nó có thể dẫn đến một cuộc chiến lớn giữa Nga và NATO. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không cho phép Ukraine tự do sử dụng vũ khí chống lại Nga.

Ông Scott Ritter, nhà phân tích quân sự và cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ, cho hay: “Mỹ đã nói rõ rằng nước này không ủng hộ việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí. Đã có một số cuộc tranh luận, thảo luận và đối thoại trong nước nhằm đảo ngược chính sách này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn tiếp tục áp đặt các hạn chế”.

Tuy nhiên, các quốc gia thành viên NATO có quyền quyết định có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ để tấn công Nga hay không, bất chấp lời kêu gọi của ông Stoltenberg hoặc tuyên bố không ràng buộc của NATO PA.

Theo ông Ritter, thực tế là cho đến nay NATO - một tổ chức không chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn hơn với Nga - đã thực hiện chính sách tránh leo thang xung đột Ukraine và ngăn chặn một cuộc đối đầu toàn diện với Nga.

 


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Ông Michael Maloof, cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, lập luận mấu chốt của vấn đề là các quốc gia thành viên NATO chưa chuẩn bị cho một cuộc chiến với Nga.

“Tất cả các quốc gia NATO sẽ phải chuyển đổi nền kinh tế của họ từ nền kinh tế dịch vụ sang nền kinh tế sản xuất đầy đủ thời chiến. Và họ không có khả năng làm điều đó. Họ không thể duy trì nó. Phải mất nhiều năm họ mới làm được điều đó”, ông Maloof nói.

Cựu nhà phân tích của Lầu Năm Góc cho biết thêm giới lãnh đạo các nước châu Âu, như Thủ tướng Hungary Viktor Orban và những quan chức khác ở Itay và Đức có lẽ sẽ lên tiếng phản đối cuộc đối đầu toàn diện với Nga.

Hãng thông tấn Adnkronos dẫn lời Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho hay: “Chúng tôi sẽ không cử một binh sĩ Italy nào đến Ukraine và các thiết bị quân sự mà Rome hỗ trợ sẽ chỉ được sử dụng trên lãnh thổ Ukraine”.

Ngoại trưởng Tajani lưu ý thêm rằng Italy là một thành viên của NATO và mọi quyết định phải được đưa ra tập thể.

Giới chuyên gia tin rằng việc ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí NATO xuất phát từ sự tuyệt vọng của liên minh xuyên Đại Tây Dương trước những thất bại quân sự liên tiếp của Kiev trên chiến trường.

Đầu tháng 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với The Economist rằng Paris có thể triển khai lực lượng tới Ukraine nếu tiền tuyến bị phá vỡ và Kiev chính thức yêu cầu hỗ trợ. Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron nói với hãng tin Reuters rằng Anh đã cho phép chính quyền Kiev tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí mà nước này cung cấp.

Về phần mình, Moskva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên can dự sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nga lên án những tuyên bố của ông Macron là mang tính khiêu khích và có nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa.

Bình luận về tuyên bố của ông Cameron, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Ngoại trưởng Anh trên thực tế đã xác nhận rằng phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga bằng cách sử dụng người Ukraine làm lực lượng ủy nhiệm.

Ông Larry Johnson, quan chức tình báo CIA đã nghỉ hưu và quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng lập lại quan điểm: “Về mặt khách quan, thực tế là NATO không có khả năng leo thang chiến tranh và duy trì nó”.

 

Hải Vân

Nguồn: baotintuc.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.