Chuyên mục
Ca F0 nặng khỏi bệnh: ''Các bác sĩ chăm sóc tôi hơn cả người nhà''

Ca F0 nặng khỏi bệnh: ''Các bác sĩ chăm sóc tôi hơn cả người nhà''

Thứ ba 03/08/2021 10:54 GMT + 7

20 ngày điều trị Covid-19 khiến chị Ngô Hoàng Yến nhận ra, những lời kêu ca trên mạng xã hội có thể khiến cho tinh thần người bệnh kiệt quệ. Những gì chị cảm nhận được những ngày qua là sự giúp đỡ, động viên.


Trở về sau gần 3 tuần điều trị Covid-19, chị Ngô Hoàng Yến (sinh năm 1996) chia sẻ với VietNamNet: “Dù vẫn còn khá mệt và đau đầu, nhưng cả thể chất và tinh thần của tôi đều tốt hơn rất nhiều, giống như được sống lần thứ 2”.

Nơi được yêu thương và chăm sóc

Chị Yến cho biết, trước khi được chuyển sang Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chị bị kiệt sức đến mức không thở nổi. Thế rồi, ở nơi dành cho những bệnh nhân nặng nhất, chị cảm nhận được sự ấm áp và chăm sóc tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên tình nguyện.

 

Chị Ngô Hoàng Yến trong ngày được xuất viện.

 

“Lúc tôi bệnh nặng nhất, các bác sĩ thường xuyên an ủi, động viên. Khi ấy, dù tôi đi tiêu, tiểu tại chỗ, nhưng không có một ai tỏ ra khó chịu. Các anh chị tình nguyện viên lau cho tôi rất cẩn thận, sạch sẽ, sợ tôi nằm lâu sẽ bị viêm loét. Tôi nghĩ, người nhà mình chưa chắc đã chăm mình được vậy”, chị Yến tâm sự.

Chị nhớ như in những việc các bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên đã làm cho mình. Khi đang điều trị ở lầu 2 dành cho bệnh nhân nặng, e ngại mái tóc quá dài, vất vả cho những người chăm sóc, chị Yến nhờ các tình nguyện viên cắt giùm. Tiếc mái tóc đã “nuôi” nhiều năm, chị không kìm được nước mắt. Một vị bác sĩ thấy vậy đã đi đến, nắm tay và lau nước mắt cho chị rồi động viên: “Tội nghiệp con quá! Con cố lên nha!”.

Hay khi chị mệt đến chẳng muốn ăn uống, vẫn có người kiên nhẫn đút cho từng thìa cháo. Nhờ sự chăm sóc tận tình ấy, chị Yến mới có thể vực dậy tinh thần. “Tôi tự hỏi bản thân mình, tại sao mọi người đã giúp mình như thế mà mình không cố gắng? Mình còn có chồng và mấy đứa con nhỏ ở nhà chờ. Có tinh thần rồi, sức khỏe cũng nhanh hồi phục hơn”, chị cười.

Thời điểm bệnh có tiến triển, được đưa lên khu dành cho bệnh nhân đang hồi phục, chị Yến cũng rơi vào hoảng loạn. Nhưng rồi chị lấy lại bình tĩnh, hiểu rằng sức khỏe mình đang dần tốt lên, vì vậy, dù đau và mệt mỏi, chị vẫn cố gắng tập hít thở sâu.

Chị Yến xúc động: “Từ lầu 2, tôi được chuyển dần lên lầu 4, lầu 6 rồi lầu 9, ở đâu các bác sĩ cũng đều quan tâm. Chẳng bao giờ phải đói, khát. Ban đêm, tôi cảm giác cứ khoảng 15 phút thôi là lại có người vào để xem xét tình trạng sức khỏe. Đến giờ được khỏe để về nhà, tôi mừng và biết ơn lắm”.

Đừng làm hoang mang tinh thần của người bệnh

Trước khi bị nhiễm Covid-19, chị Yến là lao động chính trong gia đình. Chồng chị làm nghề sửa xe, thất nghiệp đã 3 tháng nay. Trong một lần đi phụ lăn sơn cho người ta, chồng chị bị ngã giàn giáo, đành ở nhà trông con. Một mình chị Yến làm công nhân, ngày nào cũng đi từ sáng sớm, đến tận khuya mới về. Không may nhiễm bệnh, chị hốt hoảng lo lắng cho chồng và các con, may mắn là gia đình không có ai bị lây nhiễm.

Những ngày đầu, chị Yến không có triệu chứng nặng. Tuy nhiên, khi được chuyển qua Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, chị bắt đầu khủng hoảng tinh thần. Môi trường sống lạ lẫm, thường phải nghe tiếng la ó, chửi mắng của các bệnh nhân khác, thêm vào đó, chị đọc quá nhiều thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Sức khỏe suy kiệt nhanh chóng rồi chuyển nặng.

 


Th.S Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, tặng quà cho một bệnh nhân xuất viện.

 

“Sau khi trải qua điều trị, tôi nhận ra rằng những thông tin trên mạng xã hội nói bác sĩ không lo cho bệnh nhân, hoặc nếu không có tiền sẽ không được điều trị là sai sự thật. Tôi chỉ mong mọi người thấu hiểu cho sự vất vả và hy sinh của lực lượng y tế hiện nay. Họ cũng đã phải xa gia đình để đi cứu người mà”, chị Yến bức xúc.

Chị kể, thời điểm phải vào khu cách ly, trong túi chị chẳng có nổi một đồng, nhưng vẫn được điều trị, quan tâm và chăm sóc. Đến hôm xuất viện, khi chị còn đang lo lắng vì không biết làm sao để về nhà, bất ngờ, chị được anh Lê Minh Hiển (Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy) đi tới hỏi han. Biết được hoàn cảnh của chị, anh Hiển đã chở chị về tận nhà.

Với những trải nghiệm của mình, chị Yến cũng muốn nhắn nhủ đến những bệnh nhân đang ở khu cách ly: Hãy thấy may mắn vì còn ở đó, bởi các bác sĩ đang phải lo cho nhiều người bệnh nặng hơn. Điều quan trọng để chiến thắng dịch bệnh là giữ được bình tĩnh và tinh thần lạc quan.

 

Khánh Hòa

Nguồn: vietnamnet.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.